Cơ chế lùng nhùng thì làm sao chống sân sau, lợi ích nhóm?

VOV.VN -Bộ vừa quản lý Nhà nước, vừa làm luôn tố tụng cạnh tranh và lại là chủ quản các doanh nghiệp thì liệu có chống được sân sau, lợi ích nhóm.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt vấn đề này khi thảo luận về dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) vừa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bày tỏ đồng tình về sự cần thiết phải sửa luật, nhưng theo bà Lê Thị Nga, sửa thế nào mới là vấn đề, vì cơ chế xử lý cạnh tranh liên quan nhiều đến phòng chống tham nhũng, tính minh bạch và độc lập kiểm soát.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga

Nữ đại biểu cũng chia sẻ, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, bà đã nghiên cứu và phát biểu về yếu tố cạnh tranh trong kinh doanh mặt hàng xăng dầu ở thời điểm đó. Trong 12 DN thuộc lĩnh vực xăng dầu thì vài công ty đã chiếm thị phần thống lĩnh thị trường, có lúc họ đồng loạt tăng giá, dư luận cho là bất thường. Nhiều dấu hiệu cho thấy đây là nhóm DN thống lĩnh thị trường, trong khi luật cấm thông giá.

“Sửa luật là cần thiết. Hoàn thiện thể chế cạnh tranh để tăng cường tính minh bạch về độc quyền Nhà nước, không biến độc quyền Nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp. Luật Cạnh tranh sửa đổi phải tạo lập và duy trì cho được môi trường cạnh tranh lành mạnh, đúng pháp luật, bình đẳng” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
“Lúc đó có đầy đủ căn cứ theo luật để điều tra về thống lĩnh thị trường, nhưng hạn chế luật lúc ấy cơ quan chủ quản của những công ty đó đều thuộc Bộ Công Thương nên chưa có điều tra nào. Do đó, phải xây dựng cơ quan cạnh tranh độc lập với bộ chủ quản” – bà Nga nêu quan điểm.

“Với cơ chế vừa rồi xử lý bao nhiêu vụ việc cạnh tranh không lành mạnh? Chúng ta tiếp tục cái này để chống tham nhũng, lợi kích nhóm, sân sau, bắt tay ngầm. Tôi nói các bộ nói chung, Bộ Công Thương nói riêng về cơ chế lùng nhùng giữa quản lý lại vừa làm tố tụng cạnh tranh, vừa là chủ quản doanh nghiệp. Cơ chế này có giải quyết được bất cập thời gian vừa qua không? Chưa tách được chủ quản của các Bộ thì cơ chế này có tránh được sân sau, lợi ích nhóm hay không?” – bà Lê Thị Nga đặt vấn đề.

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, vì xung đột lợi ích nên thực tế có điều lạ: “Một doanh nghiệp thuộc Bộ có vấn đề thì hiếm có quốc gia nào mà ông Thứ trưởng đứng ra giải thích hộ doanh nghiệp như ở ta, vì anh là chủ quản, anh muốn đảm bảo doanh nghiệp bảo toàn vốn và hoạt động tốt nên anh đứng ra giải thích”.

Trước những vấn đề đại biểu đặt ra, giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận thực tế có sự xung đột trong cơ chế, vì Bộ Công Thương cũng như các Bộ khác vừa là thành viên Chính phủ tham mưu xây dựng chính sách pháp luật, vừa thực thi chính sách pháp luật đó nhưng đồng thời cũng là cơ quan chủ quản nhiều cơ quan doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trong phạm vi quản lý Nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

“Điều này là thực tế nhìn thấy nhưng chưa giải quyết được, nên chúng ta đang xây dựng đề án tách cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan quản lý vốn của Nhà nước, cũng như tách bạch quản lý Nhà nước ra khỏi chức năng quản trị điều hành doanh nghiệp” – Bộ Trần Tuấn Anh cho biết, đồng thời nhấn mạnh trong dự thảo Luật Cạnh tranh sửa đổi cũng xây dựng cơ chế và nguyên tắc cơ bản để đảm bảo sự độc lập tương đối của cơ quan quản lý cạnh tranh.

Ông Trần Tuấn Anh cũng cho rằng câu chuyện mà đại biểu Lê Thị Nga đề cập liên quan đến quản lý xăng dầu là thực tiễn. Trên thực tế việc tập trung các doanh nghiệp đầu mối, chiếm thị phần có thể nói là chi phối thị trường, đây cũng chính là hành vi chịu sự điều chỉnh của luật này.

“Chúng tôi xác nhận Bộ Công Thương vừa là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xăng dầu cũng lại là trực tiếp điều hành cơ quan cạnh tranh, chủ quản doanh nghiệp xăng dầu. Đấy là thực tiễn, nhưng ta đang tiếp tục hoàn thiện thể chế và khung khổ pháp lý. Petrolimex hay PVOil hay một loạt các DN khác của chúng ta đều hoạt động theo nguyên tắc trong Nghị định 83” – ông Trần Tuấn Anh thẳng thắn.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh, chúng ta đang thực hiện cổ phần hoá, thoái vốn của Nhà nước tại các DN. Do đó, điều quan trọng là cần hoàn thiện thể chế và khung pháp lý để tách bạch chức năng quản lý NN và chức năng điều hành quản trị doanh nghiệp Nhà nước. Nếu làm đồng bộ thì luật này cũng tránh được điều mà đại biểu cảnh báo./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Kết luận của Thủ tướng về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước
Kết luận của Thủ tướng về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước

VOV.VN - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có kết luận về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước năm 2017 và giai đoạn 2017-2020.

Kết luận của Thủ tướng về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước

Kết luận của Thủ tướng về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước

VOV.VN - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có kết luận về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước năm 2017 và giai đoạn 2017-2020.

“Cơ quan bé nhưng có quyền “thổi còi” cả Bộ trưởng, Thủ tướng”
“Cơ quan bé nhưng có quyền “thổi còi” cả Bộ trưởng, Thủ tướng”

VOV.VN -Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho cho rằng luật giao Cơ quan quản lý cạnh tranh quyền lớn, theo kiểu “dùng ông bé xử lý ông to”.

“Cơ quan bé nhưng có quyền “thổi còi” cả Bộ trưởng, Thủ tướng”

“Cơ quan bé nhưng có quyền “thổi còi” cả Bộ trưởng, Thủ tướng”

VOV.VN -Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho cho rằng luật giao Cơ quan quản lý cạnh tranh quyền lớn, theo kiểu “dùng ông bé xử lý ông to”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Cải cách thể chế để nâng sức cạnh tranh
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Cải cách thể chế để nâng sức cạnh tranh

VOV.VN - Thủ tướng yêu cầu việc đầu tiên là cải cách thể chế, thủ tục hành chính theo hướng kinh tế thị trường hiện đại để nâng sức cạnh tranh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Cải cách thể chế để nâng sức cạnh tranh

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Cải cách thể chế để nâng sức cạnh tranh

VOV.VN - Thủ tướng yêu cầu việc đầu tiên là cải cách thể chế, thủ tục hành chính theo hướng kinh tế thị trường hiện đại để nâng sức cạnh tranh.