“Không đủ cơ sở pháp lý để tồn tại Khoản 3 điều 34 Luật bồi thường”

VOV.VN - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu – Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An nêu quan điểm trên liên quan quy định trách nhiệm bồi thường.

Quy định tại khoản 3 điều 34 của dự thảo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) vừa trình Quốc hội đang còn nhiều ý kiến tranh luận.

Theo đó, cơ quan điều tra hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra là cơ quan giải quyết bồi thường trong các trường hợp: Viện kiểm sát trả hồ sơ để điều tra bổ sung, cơ quan điều tra ra kết luận điều tra bổ sung hoặc giữ nguyên kết luận điều tra ban đầu nhưng Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án vì người bị khởi tố không thực hiện hành vi phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm.

Phát biểu trên hội trường cũng như khi trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nêu 4 lý do để cho rằng quy định trên không đủ cơ sở pháp lý để tồn tại.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội


Lý do thứ nhất, theo vị đại biểu đoàn Nghệ An là Viện kiểm sát có chức năng nhiệm vụ quyền hạn rất lớn, trong giai đoạn điều tra, họ có quyền ra các quyết định hủy bỏ các quyết định không có căn cứ, trái pháp luật, rồi phê chuẩn hoặc không phê chuẩn, đặc biệt trong giai đoạn giám sát điều tra trong 2 tháng.

“Các quyết định của Viện kiểm sát thì cơ quan điều tra buộc phải chấp hành. Nếu anh không đồng ý thì anh có kiến nghị nhưng mà 20 ngày sau mới được trả lời, thậm chí có những lúc trả lời cũng được mà không trả lời cũng không sao. Tôi cho rằng người ta có một thẩm quyền lớn như vậy nhưng tại sao sau 2 tháng ấy mà có vấn đề oan sai lại không phải chịu trách nhiệm với quyền giám sát của mình?” – ông Cầu đặt vấn đề.

Vấn đề thứ hai, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu theo quy định, bản kết luận điều tra vụ án hay bản kết luận điều tra bổ sung, điều tra lại chỉ là “đề nghị”, tức có khả năng được “đồng ý” hoặc “không đồng ý”. Viện đồng ý thì quyết định buộc tội, truy tố người ta trước pháp luật và nếu làm sai phải bồi thường; còn không đồng ý với đề nghị thì phải quay lại giai đoạn điều tra.

“Ai ra quyết định oan, sai sau cùng thì người đấy phải bồi thường. Như vậy kể cả vụ án theo thủ tục rút gọn thì Viện Kiểm sát đều phải bồi thường, bởi vì ít nhất trong vụ án đấy Viện kiểm sát đã có quyết định khởi tố bị can, theo đề nghị của cơ quan điều tra” – ông Cầu phân tích.

Lý do thứ ba được Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An nêu ra là  khi kết luận điều tra bổ sung, cơ quan điều tra nhận thấy nguy cơ oan sai thì chỉ cần “thủ thuật” cho điều tra viên đề nghị theo hướng đình chỉ vụ án và Viện Kiểm sát đình chỉ vụ án thì cơ quan điều tra không có trách nhiệm bồi thường. Trong trường hợp Viện Kiểm sát vẫn quyết định truy tố thì đương nhiên cơ quan điều tra hết trách nhiệm, không bồi thường nếu oan, sai.

“Và như vậy, Viện Kiểm sát nằm trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, truy tố cũng chết mà không truy tố cũng chết. Do đó cuộc chiến pháp lý này không có hồi kết, mà theo tôi không nên có khoản 3, điều 34” – đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nói. 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định: Nội dung này được lấy ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội cũng như được đưa ra thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách và đều nhận được đa số ý kiến đồng tình.

Đại biểu Bùi Văn Xuyền: Tôi đồng tình với quan điểm của Bộ Công an quy định về trách nhiệm bồi thường tại Khoản 3, Điều 34 của dự thảo luật thuộc về Viện kiểm sát như luật hiện hành. Nếu quy định như Khoản 3, Điều 34 cũng có thể dẫn tới việc trả hồ sơ rồi đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, kéo dài thời gian giải quyết bồi thường.

Đại biểu Đặng Thuần Phong: Cơ quan điều tra thông thường sẽ “lái” sang miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, tức không phải hoàn toàn không có tội và theo đó thì không bồi thường việc tạm giữ, tạm giam không đúng trong quá trình điều tra. Đề nghị cần quy định rõ thêm để tránh việc lạm dụng trong vấn đề này ở Điều 34./.


Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên