109 bức thư mà bà Vũ Thị Lui đang lưu giữ là những mảnh ký ức còn sót lại trong những năm tháng mưa bom bão đạn. Những bức thư ấy đi theo bước hành quân, trở thành nhân chứng lịch sử của một thế hệ hào hùng, sẵn sàng hy sinh tất cả để bảo vệ Tổ quốc. 

Trong những ngày cả nước cùng hướng về kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bà Vũ Thị Lui (thường gọi Lưu Liên, 79 tuổi, trú ở phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội) có cảm xúc thật đặc biệt khi nhớ về những ký ức thời hoa lửa, đặc biệt là chuyện tình thật lãng mạn nhưng cũng nhiều mất mát, đau thương với liệt sĩ Trần Minh Tiến.

Bước vào căn nhà riêng, việc đầu tiên bà làm là dẫn chúng tôi tới gian phòng thờ của gia đình để thắp nén hương cho một người đặc biệt. Gian phòng ấy có một bàn thờ nhỏ, hàng ngày được bà Liên chuẩn bị 3 chén trà, 3 ly cà phê cùng 3 điếu thuốc và thắp hương tưởng nhớ người yêu cũ là liệt sĩ Trần Minh Tiến. Đây đều là những thứ mà liệt sĩ Tiến rất thích sử dụng khi còn sống.




Trước khi đến với người chồng hiện tại là ông Nguyễn Doãn Hùng (80 tuổi), bà Liên và liệt sĩ Tiến từng có một chuyện tình đẹp lãng mạn, vượt qua khói lửa chiến tranh. Mối tình của họ đã nuôi dưỡng những ước mơ hạnh phúc riêng biệt cùng những mật ước và sự tin tưởng mãnh liệt.





Ký ức như một cuốn phim quay chậm đưa bà Liên về những ngày tháng còn học chung một lớp với liệt sĩ Tiến. Liệt sĩ Trần Minh Tiến sinh năm 1945 trong một gia đình nghèo tại thị xã Hà Đông (tỉnh Hà Tây cũ). Ngày ấy, bà Liên là “con gái phố” với nước da trắng, duyên dáng. Bà vừa thông minh, xinh đẹp, lại múa giỏi và hát hay. 

Trên đường đi học về, cả hai thường chạm mặt nhau và từ đó ông Tiến đã thầm thương trộm nhớ người con gái kém mình 1 tuổi. Hồi ấy, dù nhà chỉ cách nhau nửa cây số thế nhưng giữa bà Liên và ông Tiến luôn xuất hiện khoảng cách của hai tầng lớp khác biệt “tiểu thư” và “dân nghèo thành thị”. Ông Tiến thầm mến bà nhưng không bày tỏ, vì nghĩ rằng thua bà về mọi mặt nên chỉ dám dừng ở mức tình bạn.

Thời điểm năm 1963, ông Tiến lên đường nhập ngũ tại Trung đoàn 102, Sư đoàn 308, đóng quân ở Nhổn, Hoài Đức (Hà Tây). Sau 3 tháng huấn luyện ông được tuyển vào đội bóng của Sư đoàn đóng ở Phú Thọ. Đầu năm 1965, ông trở về đơn vị chiến đấu, lúc này ông về huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Vào cuối mùa hè năm đó, ông đã tỏ tình với bà Liên khi cả 2 đều đã thật sự trưởng thành. Thế nhưng, mưa bom bão đạn đã khiến người lính trẻ và cô tiểu thư khuê các Lưu Liên chỉ gặp nhau chưa tới 20 lần trong suốt 5 năm yêu nhau.



Trong 5 năm đó, những lá thư như sợi dây kết nối và chắp cánh cho tình yêu của họ. Bà Liên xúc động kể lại: “Anh Tiến gửi cho tôi nhiều thư lắm, cứ rỗi thời gian là viết thư cho tôi rồi cất vào balo, chờ dăm bữa nửa tháng ra đồng bằng gặp quân bưu mới được gửi đi. Thế nên thư không đều đặn, có lúc vài ba lá có lúc thì 1-2 tháng không được một lá thư nào”.

Suốt những năm tháng yêu đương mãnh liệt của tuổi trẻ, hàng trăm bức thư đã được trao gửi. Sau này, bởi chiến tranh, bởi thời gian, bởi vô vàn lý do chính đáng khác, bà chỉ còn giữ lại 109 bức thư. Bà Liên coi đây như “báu vật” vô giá cần được nâng niu gìn giữ. 

Bản thiết kế lại.



Tháng 1/1968, khi bà Liên đang làm kế toán trong Xí nghiệp ươm tơ Hoài Đức bà Liên đạp xe lên đơn vị gặp người yêu, nói về kế hoạch tổ chức đám cưới theo đời sống mới. Lúc này, ông Tiến hứa sẽ về thu xếp để cưới. Khi về nhà, bà đã chuẩn bị những gì cần thiết nhưng lễ cưới lại không thể diễn ra như dự định, do ông Tiến phải hành quân vào chiến trường miền Nam (đi B). Điều này khiến bà Liên rất buồn và giận. Thế nhưng khi hiểu được lý do người yêu hoãn cưới lại khiến bà cảm thấy ân hận, day dứt và hối tiếc.

Giữa tháng 3/1968, đơn vị của ông Tiến chính thức nhận lệnh đi B, lúc này bà Liên đang làm kế toán trong Xí nghiệp ươm tơ Hoài Đức. Khi tập kết tại Sơn Tây, ông Tiến đã tranh thủ đi bộ 20km tới nơi cơ quan bà Liên sơ tán (ở Sơn Đồng, Hoài Đức) để thăm người yêu. Nhưng vì giận ông do không về tổ chức đám cưới nên bà không vội gặp ông ngay mặc dù trong lòng cuộn trào nỗi nhớ. 

Phải đến khi anh bảo vệ vào mắng “Yêu lính mà chả hiểu gì về lính cả. Anh ấy đang trên đường đi B, anh tạt về để chào xong đi tiếp, còn em thì cứ ngồi trong này”, cô thiếu nữ mới chịu chạy vội ra gặp người yêu. Lúc đó bản thân cô chưa hiểu hết được sự khốc liệt của chiến trường B là như thế nào, đâu biết rằng đây cũng là lần cuối cùng hai người gặp mặt.

Người lính giải thích, trước khi đi B không gửi thư và lỡ hẹn lễ cưới chỉ vì không muốn trao gánh nặng lên đôi vai cô: "Bấy giờ tôi rất yếu, bố mẹ tôi thì không đồng ý. Anh ấy sợ lấy anh là trao gánh nặng lên đôi vai tôi thì tôi không chịu được. Nếu tôi có con nữa thì càng không chịu được. Hẳn anh ấy phải rất yêu tôi thì mới có thể bỏ tất cả tham vọng của người con trai để cho người yêu mình sung sướng” - Bà Liên trầm ngâm.

Nhưng thật ra bà ân hận vì bấy giờ ông là con trai duy nhất của 1 gia đình, dòng họ, tất cả mọi người đều đặt hy vọng ở ông. Nếu như lỡ có chuyện gì xảy ra, gia đình mất ông thì coi như là mất tất cả. 

Trước khi lên đường, người lính tặng cho người yêu một chiếc áo lính, một chiếc nhẫn có hình hai trái tim lồng vào nhau, chiếc nhẫn này được ông tự mài từ xác máy bay Mỹ vào những buổi trưa không ngủ. 




“Chiếc khăn mà em thêu cho anh thì anh mang đi, anh luôn luôn để ở ngực. (Chiếc khăn có hình bông hồng tím chung thủy được bà Liên thêu năm 1967)
Khi anh đi chiến đấu thì anh sẽ gửi lại đồng đội. 
Nếu khăn về bất cứ lúc nào thì em đi lấy chồng lúc ấy, đừng chờ giấy báo tử” 

Cứ thế, giữa người lính và cô tiểu thư khuê các đã tồn tại một mật ước. 




Những lá thư vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ là sợi dây kết nối cho tình yêu của hai người. Sau khi đi B, ông Tiến vẫn không ngừng gửi thư về cho người yêu. Trong thư, vẫn như mọi khi, ông chia sẻ từ những câu chuyện đời thường cho tới những khó khăn, gian khổ trên đường hành quân nắng cháy da cháy thịt, đêm mưa tầm tã. Từng lá thư như từng lời hỏi thăm, nhắc nhở về nỗi nhớ sâu sắc giữa hai người.

Những lá thư chỉ nhận mà không thể hồi đáp do bà Liên không biết địa chỉ đóng quân của ông.





Vào một đêm tháng 5/1968, ông trở về trong giấc mơ của bà, bà thấy khuôn mặt ông Tiến đầy máu, xung quanh ông là cả 1 rừng lửa và khói súng bao trùm. Một linh cảm chẳng lành xuất hiện khiến bà đau khổ đến tiều tụy, thế nhưng bà vẫn nhen nhóm một hy vọng “người lính trẻ sẽ trở về!”.

Ngay sau lần “linh cảm mách bảo đó”, bà Liên đã đi rửa toàn bộ ảnh chụp chân dung của ông. Tất cả các bức ảnh của ông Tiến đều không cười, khuôn mặt nghiêm nghị, ông dặn bà Liên "Em giữ cho anh tấm ảnh để nhỡ nay mai anh đi không về thì bố mẹ anh còn nhìn thấy anh".

Thật lạ, dường như dự cảm cái chết đang cận kề. Ngày 27/5/1968, trước lúc đi vào trận chiến, ông Tiến để lại một lá thư, nhưng đề "chiều 31/5/1968". Bức thư ấy như một lời căn dặn cuối cùng đầy nghẹn ngào.


Bản thiết kế lại.



Ký ức đau đớn về ngày 19/1/1969 vẫn mãi in đậm trong tâm trí bà Liên. Ngày đó, gia đình nhận được giấy báo tử của liệt sĩ Trần Minh Tiến. Anh ngã xuống trong một trận đánh đẫm máu tại đồi làng Cát, Khe Sanh (Quảng Trị). Nhận tin báo tử, bà Liên suy sụp ngồi nép vào góc nhà, trân trân nhìn vào khoảng không vô định, tay mân mê chiếc khăn tay thêu bông hồng tím, “nó đã trở về mà không có anh, xóa nốt một chút tia hi vọng cuối cùng của em”.

Bà ngồi lặng im, không một giọt nước mắt, dù rất muốn gào to cho mọi người thấy nỗi đau này quá sức chịu đựng như thế nào. Bà thấy bóng mình lẻ loi, nhỏ bé và đơn độc làm sao.

Mãi cho tới khi có người đập vào vai bà bảo “ra đình làm lễ truy điệu anh”. Bà đi trong vô định, ra đến đình thấy ảnh của liệt sĩ Trần Minh Tiến một dải băng đen chéo qua, nước mắt bà cứ thế chảy.

Sau lễ truy điệu, bà Liên quyết định đem đốt tất cả số thư và nhật ký mà bà đã viết xung quanh chuyện tình dở dang của hai người, hy vọng ở "thế giới bên kia", ông sẽ nhận và đọc được. Nhưng khi đang đốt bà dừng lại và cất giữ chúng như gom lại từng mảnh ký ức.





Hơn 56 năm trôi qua, giờ đây bà Liên đã có 1 gia đình yên ấm và tràn ngập hạnh phúc với những đứa con thành đạt. Chồng bà - ông Nguyễn Doãn Hùng, một sỹ quan quân đội đã đến với bà Liên bằng một tình yêu chân thành. Ông trân trọng từng kỷ vật, trân trọng sự hy sinh của liệt sĩ Trần Minh Tiến và mong muốn bù đắp cho bà.

Trước khi đám cưới cùng ông Nguyễn Doãn Hùng, bà cũng không giấu giếm mà kể rõ sự tình cho ông Hùng nghe. Bà nói sẽ trở thành một người vợ hiền, một người mẹ tốt, khi hòa bình sẽ đi tìm hài cốt liệt sĩ Trần Minh Tiến, còn tình yêu… hãy để thời gian trả lời.




Khoảng năm 1971, miền Bắc bị lụt. Trong khi lo chạy lụt, ông Hùng đã bỏ lại nhiều thứ quý giá nhưng ông nhất định không quên mang theo chiếc vali đựng kỷ vật của liệt sĩ Trần Minh Tiến. Ông Hùng bảo với vợ: “Những thứ khác trôi mất thì còn mua được, còn cái vali kỷ vật này mà lỡ mất thì em sẽ giận anh suốt đời”. Thế là bà ôm ông và bật khóc. Họ đã thật sự trở thành vợ chồng thương yêu nhau từ ngày đó.

Gần 20 năm dò la tin tức để đi tìm mộ liệt sĩ Trần Minh Tiến, bà Liên chia sẻ rằng, quá trình này khó khăn và vất vả vô cùng. Bởi thời gian đầu thông tin còn mù mờ, mãi tới sau này khi mọi thứ phát triển hơn bà mới tìm được, giữ đúng lời hứa “nếu mai này anh không trở về, ngày hòa bình em sẽ đi tìm kiếm anh”.

Ông Hùng đã luôn đứng đằng sau ủng hộ vợ đi tìm hài cốt liệt sĩ, ông cảm thông và cũng mong muốn bà thực hiện nốt những ước muốn dang dở của người lính năm ấy. 

“Năm 2008 tôi vào chiến trường xưa, tìm tới vị trí nơi anh đã nằm xuống, lúc đó xương cốt anh phần lớn hóa ra đất. Tôi đào được 4 chiếc khuy với chiếc đèn 3 pin. Thế nhưng trực giác cứ thấy thiếu gì đó, tôi có nói phải là cái đèn 3 pin mới là anh tiến. Thì quả thật lúc sau đào lên là cái đèn, tôi nhớ vì cái đèn ý tôi mua cho anh ấy, đặc biệt nhất cả đơn vị có 1 cái đèn 3 pin thôi”, bà Liên bùi ngùi kể lại.




Bà Liên thường nói với ông Hùng rằng: “Có quá khứ thì mới có hiện tại”. Những ngày yêu ông Tiến, bà vẫn chưa biết đồng cảm chia sẻ và thể hiện tình yêu nên khi ông Tiến mất bà mới cảm thấy hụt hẫng, dằn vặt trong nhiều năm.

Bà thường tự nhủ “giá như mình tình cảm hơn, giá như mình tốt với anh ấy hơn, giá như anh ấy trở về mình sẽ hết mình hơn,... thế nhưng trên đời làm gì có nhiều chữ giá như đến vậy”. Cho nên khi gặp người chồng hiện tại, bà luôn cố gắng sống để không còn chữ “giá như”, cùng nhau bù đắp những thiếu sót trong quá khứ. 

Hàng năm, gia đình ông Hùng, bà Liên đều vào nghĩa trang Đường 9 (Quảng Trị) để thắp hương cho liệt sĩ Trần Minh Tiến. Các công việc trọng đại hay dự định lớn nhỏ, đều được các con bà thắp hương "xin ý kiến" của liệt sĩ bởi họ đã coi liệt sĩ Tiến như một thành viên chính thức trong gia đình.

Hơn 50 năm qua, ông Hùng, bà Liên vẫn một tình yêu sắt son, chung thủy. Ông Hùng luôn cảm thấy trân trọng khi có một người vợ tần tảo, tận tụy với gia đình. Còn bà Liên lại cảm thấy mình thật may mắn khi có một người đồng hành thông cảm, thấu hiểu, sẵn sàng bù đắp những mất mát từ quá khứ!


Thứ Ba, 05:00, 30/04/2024