Quan hệ Nhật - Trung bên "bờ vực' vì tranh chấp lãnh thổ

Ngày 18/8, các nhà hoạt động và Nghị sỹ Nhật Bản đã rời đảo Ishigaki ở Tây Nam Nhật Bản, để đến quần đảo Senkaku

Bất chấp những cảnh báo từ Bắc Kinh, sáng 19/8, một đội tàu cá gồm 20 chiếc chở gần 150 công dân Nhật Bản và 9 Nghị sĩ nước này đã tới quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư - tâm điểm của cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải kéo dài giữa hai nước.

Tàu tuần tra Nhật Bản áp sát tàu cá Trung Quốc chở 14 người Hongkong (Trung Quốc) tìm cách lên quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ngày 15/8 vừa qua (Ảnh: Yomiuri Shimbun).

Ngày 18/8, các nhà hoạt động và Nghị sỹ Nhật Bản đã rời đảo Ishigaki ở Tây Nam Nhật Bản, để đến quần đảo Senkaku mà theo phía Nhật Bản là thuộc tỉnh Okinawa, trong khi phía Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.

Theo kế hoạch, các nhà hoạt động Nhật Bản tổ chức lễ tưởng niệm cho những người đã chết trong cuộc chiến tranh năm 1945, sau đó tiến hành thăm dò nguồn cá ở khu vực lãnh hải quanh quần đảo Senkaku và trở về Nhật Bản ngay trong ngày hôm nay (19/8).

Phát biểu với báo giới, ông Toshio Tamogami- Trưởng nhóm Ganbare Nippon - đơn vị tổ chức chuyến đi này bày tỏ: “Chúng tôi hy vọng sẽ chuyển thông điệp đến giới truyền thông hoặc bất kỳ tổ chức nào, đến cả người dân Trung Quốc và người dân Nhật Bản, rằng quần đảo Senkaku là lãnh thổ của Nhật Bản”.

Về phần mình, Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Tự do Eriko Yamatani cho biết: “Chúng tôi thực sự mong muốn đổ bộ lên các đảo và tổ chức một nghi lễ, song Chính phủ Nhật Bản đã không chấp thuận điều đó. Vì vậy, chúng tôi có kế hoạch tổ chức lễ tưởng niệm tại vùng biển xung quanh các đảo”.

Ngay sau khi tin tức về chuyến đi của 150 người Nhật Bản đến quần đảo Senkaku (theo cách gọi của phía Nhật Bản) được đưa ra, Chính phủ Trung Quốc đã phản ứng gay gắt.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương cho biết, nước này đã đề nghị Nhật Bản ngay lập tức dừng hành động vừa nêu của các chính khách, đồng thời cho rằng, bất cứ hành động đơn phương nào mà Nhật Bản tiến hành trên đảo Điếu Ngư (theo cách gọi của Trung Quốc) đều là "bất hợp pháp và không có giá trị".

Ông Tần Cương khẳng định, “chuỗi đảo không có người ở này là lãnh thổ của Trung Quốc”. Theo Chính phủ Trung Quốc, sự kiện này sẽ làm phương hại đến “chủ quyền lãnh thổ” của nước này đồng thời cáo buộc đây là động thái mới nhất của Nhật Bản làm leo thang căng thẳng trong cuộc tranh chấp lãnh thổ hiện nay giữa hai nước.

Liên quan đến việc 10 người Nhật Bản đã lên đảo Uotsuri, thuộc quần đảo tranh chấp (mà Nhật Bản gọi là Senkaku, trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), người phụ trách Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã có buổi giao thiệp với Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc, biểu thị sự phản đối mạnh mẽ, kêu gọi phía Nhật Bản “chấm dứt ngay những hành động xâm hại chủ quyền lãnh thổ của trung Quốc”. Người phụ trách Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, phía Nhật Bản cần xử lý ổn thoả vấn đề này, tránh làm tổn hại nghiêm trọng đến đại cục quan hệ Trung – Nhật.

Trong lúc này, tại nhiều khu vực ở Quảng Châu, Thâm Quyến (Trung quốc) diễn ra những cuộc biểu tình kêu gọi bảo vệ chủ quyền và phản đối Nhật Bản có các động thái “xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc”.

Động thái của các chính khách Nhật Bản diễn ra sau khi ngày 15/8 vừa qua, các lực lượng chức năng nước này bắt giữ 14 nhà hoạt động người Trung Quốc với lý do "xâm nhập lãnh hải và đổ bộ" lên một đảo thuộc quần đảo Senkaku.

Ngày 17/8, phía Nhật Bản đã trục xuất 14 nhà hoạt động Hongkong, sau khi hai bên có những tuyên bố phản đối lẫn nhau xung quanh vụ việc này và làm cho quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc trở nên căng thẳng.

Giới quan sát lo ngại, quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á này có thể còn căng thẳng hơn nữa khi 5 trong số 14 nhà hoạt động Trung Quốc vừa bị Nhật Bản trục xuất tuyên bố trên Đài Phát thanh Hongkong rằng, họ sẽ quay trở lại quần đảo Điếu Ngư (theo cách gọi của Trung Quốc) vào ngày 1/10 tới, đúng dịp kỷ niệm Quốc khánh Trung Quốc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên