Gia nhập WTO: hành trình gian nan của Nga

Việc Nga gia nhập WTO đã xóa bỏ một nghịch lý tồn tại quá lâu trong tổ chức này là một quốc gia lớn, quan trọng bậc nhất hành tinh lại phải đứng ngoài.

Sau 18 năm đàm phán, Nga chính thức trở thành quốc gia thành viên thứ 156 của WTO vào ngày 22/8 vừa qua. Đây là kết quả một hành trình gian nan, đàm phán gay gắt của Moscow.

Chặng đường gian khó

Là một thành viên thường thực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và thuộc Nhóm G8, Nga - nền kinh tế lớn cuối cùng gia nhập vào WTO – tổ chức  thương mại lớn nhất toàn cầu.

Nga nộp đơn xin gia nhập WTO từ rất sớm, vào năm 1993, ngay khi tổ chức này còn được gọi là GATT (Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch) – tiền thân của WTO. Nhưng con đường gia nhập WTO của Nga vô cùng gian nan và dài nhất trong số các nước thành viên của tổ chức này. Ngay cả Trung Quốc, cũng từng phải trải qua chặng đường dài, cũng chỉ mất 15 năm.

Gia nhập WTO là một tín hiệu tốt cho Nga (ảnh: AFP)

Một trong những trình tự quan trọng khi gia nhập WTO là đều phải tiến hành đàm phán với tất cả các nước thành viên của WTO để thương lượng những điều khoản mà mình sẽ chấp thuận khi trở thành thành viên nhằm đổi lấy những quyền ưu đãi do các nước thành viên WTO đem lại. Tiến trình này nhanh hay chậm sẽ quyết định thời gian gia nhập WTO của mỗi nước. Đối với Nga, chặng đường này vô cùng gian nan khó khăn do bất đồng về quan điểm trên nhiều lĩnh vực giữa Nga với các nước phương Tây.

Trước sự kiên quyết của Moscow, cùng với việc Nga đạt được một số thỏa thuận với Mỹ và EU trong các vấn đề quan trọng về giảm thuế nhập khẩu từ mức trung bình 9,5% hiện nay xuống còn 7,4% vào năm tới, 6,9% năm tiếp theo và 6% vào năm 2015, con đường vào WTO mới bớt chông gai.

Nhưng một khó khăn lớn mà Nga phải vượt qua là sự phản đối của các nước Liên Xô cũ, đặc biệt là Gruzia. Nước Cộng hòa này luôn khẳng định không đồng ý Nga gia nhập WTO khi Moscow nắm quyền kiểm soát ở các khu vực ly khai Nam Ossetia và Abkhazia. Vấn đề này chỉ được giải quyết vào năm 2011 với sự trung gian của Thụy Sĩ. Nhờ vậy, tại Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 6 ở Geneva tháng 12/2011, các nước thành viên WTO đã thông qua Nghị định thư về việc Nga gia nhập WTO. Giữa tháng 7 vừa qua, hai viện Quốc hội Liên bang Nga đã lần lượt thông qua dự luật về việc Nga gia nhập WTO. Ngày 21/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký dự luật này, kết thúc chặng đường căng thẳng kéo dài tới 18 năm của Nga.

Việc Nga gia nhập WTO đã xóa bỏ một nghịch lý tồn tại quá lâu trong tổ chức này là một quốc gia lớn, thuộc nhóm G20 – nơi tập hợp 20 nền kinh tế quan trọng nhất hành tinh lại phải đứng ngoài WTO.

Nhiều lợi ích và nguồn lợi khi gia nhập WTO

Ông Dmitry Sredin, một quan chức cấp cao của Ngân hàng Sberbank, ngân hàng thương mại lớn nhất nước Nga cho biết: “Việc gia nhập tổ chức Thương mại Thế giới WTO là một tín hiệu tích cực cho tất cả các nhà đầu tư phương Tây và cũng là dấu hiệu tốt cho tất cả các công ty đang làm việc trong nền kinh tế nước Nga. Chúng tôi kỳ vọng vào tăng trưởng kinh tế trung hạn và dài hạn nhờ vào việc Nga gia nhập tổ chức này”.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đánh giá việc gia nhập WTO sẽ mang lại cho Nga nguồn lợi khoảng 918 tỷ USD/năm nhờ các ưu đãi về thuế quan, trong khi Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, việc trở thành thành viên chính thức của WTO sẽ mang lại cho Nga nguồn lợi về đầu tư bằng 3% tổng thu nhập quốc nội (GDP) trong 3 năm đầu tiên và 11% GDP sau 10 năm. Trong khi đó, Viện Kinh tế Mới ở Moscow dự báo động thái này sẽ giúp tăng tốc độ tăng trưởng GDP của Nga thêm 0,5%/năm.

Khi gia nhập WTO, Nga sẽ phải bắt đầu thực hiện áp dụng lộ trình giảm thuế nhập khẩu, như đã cam kết  đồng thời mở cửa một số lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế với các nhà đầu tư nước ngoài. Nga cũng  sẽ phải dỡ bỏ các rào cản thương mại và mở cửa thị trường cho các nhà đầu tư đến từ các nền kinh tế thành viên khác của WTO. Đổi lại, như Ông Dmitry Sredin, quan chức cấp cao của Ngân hàng Sberbank nhấn mạnh: “Một số lĩnh vực trong nền kinh tế Nga sẽ ngay lập tức cảm nhận được hiệu quả của việc gia nhập WTO. Tuy nhiên cái mà chúng ta cũng có thể nhận thấy rõ đó chính là thay đổi nhanh chóng về GDP”. Ngoài ra, người tiêu dùng Nga có thể mua hàng nhập khẩu có chất lượng cao hơn nhưng ở mức giá rẻ hơn. Tuy nhiên, cũng rất nhiều thách thức khó khăn Nga phải vượt qua, khi trở thành thành viên chính thức của WTO./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên