Ông Dương Trung Quốc cho rằng, là người ngoài Đảng tham gia Quốc hội, điều đó khiến ông không bị ràng buộc quá nhiều vào những quy định của tổ chức.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc năm nay 75 tuổi. Ông sắp hoàn thành 4 nhiệm kỳ làm đại biểu Quốc hội, liên tục từ khóa XI đến khóa XIV (20 năm). Ông là đại biểu Quốc hội thuộc đoàn Đồng Nai. Với tư cách là một đại biểu ngoài Đảng tham gia Quốc hội, ông đã có những trải nghiệm quý giá và chia sẻ thẳng thắn những suy nghĩ của mình sau 2 thập kỷ làm đại biểu dân cử. Ông Dương Trung Quốc không ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.

PV: Tham gia tới 4 nhiệm kỳ Quốc hội, điều đó với ông có ý nghĩa như thế nào?

Ông Dương Trung Quốc: Thời gian tham gia Quốc hội với tôi thực sự như vào một trường đại học rất lớn, ở đó tôi có điều kiện tiếp cận với nhiều người và trao đổi trực tiếp với họ, từ vị lãnh đạo cao nhất của đất nước, được lắng nghe những vấn đề quan trọng nhất của đất nước, được tham gia, thảo luận, đóng góp ý kiến. Điều đó không phải ai cũng có được, tôi rất trân trọng thời gian ấy.

Bên cạnh đó, thì cũng phải chịu những áp lực khá lớn, lớn nhất là từ người dân, không biết họ có hài lòng, có thấy được sự thay đổi của Quốc hội hay không?.

Thực tâm tôi cho rằng, họ cũng chưa thực sự hài lòng với sự thay đổi, nhất là trong thời đại thông tin như hiện nay. Dẫu sao đòi hỏi của người dân là vô cùng, vấn đề làm sao để họ chia sẻ được, vì trong hoàn cảnh chúng ta đang cố gắng từng chút một trong bước tiến lên thì không thể đòi hỏi quá nhanh. Nhất là việc giải quyết những nguyện vọng đa dạng của dân, những nguyện vọng lớn, kể cả những nguyện vọng riêng tư động chạm đến lợi ích của họ.

Có một điều mà đại biểu phải chắc chắn, đó là thể hiện rõ quan điểm của mình bởi người dân khiếu nại không phải lúc nào cũng đúng, có thể họ cảm nhận quyền của họ như thế nhưng cơ sở pháp lý quyết định. Cho nên việc tư vấn cho người dân là rất quan trọng, phải hướng dẫn cho họ nên làm thế nào, gửi đến đâu, chứ không phải “có bệnh vái tứ phương”. Người dân sẽ thất vọng khi việc của họ không giải quyết được. Thậm chí có trường hợp không giải quyết được nhưng cũng không có kết luận đúng sai, tình trạng đó có thật, không ít văn bản tôi gửi đi không có hồi âm. Về nguyên lý tôi có thể “đấu” tới cùng nhưng đâu phải có thể làm hết được.

PV: Trải qua 4 nhiệm kỳ Quốc hội, ông cảm nhận thế nào về hoạt động của Quốc hội?

Ông Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ tất cả các đại biểu Quốc hội đều như nhau về nguyên lý, giá trị cũng như hiệu ứng, quyết định của đại biểu Quốc hội đều như nhau, lá phiếu của đoàn chủ tịch, của đại biểu có giá trị ngang nhau. Chính vì vậy, tôi quan điểm, Quốc hội là diễn đàn để thuyết phục lẫn nhau, tìm sự đồng thuận. Sự đồng thuận ấy có thể do nhận thức, hiểu biết, chuyên môn của mình. Thí dụ bàn vấn đề di sản, có thể nói tôi là người trong cuộc nhưng bàn về luật tần số sóng, tôi không biết được bao nhiêu thì ở đấy tôi lắng nghe ý kiến các đại biểu khác xem tinh thần nào thuyết phục được mình thì mình ủng hộ quan điểm đó.

Tuy nhiên, có những cái không đơn giản như mình nghĩ. Tôi nhớ khi Quốc hội thảo luận về cao độ của thủy điện Sơn La, lúc đó rất sôi nổi và gay gắt. Về nguyên lý, đập càng cao, hiệu quả kinh tế càng cao. Có người đưa ra những chứng cứ, viễn cảnh để lập luận cho đề nghị nên cao hay nên thấp. Lúc đó tôi đã tham khảo ý kiến của 3 người tôi tin đó là 3 “bộ não” lớn, có hiểu biết rất sâu sắc, có trách nhiệm rất cao, có uy tín rất lớn. Đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Giáo sư Trần Văn Giàu. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng, đây là vấn đề quốc phòng rất quan trọng, bảo đảm an ninh quốc gia. Nếu để đập quá cao, từ bên kia biên giới họ có thể vào được bằng đường thủy hay vấn đề khủng bố thì hậu quả rất lớn khi đập vỡ. Ông Võ Văn Kiệt lại quan điểm có giàu thì mới mạnh được, vì thế phải nhanh chóng giàu mới có đủ tiềm năng để bảo vệ đất nước, bảo vệ an toàn quốc gia. Ông cho rằng, có thể xây cao nhất có thể để đất nước có thể giàu có nhanh, tiềm lực kinh tế sẽ quyết định tiềm lực quốc phòng.

Người thứ ba là Giáo sư Trần Văn Giàu, lại quan niệm, đất nước mình dài không nên xây gì quá to, xây nhiều nơi, mỗi vùng đều có. Với 3 quan điểm đó, cuối cùng tôi chọn theo hướng trung dung. Quốc hội sau đó cũng biểu quyết lấy trung bình, không quá cao hay quá thấp.

Ví dụ như thế để thấy vai trò của đại biểu rất quan trọng khi bấm nút để lựa chọn quan điểm. Tất nhiên, phần lớn ở nước mình đều đồng thuận cao, tỷ lệ không đồng thuận rất ít, nhưng không phải không có. Ví như như khi thông qua dự án đường sắt cao tốc vào năm 2010 hay gần đây nhất thông qua một số dự án luật do Bộ Công an đưa ra nhưng đại biểu Quốc hội không tán thành. Hay như luật Đặc khu, kể cả khi Bộ Chính trị thông qua nhưng khi Quốc hội bày tỏ quan điểm thì Bộ Chính trị đã thay đổi quan điểm, thuận theo và có sự điều chỉnh cho phù hợp. Tôi cho đó là một trong những dấu ấn thể hiện vai trò của lá phiếu, tuy là con số cộng để quyết định nhưng dù sao cũng thể hiện được hiệu quả của Quốc hội, đương nhiên trong đó có vai trò của đại biểu Quốc hội.

PV: Vậy qua 4 nhiệm kỳ Quốc hội, ông cảm nhận thế nào về không khí dân chủ ở nghị trường?

Ông Dương Trung Quốc: Điều đó là quá rõ. Thậm chí có thể so sánh với nước ngoài, có những cái ta chưa bằng, nhưng có cái kịp rồi. Trong cuộc bầu cử đầu tiên, chúng ta bình đẳng về dân tộc, tôn giáo, giới tính là đã đi xa hơn nhiều. Những nước châu Âu năm 45 không phải nước nào cũng có, không phải nước nào cũng có đại biểu Quốc hội nữ, thế nhưng chúng ta chỉ phát triển đến đó.

Thứ hai là chúng ta đã có nhiều cách làm để đưa hoạt động của Quốc hội đi vào đời sống. Trước kia chỉ có 2 kỳ họp, sau đó đại biểu chúng tôi đã kiến nghị phải làm sao để người dân cảm nhận Quốc hội làm việc liên tục trong cả năm, nên mới có các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cũng mở rộng cho đại biểu nào quan tâm; rồi tăng cường, đầu tư hơn về thông tin. Việc chúng ta truyền hình trực tiếp các kỳ họp Quốc hội không nhiều nước có.

Duy nhất một điều khi kết thúc nhiệm kỳ, tôi vẫn cảm thấy băn khoăn đó là việc ứng dụng công nghệ. Nhiệm kỳ đầu tiên khi tôi tham gia, đại biểu biểu quyết một vấn đề quan trọng bằng cách giơ tay hoặc biển báo in mã số của đại biểu. Trông có vẻ thô sơ nhưng rất đàng hoàng. Đại biểu đồng ý hay không đồng ý rất rõ ràng. Thế nhưng giờ chuyển sang ấn nút là ẩn danh, chả biết ai đồng ý, ai không, chỉ có con số. Chưa kể hiện tượng bấm hộ, quên bấm mà chính Chủ tịch Quốc hội đã nêu ra trong phiên họp gần đây. Cái khó là cử tri thông qua báo chí không biết được thái độ của đại biểu đối với một vấn đề.

Dân chủ thể hiện trong quá trình thuyết phục lẫn nhau, quá trình trao đổi, hình thành những quan điểm. Cho nên phát huy dân chủ không phải là đến lúc bấm nút, là quyền của đại biểu, mà mỗi đại biểu phải tìm cho mình một quyết định trên cơ sở thực tiễn. Tất nhiên đó là lý thuyết, có những vấn đề không đơn giản.

PV: Thế còn vấn đề xây dựng một Quốc hội chuyên nghiệp thì sao, thưa ông?

Ông Dương Trung Quốc: Tôi cho rằng, hướng hiện nay là cần tăng tính chuyên nghiệp của đại biểu Quốc hội. Có thể không cần đông quá nhưng phải chuyên nghiệp. Đương nhiên vai trò của những vị không chuyên trách như tôi là để tạo ra môi trường phong phú hơn, đa dạng hơn các tầng lớp xã hội trong Quốc hội. Nhưng có vấn đề mà đến giờ tôi vẫn chưa “thông”, dường như có quy định bất thành văn rằng, đại biểu chuyên trách hoạt động không quá 2 nhiệm kỳ hay không quá tuổi 60, tuổi công chức. Trong khi đó, đại biểu Quốc hội đòi hỏi một quá trình tích lũy về tri thức, kỹ năng và uy tín. Tôi thấy rất tiếc bởi rất nhiều người tôi cảm phục, đặc biệt những vị chuyên trách, họ đã thuần thục rồi, đã thể hiện được mình rồi, được người dân tín nhiệm rồi nhưng khóa sau không làm nữa vì hết tuổi. Vấn đề đó không áp dụng với đại biểu không chuyên trách, vì thế nên tôi mới ngồi đến bây giờ (cười). Tôi cho rằng, nên có một hướng thông thoáng hơn để tính chuyên nghiệp cao hơn, trong tính chuyên nghiệp không thể không đề cập sự trải nghiệm.

Như vậy tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách là tốt rồi nhưng không nên quá ràng buộc về tuổi tác mà cần ràng buộc vào chất lượng đại biểu, uy tín của đại biểu.

PV: Ông là một trong số ít đại biểu là người ngoài Đảng ứng cử đại biểu Quốc hội và trải qua 4 nhiệm kỳ. Ông có kinh nghiệm gì để chia sẻ với những đại biểu là người ngoài Đảng sẽ ứng cử ở khóa tới đây?

Ông Dương Trung Quốc: Là người ngoài Đảng ứng cử, cá nhân tôi không thấy có sự hạn chế nào, được tôn trọng và tạo điều kiện trong hoàn cảnh cho phép. Tôi cũng tham gia vào rất nhiều việc khác nhau của Quốc hội, kể cả đối ngoại.

Lời khuyên với những người ngoài Đảng, theo tôi, cứ bình thản làm tròn trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội, phát huy những thứ được coi là lợi thế.

PV: Là người ngoài Đảng tham gia Quốc hội, ông có thuận lợi và khó khăn gì ?

Ông Dương Trung Quốc: Là người ngoài Đảng, điều đó không phải là thuận lợi hơn kém, nhưng nó là hy hữu. Có lẽ vì thế mà tôi không bị ràng buộc quá nhiều vào những quy định của tổ chức. Anh em đại biểu Quốc hội đều là đảng viên cả, đương nhiên họ phải tuân thủ cả kỷ luật của tổ chức họ theo. Ngược lại, họ cũng phải giải quyết vai trò là người đại diện cho dân. Cho nên 2 yếu tố tưởng như đồng thuận “ý Đảng lòng Dân” nhưng không phải lúc nào cũng thế. Chính vì thế có thể anh em khó nói hơn chăng?

Còn tôi, tất nhiên cũng là tinh thần trách nhiệm và hiểu biết của mình, chứ không nói lấy được, nhưng phần nào cũng thuận hơn những anh chị em khác.

PV: Với kinh nghiệm của một đại biểu dân cử trong suốt 20 năm, ông có nhắn gửi gì đến những người chuẩn bị vào Quốc hội?

Ông Dương Trung Quốc: Người đại biểu cần nói đúng quan điểm của mình. Theo tôi, nói thật là dễ nhất mà cũng khó nhất, không phải nghĩ ngợi nhiều, nghĩ kỹ rồi nói, đã nói là không thay đổi. Còn ý kiến của mình có được tiếp nhận hay không là vấn đề khác.

Thứ hai, đại biểu không chỉ nói cho dân nghe, để người dân thấy quan điểm của mình có đồng thuận với dân không. Nhưng còn một điều theo tôi rất cần thiết là nói cho những đối tượng cần nghe, như đóng góp ý kiến cho các cơ quan hành pháp, các vị bộ trưởng, các vị lãnh đạo của Chính phủ, họ có tiếp thu hay không còn do nhiều yếu tố, không thể áp đặt được.

Cuối cùng, tôi cho là đại biểu cần có kỹ năng truyền đạt, bày tỏ quan điểm. Cố gắng đừng đọc tham luận là tốt nhất, làm cho người dân không tin lắm. Đối với vấn đề mình quan tâm thực sự thì phải thể hiện cho ra. Rồi rèn việc nói đúng thời lượng, nói đủ ý mình định nói, giọng điệu nói dễ nghe, âm lượng ra sao, cách nói, lập luận thế nào, đều phải thể hiện được tính chuyên nghiệp…

Từ vấn đề này, tôi cho rằng, nền giáo dục của ta cũng cần quan tâm rèn luyện, khơi gợi để học sinh phát huy sự chủ động, mạnh dạn. Như vậy chúng ta cũng sẽ có một thế hệ các công dân, cử tri và điều này cũng quyết định chất lượng đại biểu.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Thứ Hai, 06:00, 22/03/2021