Cách đây 70 năm, ngày 7/5/1954, sau 56 ngày đêm anh dũng chiến đấu, quân và dân ta đã tiêu diệt hoàn toàn Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thực hiện thành công lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trận này rất quan trọng. Phải đánh cho thắng”. Chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, trở thành biểu tượng sức mạnh của dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh và để lại những bài học quý báu cho cách mạng Việt Nam.

70 năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng ta có thêm điều kiện tiếp tục nghiên cứu, nhìn nhận, đánh giá đầy đủ, sâu sắc hơn về bối cảnh lịch sử, về âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp, can thiệp Mỹ; về tầm nhìn chiến lược sáng suốt, tài tình của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; sự nhạy bén, sáng tạo, quyết đoán trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược, chiến dịch của Tổng Quân ủy, của Đảng ủy Bộ Chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ và Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp; về nghệ thuật quân sự độc đáo, về sức lan tỏa của Chiến thắng Điện Biên Phủ đối với nhân dân các nước thuộc địa trên thế giới.

Nhân dịp kỷ niệm sự kiện lịch sử trọng đại này, phóng viên VOV phỏng vấn Đại tá Nguyễn Văn Sáu - Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam để cùng ông nhìn nhận sự kiện này dưới con mắt của một nhà nghiên cứu lịch sử quân sự.





PV: Thưa Đại tá PGS, TS Nguyễn Văn Sáu, trước hết, ông có thể luận giải một cách ngắn gọn vì sao Điện Biên Phủ được cả ta và Pháp chọn là điểm quyết chiến chiến lược?

Đại tá, PGS-TS Nguyễn Văn Sáu: Sau những chiến thắng vang dội của quân và dân ta qua các chiến dịch Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào, giữa năm 1953, thực dân Pháp buộc phải thay đổi chiến lược, chuyển sang thực hiện Kế hoạch Nava.

Để đánh bại âm mưu, thủ đoạn mới của kẻ thù, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, quân và dân ta đã phát huy sức mạnh chiến tranh nhân dân với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, bước đầu làm thất bại Kế hoạch Nava, buộc thực dân Pháp phải bị động nhảy dù xuống Điện Biên Phủ và xây dựng nơi đây thành tập toàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương lúc bấy giờ. Thực dân Pháp cho rằng đây là một “pháo đài bất khả xâm phạm” nhằm thách thức, “nghiền nát” lực lượng chủ lực của ta. Như vậy, cả ta và địch đều chọn Điện Biên Phủ là “điểm quyết chiến quyết định”, trở thành Điểm hẹn lịch sử.

PV: Thời điểm diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, quân đội ta mới thành lập chưa được 10 năm. Vậy, xin ông cho biết, tương quan lực lượng giữa hai bên trong trận chiến này?

Đại tá, PGS-TS Nguyễn Văn Sáu: Quân đội nhân dân Việt Nam từ 34 chiến sĩ ngày đầu thành lập (22/12/1944), đến trước Chiến dịch Điện Biên Phủ đã trưởng thành rõ nét và thể hiện rõ sự phát triển của một quân đội anh hùng. Chúng ta có 6 đại đoàn bộ binh và 1 đại đoàn Công - Pháo trực thuộc Bộ, cùng nhiều trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội trực thuộc các liên khu, các địa phương. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, mặc dù địch có ưu thế về pháo binh, xe tăng - xe bọc thép, không quân nhưng Quân đội nhân dân Việt Nam với lực lượng thuộc 5 đại đoàn đã tiến hành chiến đấu hiệp đồng binh chủng, dũng mãnh tiến công kẻ thù, tiêu diệt tập đoàn cứ điểm, các lực lượng trên mặt trận Điện Biên Phủ; đồng thời sau lưng địch, các chiến trường phối hợp cũng liên tiếp tiến công, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, tạo nên sức mạnh tổng hợp chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ.

PV: Một nhà sử học ở nước ngoài nói rằng, Chiến thắng Điện Biên Phủ có ý nghĩa quan trọng trong việc chuyển đổi các nhóm du kích không chính quy thành một quân đội tiêu biểu có khả năng đánh bại các lực lượng phương Tây dày dạn kinh nghiệm, được trang bị kỹ càng và được huấn luyện bài bản trong một trận chiến được bày binh bố trận? Ông có đánh giá gì về nhận định này?

Đại tá, PGS-TS Nguyễn Văn Sáu: Căn cứ vào so sánh lực lượng “nhỏ đánh lớn, yếu đánh mạnh” và xu hướng vận động của sự so sánh lực lượng đó, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định đường lối kháng chiến là toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh.

Thực hiện đường lối kháng chiến của Đảng, quân và dân ta vừa kháng chiến vừa kiến quốc, càng đánh càng mạnh. Chiến tranh du kích được phát triển rộng khắp, từ du kích chiến từng bước tiến lên vận động chiến với lực lượng là các đại đoàn chủ lực mạnh được thành lập, giành và giữ vững thế chủ động chiến lược, buộc quân viễn chinh Pháp phải đánh theo cách đánh của ta. Để chuyển hóa lực lượng và tuân thủ quy luật nghiệt ngã của chiến tranh là: Mạnh được, yếu thua.



PV:  Để làm nên thắng lợi Điện Biên Phủ, chúng ta đã giải quyết thành công và sáng tạo nhiều vấn đề về chiến lược quân sự, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật. Điểm nổi bật là chủ động sáng tạo, buộc địch phải đánh theo cách đánh của ta, không phát huy được ưu thế công sự kiên cố, hỏa lực mạnh, có sức cơ động cao. Ông có nhận định gì về nội dung này?

Đại tá, PGS-TS Nguyễn Văn Sáu: Cùng với sự phát triển vượt bậc của Quân đội nhân dân, nghệ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp cũng phát triển đến đỉnh cao.

Về chiến lược, Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy luôn nắm vững tư tưởng chiến lược tiến công, phát huy quyền chủ động chiến lược tiến công của ta, kết hợp chặt chẽ giữa các đòn tiến công chiến lược trên khắp các chiến trường ba nước Đông Dương với đẩy mạnh chiến tranh du kích ở vùng sau lưng địch, buộc địch phải phân tán lực lượng đối phó, qua đó, tạo thế, tạo lực, tạo thời cơ cho trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ.

Về nghệ thuật chiến dịch, ta xác định đúng phương châm chiến dịch là "đánh chắc, tiến chắc", tập trung ưu thế vượt trội về binh lực, hỏa lực cho từng trận đánh, tiêu diệt từng cứ điểm, cụm cứ điểm, tiến tới tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Sớm hình thành thế bao vây, xây dựng trận địa tiến công và bao vây nhằm từng bước siết chặt, chia cắt thế liên hoàn giữa các cứ điểm, cụm cứ điểm, giữa các phân khu trong toàn bộ tập đoàn cứ điểm của địch. Chọn cách đánh hiểm, hiệu quả nhất, đó là cách đánh vây hãm “Vây, lấn, tấn, diệt”; kết hợp tiến công đột phá lần lượt, phát huy được uy lực của mọi vũ khí, trang bị, sở trường của bộ đội ta, vừa hạn chế được chỗ mạnh, khoét sâu chỗ yếu của chúng, tạo và nắm thời cơ giành thắng lợi từng bước tiến tới thắng lợi cuối cùng.

Về chiến thuật, cũng có sự phát triển nhảy vọt. Đó là sự thành công của nhiều trận công kiên, đánh hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, hiệu quả cao; sự xuất hiện của các trận chiến đấu phòng ngự trận địa lần đầu tiên trong lịch sử của Quân đội ta đến bấy giờ; sự ra đời của hình thức chiến thuật “đánh lấn” trong điều kiện ta chưa đủ khả năng tiến công tiêu diệt ngay mục tiêu.

Chúng ta đã từng bước đánh các mục tiêu tiến tới tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và giành thắng lợi vẻ vang.



PV: Như vậy, có thể nói, Chiến thắng Điện Biên Phủ là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thưa ông?

Đại tá, PGS-TS Nguyễn Văn Sáu: Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, nghệ thuật chiến tranh nhân dân của Việt Nam đã phát triển đỉnh cao.Có thể khẳng định, đến Chiến dịch Điện Biên Phủ, nghệ thuật quân sự Việt Nam đã phát triển toàn diện, đến đỉnh cao, trở thành nhân tố trực tiếp góp phần đánh bại thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; thể hiện bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, là vốn quý cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

PV: Sự thất bại của người Pháp trong trận Điện Biên Phủ đã được thể hiện qua nhiều con số. Và chắc chắn, quân và dân ta cũng đã trải qua vô vàn khó khăn, gian khổ và cả những hy sinh to lớn, thưa ông?

Đại tá, PGS-TS Nguyễn Văn Sáu: Đó là tất yếu của chiến tranh. Không có thắng lợi nào không phải trả giá. Trong chiến tranh thì đó là máu xương của đồng bào, chiến sĩ của nhân dân mà “giá đó không đo đếm được”.

Dân tộc ta là 1 dân tộc yêu chuộng hòa bình, truyền thống hòa hiếu, đất nước ta đã trải qua lịch sử mấy nghìn năm dựng nước đi đôi với giữ nước nên dân tộc Việt Nam càng thấu triệt cái giá của hòa bình, và nỗi đau của chiến tranh.

Trước tình hình thế giới những năm qua biến đổi khó lường, chúng ta càng cần phải chú ý giải quyết, dập tắt mọi nguy cơ và bảo vệ tổ quốc từ sớm từ xa. Như câu ngạn ngữ tiếng La tinh: “Nếu bạn muốn hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh”.

Nhân Ngày Giỗ tổ Vua Hùng (10/3 âm lịch), nhớ lời Bác Hồ dạy: “Ngày xưa, các vua Hùng đã có công dựng nước. Ngày nay, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.







PV: Chiến thắng Điện Biên Phủ góp phần quyết định kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc chống thực dân Pháp và kể từ đây, lịch sử dân tộc Việt Nam đã bước sang một giai đoạn mới, thưa ông?

Đại tá, PGS-TS Nguyễn Văn Sáu: Đối với Việt Nam, Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc oanh liệt cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 của quân và dân ta, đánh bại Kế hoạch Nava, làm sụp đổ hy vọng xoay chuyển cục diện chiến tranh của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, tạo cơ sở cho cuộc đấu tranh thắng lợi ở Hội nghị Geneve “Về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương”. Miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng, tạm thời có hòa bình và trở thành hậu phương vững chắc cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975).

PV: Chiến thắng Điện Biên Phủ chứng minh với tầng lớp cai trị của các cường quốc thuộc địa cũ như Anh, Pháp, Bồ Đào Nha và Bỉ, rằng cán cân quân sự đã thay đổi và họ không thể nắm giữ cũng như giành lại các đế chế, các hình thức thống trị, bóc lột mà họ từng thực hiện trước Chiến tranh Thế giới thứ 2. Đây là nhận định của một nhà nghiên cứu lịch sử ở Anh. Ông có bình luận gì?

Đại tá, PGS-TS Nguyễn Văn Sáu: Tôi cho rằng đây là 1 nhận định hết sức sắc sảo và hiểu biết về lịch sử. Dân tộc Việt Nam đã thực sự trở thành một dân tộc tiên phong trong phong trào giải phóng dân tộc ở thế giới và nêu lên tấm gương sáng cho nhân dân các nước: Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ Latin,.. Đây là một điều vô cùng tự hào. Thế nhưng, mọi chiến thắng đều phải trả giá bằng những mất mát, hy sinh mà khó có thể đo tính được của dân tộc ta. Có thể nói rằng là chính chiến thắng Điện Biên Phủ đã góp phần làm thay đổi lịch sử thế giới và ngày càng minh chứng vai trò, vị trí, ý nghĩa to lớn của mình. Cho tới nay, Chiến thắng Điện Biên Phủ đã thực sự “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vang dội mãi về sau.

PV: Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng góp phần vẽ lại bản đồ thế giới và phân phối lại quyền lực kinh tế và chính trị trên toàn cầu trên cơ sở công bằng hơn, thưa ông?

Đại tá, PGS-TS Nguyễn Văn Sáu: Các cuộc chiến tranh thế giới bao giờ cũng để lại hậu quả hết sức khó lường nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ trong cuộc kháng chiến chống Pháp của chúng ta đã thực sự góp phần vẽ lại bản đồ thế giới và làm cho sự phát triển của các nước hệ thống xã hội chủ nghĩa, của phong trào giải phóng dân tộc trở thành các dòng tháp cách mạng lớn mạnh. Chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc lúc bấy giờ đã ngày càng thấy được sự thống trị, áp bức, bóc lột,.. là đi ngược lại sự phát triển của xã hội và quy luật tất yếu của loài người.





PV: Với với các dân tộc thuộc địa trên thế giới, chiến thắng Điện Biên Phủ có ý nghĩa thế nào và tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã vượt ra khỏi biên giới Việt Nam ra sao?

Đại tá, PGS-TS Nguyễn Văn Sáu: Trên bình diện quốc tế, Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, là nơi đánh dấu “chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã”, là niềm hi vọng lớn lao và tươi sáng, ngọn cờ cổ vũ các dân tộc thuộc địa đấu tranh vì độc lập, tự do. Sau Điện Biên Phủ, phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội phát triển ngày càng sâu rộng. Gần 2 thập kỷ sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hàng loạt các nước ở châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ Latinh đã lần lượt giành độc lập với hình thức và mức độ khác nhau. Việt Nam trở thành nước tiên phong, là biểu tượng sáng ngời trong phong trào giải phóng dân tộc, đánh đổ chủ nghĩa thực dân cũ, mở ra một trang lịch sử mới cho nhân loại, góp phần làm thay đổi cục diện thế giới.

Với ý nghĩa và sức lan tỏa như thế, Chiến thắng Điện Biên Phủ gắn liền với tên tuổi của các nhà lãnh đạo, các tướng lĩnh cầm quân, tiêu biểu là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp.

PV: Các học giả thế giới nghiên cứu về Chiến dịch Điện Biên Phủ như thế nào? Ông có thể nêu những ví dụ cụ thể?

Đại tá, PGS-TS Nguyễn Văn Sáu: Hội thảo quốc tế Chiến thắng Điện Biên Phủ, sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại diễn ra vào chiều 5/5/2024 tại Hà Nội, do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức đã cho thấy cuộc chiến đấu “Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu” thể hiện tinh thần quyết chiến, quyết thắng vì độc lập tự của do của dân tộc Việt Nam. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử giới thiệu cảm nhận của một số nhà khoa học nước ngoài tại Hội thảo.

TS. Bountheng Souksavatd (Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào): Chiến thắng Điện Biên Phủ mở đầu cho cao trào giải phóng dân tộc rộng lớn trên thế giới.

Thắng lợi vĩ đại Chiến thắng Điện Biên Phủ làm sáng tỏ một chân lý của thời đại là: Một dân tộc dù nhỏ, nhưng đoàn kết chặt chẽ, kiên quyết chiến đấu theo một đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, thì có đầy đủ khả năng thắng mọi kẻ thù xâm lược, dù chúng có quân đội nhà nghề thiện chiến, được trang bị hiện đại. Chiến thắng Điện Biên Phủ được coi như chiến thắng mở đầu cho cao trào giải phóng dân tộc rộng lớn trên thế giới, cho thời kỳ tan rã của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới.

Tạp chí Le Nouvel Observateur (Pháp) ngày 08-4-1984 đã viết “Điện Biên Phủ là một trong những trận giao chiến đã làm thay đổi số phận thế giới”.

PGS, TS. Christian C.Lentz (Đại học North Carolina Chapel Hill, Hoa Kỳ): Trận Điện Biên Phủ đã làm thay đổi thế giới.

Trận Điện Biên Phủ đã làm thay đổi thế giới. Quân đội nhân dân Việt Nam đã đánh bại thực dân Pháp. Chiến thắng góp phần khích lệ và củng cố vị thế của Việt Nam trong các cuộc đàm phán ngoại giao, ký kết Hiệp định Geneve chấm dứt 8 năm chiến tranh, giải tán Liên bang Đông Dương và thừa nhận chế độ Cộng hòa dân chủ ở miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 17. Hơn thế, Chiến thắng này cũng có tác động lan tỏa, khích lệ các dân tộc bị áp bức khác phải quyết tâm hơn để đấu tranh chống chế độ đế quốc.

TS. Seung-Kyun KO (Đại học Hawaii Pacific, Hoa Kỳ): Trận Điện Biên Phủ đã đem lại cho Việt Nam niềm tin tuyệt đối vào con đường đấu tranh giành độc lập.

Trận Điện Biên Phủ là bước ngoặt lớn đối với chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam và đối với cả quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam nhằm giành độc lập và giải phóng đất nước khỏi chế độ áp bức của thực dân.

Sự thất bại nặng nề của Quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ đã kết thúc sự cai trị của Pháp ở Việt Nam. Mặt khác, trận Điện Biên Phủ đã đem lại cho Việt Nam không chỉ là thắng lợi lịch sử trước chủ nghĩa thực dân mà còn hình thành niềm tin tuyệt đối vào con đường đấu tranh giành độc lập. 



Pv: Đối với dân tộc Việt Nam, nhiều năm trôi qua, ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn được nhắc tới và còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Vậy, những giá trị đó là gì thưa Đại tá. PGS, TS Nguyễn Văn Sáu?

Đại tá, PGS-TS Nguyễn Văn Sáu: Trong tình hình thế giới, khu vực hiện nay tiếp tục có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo, những kinh nghiệm và bài học lịch sử từ chiến thắng Điện Biên Phủ càng có ý nghĩa lý luận và thực tiễn và tính thời sự sâu sắc.

 Phát huy bài học lịch sử từ Chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng;

Nắm chắc tình hình, xử lý đúng đắn, linh hoạt, kịp thời nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tăng cường xây dựng tiềm lực quốc phòng vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Tư duy bảo vệ Tổ quốc chủ động, ngăn ngừa từ sớm, từ xa các nguy cơ nhằm làm thất bại mọi âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch và các hoạt động xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; trong đó, tập trung xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, nòng cốt là Quân đội nhân dân Việt Nam theo hướng tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Mở rộng, nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng, tạo thế, tạo lực bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước lập nên những Điện Biên Phủ mới trên tất cả các lĩnh vực.



Thứ Hai, 06:00, 06/05/2024