Năm 2003, khi tái lập huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, ông Hồ Văn Ny được phân công làm Chủ tịch UBND huyện. Sau hơn 2 nhiệm kỳ công tác, ông nghỉ hưu và sống tại xã Trà Cang, huyện Nam Trà My.

Thời điểm cách đây 20 năm, Nam Trà My là 1 trong 62 huyện nghèo nhất cả nước. Nhớ lại những ngày đầu tái lập huyện, ông Hồ Văn Ny cho biết, tỷ lệ đói nghèo ở đây lên tới 80-90%.

Toàn cảnh huyện Nam Trà My

“Tôi được thường vụ phân công với nhiệm vụ đầu tiên là bắt tay vào làm đường, điện, làm trường, làm trạm. Khó thế nào cũng phải làm. Phải có đường thì mới phát triển được rồi mới tính đến những lĩnh vực khác. Nhưng nói chung là huyện vẫn gặp muôn vàn khó khăn. Giờ thì Nam Trà My đã trở thành tâm điểm của tỉnh Quảng Nam khi có bước chuyển mình mạnh mẽ. Tôi vẫn suy nghĩ rằng, có lẽ, từ khi Nam Trà My chú trọng vào cây dược liệu như cây sâm Ngọc Linh, quế Trà My thì vùng đất này mới thật sự bứt phá. Đặc biệt từ khi cây sâm Ngọc Linh được xác định là cây chủ lực để nhân dân thoát nghèo bền vững”.

Ông Hồ Văn Ny cũng không quên nhắc đến những tỷ phú ở xã Trà Linh - thủ phủ của cây sâm Ngọc Linh với vẻ đầy tự hào.

“Giờ lên xã Trà Linh, những ngôi nhà bề thế tiền tỷ không còn là chuyện hiếm. Rất nhiều người nhờ cây sâm Ngọc Linh đã vươn lên, thoát nghèo và làm giàu. Đấy là điều tôi rất mừng” - vị cán bộ lão thành người Xê Đăng hồ hởi kể.

Đúng như ông Hồ Văn Ny nói, ở một huyện vốn nghèo như Nam Trà My, sức bật phi thường không có gì khác, chính là cây dược liệu, nhất là cây sâm Ngọc Linh.

Được phát hiện từ đầu những năm 1970, sâm Ngọc Linh là 1 trong những loài sâm tốt nhất thế giới nhờ những dược tính hiếm có đối với sức khỏe con người, đặc biệt là những bệnh nan y. Tuy nhiên, ngót nửa thế kỷ đã trôi qua, loại cây đặc hữu này gần như đã chìm vào quên lãng, mãi bí ẩn như một loại thuốc giấu theo như cách gọi của đồng bào Xê Đăng bản địa.

Đại hội Đảng bộ huyện Nam Trà My lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2005 -2010 xác định, tạo mọi điều kiện đẩy mạnh phát triển cây quế Trà My, sâm Ngọc Linh. Trong đó, cây sâm Ngọc Linh được xác định là cây chủ lực để nhân dân thoát nghèo bền vững và phát triển kinh tế. Đặc biệt, tính từ năm 2016 đến nay, tốc độ phát triển trồng sâm Ngọc Linh tăng khoảng 900% với diện tích đã trồng trên 2.000ha, hơn 1200 hộ tham gia. Thời kỳ “nở rộ” của cây sâm Ngọc Linh cũng gắn với tên tuổi của người đứng đầu chính quyền huyện - ông Hồ Quang Bửu. Ông Bửu được phân công lên công tác tại Nam Trà My thời kỳ 2014-2020. Sau này, nhiều người gọi ông là ông Bửu sâm. Và nay, ông Bửu sâm (Hồ Quang Bửu) đang giữ trọng trách Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. 

Ông Hồ Văn Dang, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Linh, huyện Nam Trà My vẫn nhớ rất rõ hình ảnh của ông Hồ Quang Bửu những ngày đầu có mặt ở thủ phủ sâm Ngọc Linh. Với ông, nếu không tâm huyết, say mê với cây sâm Ngọc Linh thì không thể làm được những việc như ông Bửu đã làm.

Năm 2015, đường từ huyện lên xã Trà Linh rất khó khăn, không có đường nhựa như bây giờ. Ông Bửu lặn lội vào vùng sâu, vùng xa để gặp những người trồng sâm lâu năm nhằm tìm hiểu, nghiên cứu Đề án quốc gia về bảo tồn phát triển cây sâm Ngọc Linh.

“Tôi còn nhớ rõ, ngày 25/3/2015, anh Bửu dẫn đầu một đoàn công tác liên ngành đi khảo sát thực địa trồng sâm trên núi Ngọc Linh. Đoàn gồm cán bộ của tỉnh, của huyện, các nhà nghiên cứu, kể cả phóng viên. Lúc đó tôi cũng đi với đoàn. Ở địa bàn miền núi hiểm trở, chỉ một số ít đồng bào dân tộc mới đi vào những chỗ như vậy và phải có la bàn. Trời mưa gió, ẩm ướt, thời tiết khắc nghiệt. Tôi vô cùng ngạc nhiên, tuy anh Bửu là người lãnh đạo nhưng luôn dẫn đầu đoàn khảo sát, rất nhanh nhẹn, xông xáo. Đoàn đi trong 7 ngày và một số người, đi được nửa đường thì không thể đi tiếp. Anh Bửu vẫn đi đến đích. Đó là sự tâm huyết, là sự hy sinh của một người lãnh đạo để lo cho dân”.

Theo lời kể của Phó Chủ tịch xã Trà Linh, chỉ 1 năm sau khi khảo sát thực địa, ông Hồ Quang Bửu với vai trò là người đứng đầu chính quyền huyện đã tổ chức Lễ hội sâm Ngọc Linh đầu tiên ở Nam Trà My và kể từ đó, hàng tháng đều có phiên chợ sâm Ngọc Linh.

“Từ năm 2016 trở về trước, người dân Trà Linh chỉ bán sâm Ngọc Linh ở dạng củ tươi chứ chưa biết bán lá, bán hạt và cây giống như bây giờ. Nhưng từ khi có Phiên chợ sâm năm 2016 do anh Bửu khởi xướng, nhiều sản phẩm từ sâm đã được bán ra thị trường và giá trị của cây sâm được nâng lên rõ rệt. Người dân đã có thu nhập tốt hơn và từ một xã nghèo nhất của Nam Trà My, bộ mặt của Trà Linh đã thay đổi rõ rệt” - ông Hồ Văn Dang cho hay.

Với ông Hồ Quang Bửu, sau những ngày đi thực địa là những ngày trăn trở để cùng anh em viết Đề án sâm Ngọc Linh là sâm Việt Nam, dựa trên định hướng rõ ràng của Đảng và Nhà nước về phát triển cây sâm với mục tiêu vừa phát triển kinh tế theo hướng bền vững, vừa góp phần bảo vệ được rừng.

“Thì cứ nghĩ như thế này, một héc ta sâm Ngọc Linh trồng cỡ sau 5 năm có khả năng thu đến 70 tỷ đồng. Một con số khủng khiếp đối với vùng núi cao. Hơn nữa, người ta trồng 1 héc ta sâm thì khả năng sẽ giữ đến 10 héc ta rừng. Lợi ích kép như rứa mắc chi không làm?” – ông Hồ Quang Bửu chia sẻ.

Biến Sâm Ngọc Linh thành cây hàng hóa chủ đạo hay xa hơn là một thương hiệu mạnh để phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống cho đồng bào các dân tộc bản địa là mục tiêu và cũng là tâm huyết của ông Hồ Quang Bửu. Với ông, “không thể để tình trạng rừng giàu mà dân mãi nghèo”. Điều này đã thôi thúc ông Hồ Quang Bửu quyết tâm theo đuổi đến cùng ý tưởng của mình.

“Tất nhiên là mình phải giải trình, báo cáo và làm rõ được cái tốt của cây sâm. Hơn nữa là cây này sống trong rừng và khi trồng cây này là bà con giữ rừng, phục hồi lại và phát triển rừng để trồng sâm” - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam lý giải. 

Bằng sự đam mê hiếm thấy, ông Bửu đã tự mày mò, nghiên cứu những thông tin cơ bản về sâm Ngọc Linh và các mô hình phát triển các loại sâm nói chung trên thế giới. Đó là những dữ liệu cần thiết để xây dựng nên Đề án bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh. Không những vậy, ông còn tự mình đứng ra bảo vệ Đề án trước hội đồng khoa học cấp tỉnh. Sau đó là giải trình và bảo vệ trước bộ, ngành Trung ương.

Tháng 9/2015, Phó Thủ tướng lúc đó là ông Vũ Đức Đam đã đồng ý với đề nghị của UBND tỉnh Quảng Nam về sự cần thiết của việc triển khai Đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) đến năm 2030, nhằm bảo vệ nguồn gen quý, kết hợp bảo vệ và phát triển rừng, xóa đói, giảm nghèo ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Nam. Đây chính là tiền đề để các cấp ngành từ Trung ương đến địa phương vào cuộc tạo cơ chế, nguồn lực và những điều kiện cần thiết khác để vùng sâm Ngọc Linh bắt đầu bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ.

Vào đầu tháng 6/2017, sâm Ngọc Linh chính thức được Chính phủ công nhận là sản phẩm quốc gia.

Từ chỗ phát triển phân tán lẻ tẻ trong dân, giờ đây, cây Sâm Ngọc Linh đã được biết đến rộng rãi cả trong và ngoài nước. Hiện đã có 18 tổ chức, doanh nghiệp đầu tư trồng Sâm Ngọc Linh, trong đó có những tập đoàn lớn và nhiều doanh nghiệp đã và đang tiến hành đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến, sản xuất ra hàng loạt sản phẩm có nguyên liệu từ sâm Ngọc Linh. Đáng mừng hơn cả là từ đây nhận thức của người dân đã thay đổi rõ rệt. Họ biết giữ rừng để trồng sâm. Rừng nguyên sinh Ngọc Linh đã được người Xê Đăng gìn giữ như một báu vật. Rất đơn giản, bởi không còn rừng thì không thể trồng sâm.

Trên núi Ngọc Linh giờ đã xuất hiện ngày càng nhiều những hộ đồng bào Xê Đăng sở hữu vườn sâm trị giá tiền tỷ, thậm chí là vài trăm tỷ đồng. Những hộ tỷ phú, những ngôi làng tỷ phú cũng mọc lên ngày càng nhiều từ sâm Ngọc Linh.

Trên những nẻo đường ở miền Tây Quảng Nam, không chỉ nghe những câu chuyện về tỷ phú sâm Ngọc Linh mà người ta còn thấy thấp thoáng trong những cánh rừng bạt ngàn là khẩu hiệu “Cháy rừng là thảm họa, đốt rừng là tội ác”. Phát triển cây dược liệu triệu đô dưới tán rừng, không tàn phá thiên nhiên bằng mọi giá là hướng xóa đói giảm nghèo bền vững trong điều kiện thiên tai và biến đổi khí hậu ngày càng dữ dội trên thế giới.

Tháng 6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Chương trình phát triển sâm Việt Nam. Kèm theo đó là những cơ chế, chính sách đặc thù dành cho sản phẩm có tiềm năng cực lớn về kinh tế và y học này.

Đây chính là tiền đề quan trọng để tiến đến xây dựng thương hiệu Sâm Việt Nam có thể cạnh tranh với các loại sâm đang có mặt trên thị trường thế giới vốn có giá trị lên đến hàng chục tỷ đô là Mỹ. Bằng nỗ lực không ngừng nghỉ, ông Hồ Quang Bửu đã có công đánh thức tiềm năng và khẳng định lại giá trị của sâm Ngọc Linh sau gần nửa thế kỷ phát triển manh mún, tự phát giữa đại ngàn Trường Sơn. Đam mê của ông Hồ Quang Bửu đã khơi dậy được khát vọng đổi đời của hàng nghìn hộ đồng bào nghèo đang sống dọc theo sườn núi Ngọc Linh ở 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum.

Cũng nhờ “mỏ vàng” là cây sâm Ngọc Linh và nhiều loại dược liệu khác đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo ở Nam Trà My mỗi năm giảm từ 7 đến 8%, riêng năm 2022, giảm hơn 10%. Theo ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, hiện số lượng xã trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện tăng nhanh chóng. Lúc đầu chỉ có xã Trà Linh trồng loại dược liệu quý hiếm này và theo quy hoạch của huyện, diện tích trồng sâm Ngọc Linh là trên 15.500ha tại 7/10 xã. Nhưng trên thực tế, hiện đã có 9 xã ở Nam Trà My trồng sâm và nhiều cây dược liệu khác, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế. 1.600 hộ trồng sâm hiện nay ở huyện Nam Trà My hầu hết đều khá giả.

Ông Dũng cho biết, Lễ hội Sâm Ngọc Linh ở Nam Trà My dự kiến sang năm 2024 sẽ được tổ chức ở quy mô quốc gia, hướng tới quy mô quốc tế trong tương lai nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh cây sâm, giá trị cây sâm Ngọc Linh là một trong những loại sâm tốt nhất thế giới đến với đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế .

Từ một huyện miền núi xa xôi đầy khó khăn trắc trở, Nam Trà My giờ là niềm tự hào về một “thủ phủ” sâm Ngọc Linh của hiện tại và tràn đầy hy vọng ghi tên mình trên bản đồ dược liệu quý hiếm thế giới trong một ngày không xa.

Nhớ về người “mở lối” cho cây sâm Ngọc Linh, ông Hồ Văn Dang, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Linh nói: “Một người lãnh đạo như anh Bửu thật sự là hiếm. Dù sau này lên làm lãnh đạo tỉnh, mỗi lần về Trà Linh, bà con đều nhớ đến anh. Ở cương vị mới, anh vẫn nghiên cứu, đau đáu với cây sâm và các cây dược liệu khác cho vùng cao Quảng Nam, giúp chúng tôi xóa đói giảm nghèo. Chúng tôi không thể trồng lúa, trồng rau, trồng mỳ như các địa bàn khác, vì thế chúng tôi chỉ tập trung phát triển cây dược liệu”.

Tìm cho dân hướng đi thích hợp trên những vùng đất gian khó, để lại dấu ấn trong lòng dân bằng chính sự lăn lộn, tâm huyết của mình, đất nước đang cần những người lãnh đạo như ông Hồ Quang Bửu.


Thứ Sáu, 06:00, 08/09/2023