Xung quanh việc Hạ viện Mỹ bác bỏ kế hoạch giải cứu thị trường tài chính

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, động thái của Hạ viện là có yếu tố chính trị. Các nghị sỹ cho rằng không nên thông qua bản kế hoạch có thể làm bùng phát làn sóng phản đối trong dân chúng Mỹ

Tưởng như với sự nhất trí trước đó giữa Chính phủ Mỹ với Quốc hội Mỹ, bản kế hoạch giải cứu thị trường tài chính có sửa đổi sẽ dễ dàng được hai viện Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, ngày 30/9, Hạ viện Mỹ đã bác bỏ bản kế hoạch và kết quả này đang khiến thị trường tài chính Mỹ lún sâu vào tình trạng hỗn loạn.

Trong một động thái gây sửng sốt cả thế giới, 228 nghị sỹ Quốc hội đã bỏ phiếu phản đối bản kế hoạch giải cứu, vượt con số 205 phiếu thuận. Kết quả này phản ánh thái độ của người dân Mỹ không ủng hộ việc can thiệp vào thị trường tự do để cứu những ông chủ ngân hàng giàu có bằng khoản tiền khổng lồ mà chính người dân sẽ phải oằn lưng nộp thuế.

Có hay không nên can thiệp vào thị trường tài chính tiếp tục là câu hỏi được đặt ra ở nước Mỹ và khắp nơi trên thế giới. Nhiều ý kiến cho rằng cần phải có một kế hoạch giải cứu bài bản để tránh một sự sụp đổ toàn bộ hệ thống tài chính Mỹ cũng như gây ra hiệu ứng domino lên toàn cầu. Nhìn vào việc các Chính phủ châu Âu tung ra hàng chục tỷ để cứu các ngân hàng của châu lục này đang ở bờ vực phá sản, có thể thấy sự cần thiết phải có sự can thiệp của nhà nước vào thị trường tài chính khi cần. Tuy nhiên, rất nhiều chuyên gia kinh tế lại phản đối việc chính quyền Mỹ đưa ra kế hoạch can thiệp hoành tráng “chưa từng có” vào thị trường tài chính Mỹ. Chính cựu Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ Alanh Grinspen đã từng nhấn mạnh không nên can thiệp vào thị trường tự do bởi trong cạnh tranh, phải có người thắng, kẻ thua. Đã có 166 nhà kinh tế học nổi tiếng, trong đó có 3 người từng đoạt giải Nobel đã gửi thư kêu gọi Quốc hội không thông qua bản kế hoạch này. Nhiều nhà lãnh đạo nước ngoài đang tham dự phiên họp thứ 63 Đại hội đồng LHQ cho rằng, kế hoạch mà Nhà Trắng đưa ra đã đánh dấu sự kết thúc của mô hình các thị trường tự do kiểu “Anglo-Sa-xon” và chủ nghĩa tư bản không bị ràng buộc mà Washington đã háo hứng “xuất khẩu” trong vài thập kỷ qua.

Việc đa số nghị sỹ trong Hạ viện Mỹ bác bỏ bản kế hoạch giải cứu cho thấy những điểm bất cập trong kế hoạch này, dù rằng nó đã được sửa đổi theo thoả thuận giữa Nhà Trắng với Quốc hội. Một loạt các câu hỏi được đặt ra về việc cách thức định giá các tài sản thế chấp, tính minh bạch trong thực hiện... khiến người dân Mỹ cảm thấy bản kế hoạch này chứa đựng quá nhiều rủi ro. Chưa cần biết bản kế hoạch này sẽ hiệu quả ra sao, song đầu tiên, nó làm gia tăng mức nợ quốc gia vốn đã là 10,6 nghìn tỷ USD có thể lên tới 11,3 nghìn tỷ USD. Đấy là chưa kể đến việc kế hoạch bao hàm một số từ ngữ để ngỏ khả năng Bộ Tài chính Mỹ có thể còn tiêu tốn khoản tiền lớn hơn 700 tỷ USD. Trong khi có một điều nghịch lý là trước đó, chính quyền của ông Bush không ủng hộ việc cắt giảm lương của các quan chức điều hành phố Wall, vì cho rằng việc đó có thể đem lại kết quả ngược lại. Quan điểm này đã bị Quốc hội Mỹ kịch liệt phản đối, mà nói như Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nansi Pelosi thì "lễ hội tiệc tùng đã kết thúc", ý nói tới sự hưởng thụ quá đà xưa nay của giới quan chức khu tài chính "Wall Street".

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, động thái phản đối trên của Hạ viện là có yếu tố chính trị vì nước Mỹ đang trong mùa bầu cử. 5 tuần trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống, nhiều nghị sỹ cho rằng không nên thông qua bản kế hoạch có thể làm bùng phát làn sóng phản đối trong dân chúng Mỹ. Người đứng đầu nhóm các nghị sỹ Đảng Cộng hoà John Boehner nói: “Người dân Mỹ đang giận dữ và các đồng nghiệp của tôi cũng vậy. Chúng tôi không muốn bị buộc phải thông qua một kế hoạch như vậy”. Theo điều tra của 2 tờ báo lớn Bloomberg và Los Angeles Times tuần trước, 55% người dân Mỹ được hỏi phản đối việc sử dụng tiền thuế để cứu Wall Street.

Việc Quốc hội Mỹ bác bỏ kế hoạch giải cứu của chính phủ đã khiến thị trường tài chính Mỹ càng lâm vào khủng hoảng, thể hiện ngay trong phiên giao dịch hoảng loạn tại Wall Street. Hiện chưa rõ các nhà lãnh đạo hai đảng Dân chủ và Cộng hòa có sửa đổi dự luật này để nó được thông qua trong một cuộc bỏ phiếu lần hai hay không. Tuy nhiên, một nghị sỹ giấu tên cho biết các nghị sỹ Mỹ sẽ không bỏ phiếu lần nữa về kế hoạch này trước ngày 2/10 do kỳ nghỉ lễ của người Do Thái./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên