Hẹn gặp Trung tướng, Anh hùng LLVTND Khuất Duy Tiến vào một chiều đầu tháng tư, nhưng vì lý do sức khỏe, một tuần sau ông mới liên hệ lại cho phép chúng tôi qua nhà riêng tại phố Tôn Thất Thiệp, quận Ba Đình, Hà Nội để trò chuyện.

Trong những ngày tháng Tư lịch sử này, ký ức về ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí vị tướng 93 tuổi. Dù tuổi già đã lấy đi sự tinh nhanh của một vị tướng dạn dày trận mạc nhưng bằng những câu chuyện ông kể chậm rãi, chúng tôi vẫn có thể chắp nối để thấy bóng hình đất nước, vừa hiên ngang, bất khuất, vừa mang nặng tình người trong những năm tháng chiến tranh.

Những câu chuyện, hồi ức ấy là minh chứng sống động, chân thực nhất về một thời lịch sử hào hùng. Một thời, chiến trường khốc liệt, ông và những người đồng đội đã cùng nhau lập nên các chiến tích vang dội nhưng cũng xen lẫn những nỗi đau mất mát, hy sinh vì độc lập, tự do Tổ quốc. Để tới ngày hôm nay, mỗi một lần nhớ lại hồi ức ấy, ông càng trân trọng, vinh dự và tự hào.



Trung tướng, Anh hùng LLVTND Khuất Duy Tiến sinh năm 1931, trong một gia đình thuần nông nghèo khó ở xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Ông được tận mắt chứng kiến cảnh bần cùng của nạn đói năm 1945, chứng kiến nhiều người lần lượt qua đời và đau xót khi trong số đó có hai người chú ruột và các em của ông.

Năm 13 tuổi, ông tham gia hoạt động cách mạng tại địa phương, mở đầu bằng nhiệm vụ làm công tác thanh niên tại huyện Thạch Thất. Đầu năm 1950, ông bị địch bắt giam, chịu cực hình tra tấn dã man ở nhà tù Hỏa Lò, sau đó ông vượt ngục thành công, tiếp tục hoạt động cách mạng ở địa phương. Ngày 4/9/1950, ông chính thức nhập ngũ vào Đại đội 354, Tiểu đoàn 884 (nay là Đại đội 9, Tiểu đoàn 3) Trung đoàn 48 Đại đoàn 320.


Nhắc tới Trung tướng Khuất Duy Tiến, không thể không nói đến nghệ thuật nghi binh trong chiến dịch Tây Nguyên. Thời điểm đó, Trung tướng Khuất Duy Tiến là Trưởng phòng tác chiến mặt trận Tây Nguyên, ông cũng là người đặt bút soạn thảo kế hoạch nghi binh, tạo nên chiến thắng thần tốc 1 ngày bằng 20 năm.

Cuối năm 1974, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương họp, hạ quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm (1975-1976) và nếu có thời cơ thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975. Bộ Chính trị khẳng định, thời cơ giành thắng lợi hoàn toàn đã xuất hiện, quyết định chọn Tây Nguyên là hướng tiến công chủ yếu, đánh Buôn Ma Thuột là trận mở đầu, then chốt.

Trung tướng Khuất Duy Tiến lúc đó được Tư lệnh Vũ Lăng giao nhiệm vụ làm Tổ trưởng Trung tâm nghiên cứu chiến thuật đề xuất phương án đánh thị xã Buôn Ma Thuột. “Sau khi kết thúc cuộc trao đổi, nửa đêm, bên tai tôi cứ văng vẳng tiếng của Tư lệnh chiến dịch, làm thế nào để đánh quân địch ở Buôn Ma Thuột không có phòng ngự dự phòng? Tôi sực nhớ phải nghi binh, làm cho nó tưởng ta đánh Kon Tum và Pleiku, hút địch về phía đó. Một chiến dịch nghi binh đã dần hình thành trong tôi.” - Trung tướng Khuất Duy Tiến kể lại.

Không chỉ lên kế hoạch chuẩn bị chiến trường chiến dịch, xây dựng kế hoạch chiến dịch mà còn phải lập kế hoạch tiếp nhận cơ sở vật chất, tiếp nhận các đơn vị mới đến tăng cường, các đơn vị binh chủng kỹ thuật của Bộ phải được tổ chức chu đáo, bí mật, an toàn. Công tác bảo quản, sửa chữa vũ khí, phương tiện xe - máy phải bảo đảm tối đa hệ số kỹ thuật các phương tiện hiện có. Bên cạnh đó, công tác Đảng, công tác chính trị tư tưởng phải làm tốt để nâng cao ý chí quyết tâm chiến đấu, sức mạnh chiến đấu tổng hợp của mọi đơn vị, mọi binh chủng...



Khi được Tư lệnh Vũ Lăng giao phụ trách việc xây dựng kế hoạch nghi binh, ông đã dốc sức để xây dựng kế hoạch, tiến hành thực hiện kế hoạch một cách cẩn thận, chu đáo.

Kế hoạch nghi binh lúc bấy giờ đã đánh lừa được địch, khiến chúng tưởng ta chuẩn bị đánh Kon Tum - Gia Lai nhưng trên thực tế, ta lại điều quân xuống phía Nam Tây Nguyên, chuẩn bị đánh Buôn Ma Thuột.

Địch cho rằng, để đánh được Đắk Lắk, ta phải đi mất hơn 300km đường rừng, có sông suối, nên ta không thể vừa hành quân vừa đưa phương tiện xuống Buôn Ma Thuột được. Ông kể rằng, lúc ấy chúng ta đã tương kế tựu kế để lừa địch: “Tôi cho để tất cả những máy móc thông tin của các Sư đoàn trên phía Bắc, hàng ngày vẫn phát tín hiệu như bình thường. Quân thì cứ bí mật đi xuống, đi xuống phải hết sức giữ bí mật. Ta làm cho địch lầm tưởng ta đang chuẩn bị đánh Kon Tum, Gia Lai, nhưng thực tế, ta lại điều quân xuống phía Nam Tây Nguyên, chuẩn bị đánh Buôn Ma Thuột”.

Không chỉ thể, ta còn tung tin đồn trong dân là sắp mở chiến dịch ở Bắc Tây Nguyên, tìm người cài vào khu vực do Việt Nam Cộng hòa kiểm soát, phao tin Quân Giải phóng sắp đánh lớn ở Kon Tum và Pleiku khiến địch tin rằng ta sẽ đánh vào điểm đó.

Mặt khác, lực lượng hành quân xuống phía Nam phải đảm bảo nguyên tắc bí mật, ngày vào rừng, tối hành quân, ngụy trang xóa dấu vết những nơi đi qua. Vấn đề tuyệt đối giữ bí mật phải đặt lên hàng đầu và cũng là yếu tố quan trọng nếu không nói là quyết địch để chiến thắng trận này.


Kế hoạch nghi binh thành công, địch thua hoàn toàn không còn cách nào gỡ được nữa, buộc nó phải đầu hàng.



Có thể thấy, kế hoạch nghi binh thắng lợi không chỉ tiết kiệm được thời gian mà còn giảm mức thương vong thấp nhất cho lực lượng của ta để nhanh chóng giải phóng hoàn toàn Buôn Ma Thuột, đẩy địch vào thế bị động, bất ngờ, tạo thế tiến công liên tiếp giải phóng toàn bộ Tây Nguyên. Đây chính là bước ngoặt quyết định, đưa cuộc tiến công chiến lược phát triển thành Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Tổng kết lại mới thấy, việc nghi binh đã được quân ta phối hợp thực hiện rất tốt, mấu chốt chính là kỷ luật, thực hiện đúng nhiệm vụ được giao của các cán bộ, chiến sĩ. Bên cạnh đó còn là sự chỉ đạo tài tình, sáng suốt của Đảng trong phát huy vai trò của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên tham gia chiến dịch. Bởi chỉ cần một sơ xuất nhỏ cũng dễ để địch nghi ngờ, phán đoán ra được ý đồ và phòng bị, khiến cho thế trận khó thực hiện như kế hoạch ban đầu.


Khi được hỏi “Đất nước đã hòa bình, nhân dân đã ấm no, còn điều gì khiến Trung tướng trăn trở nhất vào lúc này”. Vị tướng già trầm ngâm: “Trăn trở nhất của cuộc đời tôi là để bao nhiêu đồng chí, chiến sĩ hy sinh. Tôi phải nói rằng, ở Sư đoàn tôi biên chế là hơn 15.000 người, vậy mà gần 15.000 người hy sinh, còn tôi vẫn còn sống. Cuộc đời của tôi, anh em hy sinh cho tôi nhiều lắm, tôi chỉ còn 15% là bố mẹ tôi để lại, còn tất cả là anh em hy sinh cho tôi. Nhờ có anh em, nên mình còn được sống, mình còn được chiến đấu cho đến ngày nay, nhớ mãi và thương anh em, nhớ là làm việc gì phải làm tốt, để lại những điều tốt lành cho đất nước”.

Vào năm 2013, Trung tướng Khuất Duy Tiến được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.



Ông cứ nhắc đi nhắc lại rằng, danh hiệu AHLLVT nhân dân phải là của các đồng chí, liệt sĩ đã hy sinh ở Sư đoàn 320, chứ không phải của ông. Những danh hiệu cao quý Đảng và Nhà nước trao cho ông cũng chính là trao cho đồng đội của ông.

Không chỉ thế, trở về thời bình, Trung tướng Khuất Duy Tiến đã viết lại cuốn hồi ký “Ký ức đời binh nghiệp”, ghi chép tỉ mỉ từng chiến dịch mà ông tham gia và cả những hy sinh anh dũng của đồng đội ông để bảo vệ Tổ quốc.

“Tôi viết trước hết là cho con cháu tôi, cho bạn hữu của tôi, những người sau này biết rằng chiến đấu là như thế đấy, gian khổ lắm, ác liệt lắm. Đất nước này có được ngày này, là bao nhiêu chiến sĩ đã hy sinh. Vì vậy, mọi người phải có trách nhiệm với đất nước, bất cứ trong hoàn cảnh nào cũng phải làm việc thật tốt để phục vụ cho Tổ quốc. Tôi viết cái đó còn để giáo dục con cháu tôi, cho các thế hệ kế tiếp của tôi sống và làm việc cho đúng là một người đảng viên, một người cán bộ chân chính, để xây dựng gia đình, xây dựng hậu phương, xây dựng quê hương cho tốt lên”, ông nói.



Trải qua những năm tháng chiến tranh, lại là đảng viên, cho tới nay, khi trở về với cuộc sống đời thường, Trung tướng Khuất Duy Tiến vẫn luôn là một công dân mẫu mực, giản dị, có nhiều đóng góp tâm huyết xây dựng Thủ đô và đất nước. Ông cũng luôn trăn trở về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.


Trung tướng Khuất Duy Tiến chia sẻ rằng, ông chỉ muốn đóng góp với Đảng, với thủ đô Hà Nội, làm thật tốt những việc có thể. Ông mong muốn, Đảng ta triệt để chống tham nhũng, thi hành kỷ luật thật nghiêm với những người có chức trách nhưng thoái hóa, biến chất, dứt khoát phải loại khỏi tổ chức Đảng, không để những trường hợp như vậy gây cho đất nước những tổn thất. Ông mong muốn hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh ngày càng tốt đẹp lên, cho nhân dân được hưởng cuộc sống ấm no.

Ông đã giành cả tuổi trẻ của mình để hiến dâng cho Tổ quốc, phục vụ quân đội. Ông cũng thấy mình may mắn khi có được người vợ tảo tần, một tay bà chăm lo gia đình, nuôi dạy 4 người con thành tài. Ông vui mừng khi các con biết bảo ban nhau cùng tiến lên, sống hài hòa.

"Mỗi một thành viên trong gia đình phải mẫu mực mới thành một gia đình mẫu mực. Thế mới có xã hội mẫu mực". - Vị tướng già tâm niệm.


Thứ Hai, 05:19, 22/04/2024