Những cái bẫy tinh vi

Ngành du lịch nói riêng và tỉnh Thừa Thiên - Huế nói chung đều nỗ lực không ngừng để tạo ấn tượng tốt cho du khách khi đặt chân đến Huế mộng mơ. Tuy nhiên, một bộ phận nhỏ người dân đã không ý thức được điều đó.

Có thể nói Huế là thành phố tôi rất yêu. Yêu từ vẻ đẹp của Huế, con người Huế, yêu dòng sông Hương, yêu món ăn Huế… Huế còn là một thành phố du lịch mà ai cũng muốn một lần đặt chân đến.

Ngành du lịch nói riêng và tỉnh Thừa Thiên - Huế nói chung đều nỗ lực không ngừng để tạo ấn tượng tốt cho du khách khi đặt chân đến Huế mộng mơ. Tuy nhiên, một bộ phận nhỏ người dân đã không ý thức được điều đó.

Tôi thuê phòng ở khách sạn Nguyễn Huệ. Mỗi buổi tối đều có mấy chiếc xích lô đậu trước cửa khách sạn để đón khách. Trông anh nào cũng hiền lành, ăn nói hoạt bát. Tôi và một anh bạn lên một chiếc xích lô vòng vòng  phố chơi. Anh xích lô bảo: “Em chở một vòng phố là 20 nghìn, khi nào các anh thích thì về”. Lên xe đi được một lúc, anh xích lô bắt đầu gạ gẫm chúng tôi: Nào là “Anh có ăn bún bò Huế không?”, hay “các anh có đi xông hơi không”. Đã từng bị “mắc bẫy” nên tôi hỏi: “Chỗ đó bảo anh dắt mối ăn tiền cò phải không?”. Chỉ mấy cái cây ven đường, anh xích lô thề: “Em mà lừa các anh là em khô như mấy cây ni. Em chỉ chở các anh kiếm tiền cuốc xe thôi”. Tin người, thế là chuyện lại bị “quả lừa” xảy ra.

Anh xích lô chở chúng tôi đến điểm xông hơi. Không được xông, chỉ uống 2 lon bia mà phải trả 420.000 đồng chỉ vì “các anh đã dùng đồ ăn nên em phải tính”. “Tôi ăn bao giờ đâu?” Cô gái kéo chiếc đĩa tới, mở cho chúng tôi xem: Mực tẩm, bánh, kẹo cao su… nói chung là tất cả đã bị xé ra trước khi mang vào mà chúng tôi không biết.

Người bạn tôi kể, có lần đi vào quán, có hai em xuất hiện bảo rằng “Em ngồi chơi cho anh vui thôi, đây không phải bia ôm gì đâu”. Vậy mà cuối cùng anh phải trả 1.700.000 đồng. Hỏi sao nhiều thế? Mỗi lon bia được tính 20.000 đồng, hai thùng bia đem ra, trong đó phân nửa là lon không? Thì ra hai cô gái tận tình khui bia giúp đã làm nhiệm vụ tráo bia.

Huế có rất nhiều xích lô. Giá xích lô ở đây cao nhất cho một cuộc chạy là 10.000 đồng. Nhưng xích lô đậu trước khách sạn là chiếc bẫy cực kỳ nguy hiểm nếu lần đầu bạn đến Huế. Trả giá xong, ai cũng ngọt ngào nói: “Anh cứ thoải mái, khi nào về em đón”. Đừng để anh ta đợi! Vì khi chở bạn về, anh ta sẽ trở giọng: “Tôi đợi anh cả tiếng đồng hồ mà anh đưa bao nhiêu đó à?”.

Trong một bài viết trên tờ Lao động cuối tuần của tác giả Hoàng Văn Minh gần đây có nhận xét: “Giá phòng khách sạn xịn của Huế thường rất cao so với các địa phương khác, trong lúc chất lượng dịch vụ lại không tương xứng và trong năm 2007, có hai sự kiện “động trời”, góp phần làm hình ảnh du lịch Huế vốn đã xấu, càng xấu thêm trong mắt du khách. Đó là việc một du khách Thái Lan bị tiểu thương chợ Đông Ba tát tai sau khi bất đồng về giá cả một món hàng; và một du khách người Việt bị một “cò vé” ở bến thuyền ca Huế cầm dép đánh vào mặt vì sau một hồi cãi cọ liên quan đến chuyện mua vé”.

Ông Nguyễn Quốc Thành - Phó Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế đã từng phát biểu: “Có những điều thuộc về dân trí thì không còn cách nào khác ngoài việc phải chờ đợi. Tuy nhiên có những việc là do lỗi quản lý của chúng ta yếu kém, luật của chúng ta không nghiêm minh”.

Đà Lạt, thành phố du lịch bị mất khách vì tai tiếng kiểu chặt chém du khách vô tội vạ. Huế, thành phố du lịch đón 1,3 triệu du khách trong năm 2007. Huế có thể đón nhiều du khách hơn. Những điều tiếng về du lịch kiểu này của Huế sẽ trở thành cái “loa” cho người đã đến, làm cho người định đến sẽ không dám đến. Hoặc có đến cũng vội về, và không chi tiêu nhiều để góp cho doanh thu du lịch Huế tăng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên