Nhắc đến già làng Bhriu Pố, người dân xã Lăng, huyện Tây Giang ai cũng tự hào vì ông là người Cơ Tu đầu tiên học hết đại học, làm Chủ tịch UBND xã 2 khóa, rồi làm Bí thư Đảng uỷ xã 3 nhiệm kỳ.

Già làng Bhriu Pố sinh năm 1949. Hồi nhỏ, ông được ra Bắc học trường dân tộc nội trú Trung ương. Sau đó, do giặc Mỹ bắn phá miền Bắc, năm 1964, ông đi sơ tán ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Hòa bình rồi sang Trung Quốc… Sau đó, ông trở về nước học Đại học Sư phạm Thái Nguyên (1973-1977). Tốt nghiệp Đại học, ông trở về quê hương, công tác tại phòng giáo dục huyện, làm hiệu trưởng Trường bổ túc văn hóa huyện, sau đó tăng cường về xã, làm Bí thư và chủ tịch xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam.

“Tôi làm Bí thư và Chủ tịch xã Lăng từ năm 1989 tới năm 2005. Chuẩn bị cho nhiệm kỳ mới, ai cũng muốn tôi làm tiếp nhưng tôi tự nguyện viết đơn xin nghỉ. Lúc đó tôi 58 tuổi, xin nghỉ 2 năm không lương. Tôi nêu ra 2 lý do. Thứ nhất là tạo điều kiện cho thế hệ trẻ làm quen dần với công việc lãnh đạo. Nếu tôi cứ ngồi miết chỗ đó thì nhỡ mình có vấn đề gì, các cháu lên thay tôi có thể lạ nước, lạ cái, chỉ khổ cho dân. Tôi vẫn còn sức, tôi có thể hỗ trợ cho họ. Lý do thứ 2, tôi muốn mình có một trải nghiệm thực tế khi mình không làm lãnh đạo nữa. Đó là trực tiếp bắt tay vào công cuộc xóa đói giảm nghèo. Bà con ở đây dân trí thấp, nói miết mà bà con khó lĩnh hội nên tôi nghĩ, nếu mình nghỉ, mình làm để bà con thấy, bà con xem và bà con bắt chước, được chừng nào hay chừng đó” - Già làng Bhriu Pố kể.

Già làng Bhriu Pố

Sau khi nghỉ hưu, ông được lãnh đạo địa phương khuyến khích tìm hướng xóa đói giảm nghèo cho người dân, bằng chính những gì sẵn có ở địa phương. Thực tế, từ năm 2003, Viện Dược liệu Trung ương đã về xã khảo sát, tìm hiểu các loại cây dược liệu quý trên địa bàn, trong đó có cây sâm ba kích. Thời điểm đó, đây là loại cây mọc rất nhiều trên rừng nhưng ít người hiểu rõ giá trị của nó.

Sau khi nghỉ hưu, Bhriu Pố cùng Tiến sĩ Ngô Văn Trại (Viện Dược liệu Trung ương) và mấy anh em dân quân thường cơm nắm lên đường vào rừng để tìm hiểu các cây dược liệu.

“Chính những ngày gian khổ lặn lội đó, chúng tôi đã phát hiện ra nhiều cây dược liệu quý. Nếu chịu thương, chịu khó, những cây dược liệu có thể giúp bà con xóa đói giảm nghèo” - Bhriu Pố nhớ lại.

Thoạt đầu, ông mang một ít cây trong rừng về trồng. Bà con xung quanh bảo ông điên vì “đó là cây của trời, của đất chứ không phải cây của con người như ngô, lúa, khoai, sắn”. Ông nói với bà con rằng: “nếu tôi trồng được thì tôi mong bà con cũng điên như tôi”.

Bhriu Pố phân trần “thật ra là do họ nhận thức thôi nên mình chẳng trách bà con được”.

Bhriu Pố quyết định chọn cây ba kích là cây mũi nhọn đầu tiên. Năm 2007 ông bắt đầu trồng cây ba kích tím, trồng thử 100 cây.

“Nếu cây chết hết thì coi như tôi thất bại. Chỉ cần sống được hơn 10 cây là tôi sẽ làm tiếp. Rồi cây không phụ lòng người, bắt đầu cho hoa, quả và củ. Tôi là người đầu tiên bảo tồn được giống ba kích bản địa, mãi mãi không bị tuyệt chủng. Đó là điều ý nghĩa nhất. Sau khi vườn ba kích đầu tiên bắt đầu sinh trưởng tốt, tôi và vợ lại vào rừng tìm thêm cây nữa. Cứ cơm nước xong là hai vợ chồng lại lên đường vào rừng tìm cây, rồi về trồng như khoai lang” - già làng Bhriu Pố cho biết.  

Sau 3 năm miệt mài thử nghiệm, già làng Bh’riu Pố đã bán sản phẩm đợt đầu tiên với giá 300.000 đồng/kg.

Vui mừng vì việc trồng thử nghiệm cây ba kích thành công, ông đã nhân rộng diện tích trồng loại cây này. Cứ thế, cây ba kích ngày càng được ông chú ý phát triển thêm và đến nay, vườn ba kích của ông lên tới 1,2 ha, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 2.000 gốc và số tiền thu được từ ba kích mỗi năm lên tới 120-150 triệu đồng.

Bhriu Pố khẳng định với lãnh đạo xã rằng, cây ba kích hoàn toàn có thể là cây xóa đói giảm nghèo vì đó là một loại cây “lười”, không cần tốn nhiều công sức, không phải chăm sóc nhiều, không cần phân bón. Mỗi năm 2 lần làm cỏ và lấy cỏ đó làm phân là được.

Thấy việc trồng ba kích mang lại hiệu quả, người dân trong thôn, xã làm theo. Để bà con có cây trồng, già làng Bh’riu Pố dành riêng một vườn ươm giống ba kích giúp bà con trong xã mở rộng diện tích để vừa có thêm thu nhập, vừa bảo tồn được giống dược liệu quý hiếm này. 

Anh Cơlâu Thái Ngọc (ở thôn Pơr’ning, xã Lăng), người hiện có vườn cây ba kích rộng gần 5 ha cho biết, trước đây anh chỉ trồng, trông chờ vào mấy sào rẫy trồng ngô, thỉnh thoảng đi làm thuê theo mùa vụ để kiếm thêm thu nhập nên cuộc sống còn thiếu thốn, khó khăn.

Từ khi được sự giúp đỡ của già làng Bh’riu Pố, anh đã khởi nghiệp thành công từ mô hình trồng trồng ba kích. Hiện giờ, gia đình anh có thu nhập bình quân 150-180 triệu đồng/năm.

Có thu nhập từ việc trồng cây ba kích, Cơlâu Thái Ngọc đã tiến thêm một bước nữa là mở xưởng sản xuất rượu từ cây ba kích. Tháng 8 năm nay, xưởng sản xuất của anh vừa đưa vào hoạt động với máy móc và trang thiết bị trị giá 500 triệu đồng, sản xuất ra 2 loại rượu chính là rượu thì ba kích tím và ba kích trắng.

Cũng ở xã Lăng, gia đình anh Bhriu Tích có hơn 2000 gốc ba kích, bắt đầu trồng từ năm 2011. Sở dĩ anh chọn cây này vì đúng như lời già làng Bhriu Pố nói, đó là cây rất dễ trồng, không tốn phân, không tốn nhiều công. Chỉ cần đào xới đất, phát quang cỏ xung quanh mỗi năm 1 vài lần.

“Thấy già làng Bhriu Pố làm được thì tôi cũng làm theo. Rất nhiều người trong làng cũng vậy. Ngoài ra, tôi cũng trồng thêm một số cây trồng như cao su, keo, đào ao nuôi cá… Chỉ tính riêng cây ba kích thì thu nhập hơn 10 triệu/năm”, Bhriu Tích cho biết.

Trước kia, bà con Cơ Tu ở xã Lăng chủ yếu trồng lúa rẫy, sắn, ngô… dần dần, họ nghe theo già làng Bhriu Pố, dưới tán cây sắn thì trồng cây ba kích. Khi bà con theo ông, trồng cây ba kích cho ra hoa, ra quả. Rồi dần dần, Nhà nước cho chủ trương trồng cây dược liệu dưới tán rừng.

Trong xã Lăng hiện có hơn 650 hộ, sống ở 5 thôn với hơn 2500 khẩu. Trong thời gian vừa qua, huyện có cấp cây giống cho hộ nghèo, chi trả thêm tiền để khuyến khích họ trồng cây ba kích để xóa đói giảm nghèo.

Trong nhiều cuộc họp của thôn, của xã, lúc nào già làng Bhriu Pố cũng nói về xóa đói giảm nghèo.

“Bác Hồ đã nói “độc lập - tự do mà dân vẫn đói thì độc lập - tự do có ý nghĩa gì”. Ai cũng phải có cơm ăn, áo mặc. Tôi rất tâm niệm câu nói này của Bác. Tôi có nói với bà con rằng: Thứ nhất, phải coi thời gian thật sự là vàng, là bạc. Và thứ hai, đói khổ là nhục cho gia đình mình. Phải coi đói nghèo là giặc. Tôi nói thế để họ tự ái mà cố gắng vươn lên. Tôi cũng khuyên bà con, chỉ nên đẻ 1-2 con thôi. Càng nhiều con thì càng khổ. Tôi cứ nói miết như nước chảy đá mòn” - già làng Bhriu Pố kể.

Theo già làng Briu Pố, những gia đình nào tích cực trồng cây ba kích trong làng thì đó cũng là một nguồn thu tốt để xóa đói giảm nghèo. Ít nhất là không còn đói. Hiện 65-70% người dân ở xã Lăng đã thoát nghèo được nhờ cây ba kích.

“Đối với miền núi nói chung, Tây Giang nói chung và xã Lăng của chúng tôi nói riêng, câu chuyện khó khăn nhất vẫn là xóa đói giảm nghèo. Không còn giặc ngoại xâm nữa thì chỉ còn giặc duy nhất là giặc đói nghèo. Từ khi bà con xóa đói giảm nghèo nhờ trồng cây ba kích và một số cây trồng, vật nuôi khác, tôi thật sự rất mừng. Bởi trước đây, bà con quá là khó khăn. Và mục đích tôi xin nghỉ hưu sớm để bắt tay vào cùng bà con xóa đói giảm nghèo là quyết định hoàn toàn đúng đắn”.  

Từ hiệu quả kinh tế của cây ba kích ở xã Lăng mà người khơi nguồn là già làng Bh’riu Pố, lãnh đạo huyện Tây Giang xác định đây không chỉ là cây thuốc quý mà còn là “cây xóa đói giảm nghèo” cho địa phương. Vì thế, huyện Tây Giang đã thành lập một trung tâm công nghệ sinh học để nghiên cứu, nhân rộng mô hình. 

Toàn cảnh huyện Tây Giang

Ông Lê Hoàng Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, già làng Bh’riu Pố là một trong những Đảng viên gương mẫu, tiên phong thực hiện chủ trương, chính sách của huyện trong phát triển kinh tế.

Giờ đây, về Tây Giang, già làng Bhríu Pố còn nổi danh là ông “Vua sâm ba kích” vì ông chính là người tiên phong phát triển mô hình trồng dược liệu, vươn lên làm giàu và giúp người dân quê hương từng bước đẩy lùi đói nghèo./.


Thứ Hai, 06:00, 11/09/2023