Giáo dục dạy nghề: Ai quản lý cho hiệu quả?

VOV.VN - Việc quản lý bậc trung cấp và cao đẳng nghề giao cho cơ quan nào quản lý thì giáo dục dạy nghề phải điều tiết được thị trường lao động.

Hiện nay, Bộ GD-ĐT quản lý từ cấp mầm non, phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học và sau đại học. Còn Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội quản lý hai bậc học giữa là trung cấp nghề và cao đẳng nghề.

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT lại vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị thống nhất giao cho Bộ quản lý hệ thống giáo dục quốc dân từ mầm non đến đại học, kể cả bậc trung cấp nghề, cao đẳng nghề hiện nay thuộc Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội quản lý.

Nhiều trường quá: Khó liên thông và quản lý

Nguyên nhân khiến Bộ GD-ĐT trình lên Thủ tướng Chính phủ về kiến nghị trên vì cho rằng, thực tế thời gian qua cho thấy, sự trùng lắp trong quản lý giữa hai Bộ đã gây ra nhiều bất cập về quản lý, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

Vấn đề này cũng khiến một số cán bộ quản lý, chuyên gia giáo dục quan tâm và cho rằng, các trường nghề nên giao cho Bộ GD-ĐT đảm nhiệm sẽ không khỏi chồng chéo về mặt quản lý chất lượng đào tạo, phân chỉ tiêu tuyển sinh và dự báo nguồn nhân lực ngành nghề...

PGS.TS Nguyễn Hữu Công, Phó Giám đốc ĐH Thái Nguyên đưa ra quan điểm, hiện nay, những trường nghề phần lớn đang trực thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ quản nhưng nếu để như vậy thì rất khó quản lý về chỉ tiêu tuyển sinh, xác định nghề nghiệp cho học viên.

Nhằm thúc đẩy quá trình phân luồng về nghề nghiệp hiệu quả, PGS.TS Nguyễn Hữu Công nêu quan điểm nên quy hoạch các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề về Bộ GD-ĐT để có sự đánh giá chung về chất lượng hoạt động.

Việc quản lý bậc trung cấp và cao đẳng nghề giao cho cơ quan nào quản lý thì giáo dục dạy nghề phải điều tiết được thị trường lao động (ảnh minh họa)

Nhìn nhận ở góc độ quản lý hệ thống liên thông giữa giáo dục dạy nghề và đào tạo đại học, ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP HCM nhận định: Ở nhiều nước trên thế giới, việc quản lý giáo dục nghề nghiệp đều do Bộ GD-ĐT. Hệ thống các bậc học đều thống nhất về một mối nên việc học liên thông nâng cao trình độ giữa các bậc học rất thuận tiện.

Còn ở Việt Nam, việc học liên thông giữa dạy nghề và giáo dục đại học lại đang gặp khó khăn do hai Bộ GD-ĐT và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quản lý chưa thống nhất chuẩn đầu ra ở các trình độ, do một bên đào tạo theo tín chỉ, một bên đào tạo theo môn học với tiêu chuẩn kiểm định khác nhau.

Hậu quả là người học phải chịu thiệt trong quá trình công nhận miễn trừ những nội dung đã học khi theo học liên thông ở bậc học cao hơn. Liên thông khó khăn cũng gây ảnh hưởng đến công tác phân luồng học sinh vào giáo dục nghề nghiệp, nhiều trường nghề được đầu tư xây dựng khang trang, có quy mô nhưng không có người học.

Hệ thống giáo dục hiện nay ở nước ta bị chia lẻ ra quá nhiều. Tỉnh nào cũng có tới 4-5 trường. Mặc dù hoạt động của cơ sở giáo dục địa phương thì do ngân sách tỉnh đảm nhiệm nhưng gần như không có tỉnh nào kham nổi. Nếu chúng ta dồn hết vào một cơ cấu giáo dục chung để điều hành thì sẽ có nguồn lực lớn để đầu tư.

Do cơ cấu giáo dục của hệ thống giáo dục hiện nay xé lẻ nên việc đầu tư rất lãng phí. Khi xét đến bài toán kinh tế trong giáo dục thì đầu tiên người ta phải bắt đầu từ bài toán hệ thống. Chính vì vậy, việc đầu tiên phải làm trước khi thực hiện các cải cách là cơ cấu lại hệ thống giáo dục đại học và nghề nghiệp.

Theo ông Đỗ Văn Dũng, song song với việc sắp xếp lại việc đào tạo của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề thì cũng nên cơ cấu lại hệ thống giáo dục quốc dân. Theo đó, Bộ GD-ĐT nên phân luồng nghề nghiệp cho học sinh từ cấp THCS theo hướng, sau khi học hết lớp 9, các em có thể chọn lựa vào các trường nghề, thay vì tiếp tục học lên THPT rồi lại đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng nhưng sau vài năm học, tốt nghiệp ra trường lại rơi vào tình trạng thất nghiệp như hàng chục nghìn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp hiện nay.

Muốn thực hiện được việc phân luồng nghề nghiệp có hiệu quả, hệ thống các trường dạy nghề cũng nên được quy hoạch một cách bài bản hơn theo hướng mỗi địa phương nên sắp xếp lại các trường cao đẳng, trung cấp nghề vào làm một trường cộng đồng. Trường này có chức năng vừa đào tạo ngắn hạn, dạy nghề vừa đào tạo lên bậc học cao hơn. Học sinh có thể học nghề hoặc học lên bậc học cao hơn ở đó, chứ không phải di chuyển xa, lên các thành phố lớn học tập.

Dạy nghề phải gắn với việc làm và điều tiết thị trường lao động

Trong khi các nhà quản lý đào tạo phần lớn nghiêng giao bậc trung cấp nghề, cao đẳng nghề cho Bộ GD-ĐT quản lý thì đại diện nhiều trường dạy nghề lại cho rằng, các bậc học này nên vẫn để lại cho Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quản lý.

Trong 42 năm thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thì lĩnh vực dạy nghề đã được khôi phục và phát triển và đã gắn chặt với thị trường lao động, đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu lao động, gắn được với giảm nghèo, có thể nói là gắn trực tiếp với đối tượng mà ngành Lao động- Thương binh và Xã hội quản lý. 

Ông Phạm Văn Đức, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội cho rằng, từ một trường dạy nghề rất đơn sơ, chuyên đào tạo 2 ngành Cơ khí và Điện. Mỗi năm nhà trường chỉ tuyển sinh khoảng 300 học viên. Tuy nhiên, trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhà trường phát triển vượt bậc nên có thể khẳng định là một trong những trường dạy nghề tốt nhất của Việt Nam.

Nhà trường có được những thành quả đó là nhờ sự quan tâm của Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động-Thương binh xã hội), TP Hà Nội và sự phấn đấu của bản thân trường. Hiện nay, trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội được tạo điều kiện trong việc đầu tư cơ sở vật, nâng cao chất lượng giáo viên để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của xã hội.

Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang quản lý nhiều bậc học với khối lượng công việc rất lớn cần hoàn thành và thực hiện. Còn việc dạy nghề là phải gắn với doanh nghiệp, việc làm và các kỹ năng lao động. Vì vậy, việc đào tạo nghề và quản lý các trường trung cấp và cao đẳng nghề nên giao cho Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quản lý sẽ thuận lợi và hiệu quả hơn.

Bà Rịa-Vũng Tàu là địa phương không có quá nhiều trường cao đẳng, trung cấp nghề. Hiện nay, việc quản lý các trường nghề ở tỉnh không có sự chồng chéo. Thời gian qua, tỉnh đã sáp nhập một trường cao đẳng cộng đồng với trường cao đẳng nghề để hoạt động tốt hơn. Còn lại 2 trường trung cấp chuyên nghiệp không phải là quá nhiều nên cũng không ảnh hưởng, chồng chéo về sự quản lý.

Ông Huỳnh Việt Triều, trưởng phòng Dạy nghề (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng, nếu Chính phủ quyết định giao bậc trung cấp nghề, cao đẳng giao cho Bộ GD-ĐT hay Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quản lý thì ngành Lao động ở các địa phương chấp hành theo.

Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, Bộ Lao động-Thương binh xã hội đã được giao nhiệm vụ quản lý các trường trung cấp, cao đẳng nghề và đã có những công việc cụ thể để đưa hoạt động dạy nghề ngày một củng cố. Nếu tiếp tục để Bộ này quản lý sẽ không bị gián đoạn và nếu có sự chỉnh lý những bất cập một cách kịp thời thì có thể công tác dạy nghề sẽ ngày càng phát triển hơn. Bộ Lao động-Thương binh xã hội cũng có thể quản lý việc giao chỉ tiêu tuyển sinh, giám sát hoạt động dạy nghề tốt nếu thực hiện nghiêm túc, khách quan.

Cùng với quan điểm trên, ông Nguyễn Minh Luyến, Phó trưởng phòng Dạy nghề (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long) bày tỏ, việc dạy nghề phải gắn với giải quyết việc làm cho học viên sau khi tốt nghiệp. Từ trước đến nay, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã thực hiện việc làm này khá tốt nên vẫn tiếp tục việc quản lý bậc trung cấp và cao đẳng nghề.

Còn nếu bậc học này được Chính phủ giao trách nhiệm cho Bộ GD-ĐT quản lý thì cần có sự bàn giao kỹ lưỡng cũng như sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội để công tác dạy nghề và tìm kiếm việc làm cho các học viên đạt hiệu quả tốt.

Mặc dù cho đến nay, việc quản lý bậc trung cấp và cao đẳng nghề vẫn còn đang gây ra sự tranh luận, đóng góp ý kiến khác nhau từ phía các chuyên gia, quản lý giáo dục và dạy nghề nhưng dù cơ quan nào quản lý đi nữa thì xã hội vẫn rất mong muốn, thị trường lao động sẽ được điều tiết một cách thông suốt.

Học viên sau khi tốt nghiệp các trường dạy nghề sẽ tìm kiếm được việc làm ưng ý với mức lương thỏa mãn và đất nước sẽ phát triển vì xây dựng được nguồn nhân lực có trình chuyên môn, kỹ năng làm việc thành thạo./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Cần thay đổi nhận thức của xã hội về dạy nghề, học nghề
Cần thay đổi nhận thức của xã hội về dạy nghề, học nghề

VOV.VN -Bộ LĐTBXH sẽ phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền thay đổi nhận thức về dạy nghề và học nghề, giúp thanh niên có nhận thức đúng về định hướng nghề nghiệp

Cần thay đổi nhận thức của xã hội về dạy nghề, học nghề

Cần thay đổi nhận thức của xã hội về dạy nghề, học nghề

VOV.VN -Bộ LĐTBXH sẽ phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền thay đổi nhận thức về dạy nghề và học nghề, giúp thanh niên có nhận thức đúng về định hướng nghề nghiệp

Giáo dục dạy nghề nên để Bộ nào quản lý?
Giáo dục dạy nghề nên để Bộ nào quản lý?

VOV.VN -Bộ GD-ĐT đề nghị chuyển giáo dục dạy nghề và các trường dạy nghề về Bộ này quản lý.

Giáo dục dạy nghề nên để Bộ nào quản lý?

Giáo dục dạy nghề nên để Bộ nào quản lý?

VOV.VN -Bộ GD-ĐT đề nghị chuyển giáo dục dạy nghề và các trường dạy nghề về Bộ này quản lý.

Ưu tiên cấp đại học, “ghẻ lạnh” trường dạy nghề?
Ưu tiên cấp đại học, “ghẻ lạnh” trường dạy nghề?

VOV.VN -Những thay đổi trong tuyển sinh đại học năm 2014 khiến cho lượng thí sinh vào các trường trung cấp, dạy nghề càng thêm ít.

Ưu tiên cấp đại học, “ghẻ lạnh” trường dạy nghề?

Ưu tiên cấp đại học, “ghẻ lạnh” trường dạy nghề?

VOV.VN -Những thay đổi trong tuyển sinh đại học năm 2014 khiến cho lượng thí sinh vào các trường trung cấp, dạy nghề càng thêm ít.

Năm 2016 sẽ có 2,15 triệu người được tuyển mới dạy nghề
Năm 2016 sẽ có 2,15 triệu người được tuyển mới dạy nghề

VOV.VN - Sẽ có 2,15 triệu người được tuyển mới dạy nghề ở cả trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và dạy nghề dưới 3 tháng.

Năm 2016 sẽ có 2,15 triệu người được tuyển mới dạy nghề

Năm 2016 sẽ có 2,15 triệu người được tuyển mới dạy nghề

VOV.VN - Sẽ có 2,15 triệu người được tuyển mới dạy nghề ở cả trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và dạy nghề dưới 3 tháng.