Giám đốc Kho bạc huyện xin nghỉ hưu “non” vì vỡ nợ?

VOV.VN - Dư luận địa phương bàn tán xôn xao việc ông Ngô Thái Úy - nguyên Giám đốc Kho bạc huyện xin nghỉ hưu non vì vỡ nợ.

Sau vụ một cán bộ tư pháp của UBND xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định cùng gia đình bỏ trốn trong đêm mưa bão khi vay nhiều tỷ đồng của dân, những ngày gần đây, người dân thị trấn Ngô Đồng, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định đang bàn tán xôn xao về việc Giám đốc Kho bạc Nhà nước huyện – ông Ngô Thái Úy (54 tuổi) và vợ là bà Trần Thị Gấm (50 tuổi) là Phó Chủ tịch MTTQ huyện bị vỡ nợ với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng đã phải xin nghỉ hưu “non”, bỏ đi khỏi địa phương.

Chị Trần Thị Dung, một bán hàng nước ở thị trấn Ngô Đồng, gần nhà ông Úy cho biết: “Cách đây khoảng một tháng, thấy hàng chục “đầu gấu”, nghe nói từ tận Hải Phòng tìm về nhà ông Úy đòi nợ, công an phải đến can thiệp, mãi đêm nhóm đòi nợ thuê mới chịu đi”.

Trụ sở Kho bạc Nhà nước huyện Giao Thủy

Theo chị Dung, vợ chồng ông Úy, bà Gấm đều là cán bộ làm to trong huyện, nhưng “nổi tiếng” ở  thị trấn Ngô Đồng từ hàng chục năm nay về việc làm “cái họ”, tổ chức hụi và huy động tín dụng đen để cho vay với lãi xuất cao. “Vì ông Úy làm Giám đốc Kho bạc, vợ cũng làm cán bộ to nên hỏi vay dễ lắm. Bây giờ, nhiều nhà có tiền ở đây đang “méo mặt” vì cho vợ chống ông Úy vay tiền”.

Theo ông Phùng Đức Nhân, Chủ tịch MTTQ huyện Giao Thủy, ngay khi có nguy cơ vỡ nợ, vợ chồng ông Úy đã đồng loạt xin từ chức từ cuối tháng 7, đầu tháng 8. “Bà Gấm xin nghỉ việc tại MTTQ huyện Giao Thủy từ ngày 5/8, sau đó không có liên hệ với cơ quan”, ông Phùng Đức Nhân cho biết.

Một cán bộ ở MTTQ huyện Giao Thủy, nơi bà Gấm công cho biết, số nợ của bà Gấm “tính sơ sơ thì cũng phải trên 20 tỉ đồng”. Vị cán bộ này cũng cho biết “Rất nhiều cán bộ khối đảng, đoàn thể trong khu làm việc với MTTQ huyện Giao Thủy cũng tham gia hụi họ, đưa tiền cho bà Gấm. Cá biệt có người tích cóp tiền chuẩn bị mua xe ô tô, chuẩn bị xây nhà nhưng chưa được ngày, được tháng xây, mua xe nên đã đưa tiền cho bà Gấm cho vay lấy lãi, đến nay dù mất trắng tiền nhưng không ai dám nhận cho vay vì sợ ảnh hưởng đến uy tín”, vị cán bộ này cho biết thêm.

Trước khi trốn khỏi địa phương, ông Ngô Thái Úy cũng thừa nhận việc vay nợ, vỡ nợ. “Tôi cũng cho người ta vay nhưng giờ họ không trả nên tôi đang đi thu công nợ để trả cho mọi người. Đây là tiền của tư nhân, khi vay với lãi xuất cao khiến tôi không thể chịu được với hậu quả. Tôi nợ tiền của nhiều người nhưng nhiều người cũng nợ tiền của tôi”. Đến nay, nhiều chủ nợ tìm đến nhà riêng của ông Úy, bà Gấm ở thị trấn Ngô Đồng thì luôn trong tình trạng “cửa đóng then cài”, cả hai vợ chồng đều đi vắng, không biết đi đâu.

Kho bạc Nhà nước phủ nhận liên quan

Nhiều người dân ở thị trấn Ngô Đồng cho rằng, việc vợ chồng ông Úy, bà Gấm có thể huy động hàng chục tỉ đồng một cách dễ dàng xuất phát từ việc ông Úy đã hàng chục năm làm Giám đốc Kho bạc Nhà nước huyện Giao Thủy và bà Gấm là Phó Chủ tịch MTTQ của huyện.

Sự việc ông Ngô Thái Úy khá rõ ràng. Tuy nhiên, đến nay lãnh đạo Kho bạc Nhà nước huyện Giao Thủy và tỉnh Nam Định đều phủ nhận sự liên quan đến vụ việc này. Ông Nguyễn Thế Thắng, Giám đốc Kho bạc Nhà nước huyện Giao Thủy hiện nay cho biết: “Tôi mới được bổ nhiệm từ Kho bạc Nhà nước huyện Nam Trực về làm Giám đốc ở đây từ 1/8/2016. Khi về đây, tôi không nhận bàn giao từ ông Úy mà từ một Phó Giám đốc nên không biết việc trước đó như thế nào”.

Còn theo ông Vũ Văn Yên, Giám đốc Kho Bạc Nhà nước tỉnh Nam Định thì việc ông Úy được nghỉ hưu trước tuổi hoàn toàn vì lý do sức khỏe chứ không liên quan đến việc nợ nần. Theo ông Yên, vào giữa tháng 7/2016, ông Úy làm đơn xin nghỉ hưu trước tuổi. Sau khi có kết luận của Hội đồng Giám định Y khoa là ông Úy chỉ có 68% sức khỏe, Kho bạc Nhà nước tỉnh Nam Định quyết định cho ông Úy nghỉ hưu từ ngày 20/7, đồng ý để cho ông Ngô Thái Úy thôi giữ chức vụ Giám đốc Kho bạc Nhà nước Giao Thủy trực thuộc Kho bạc Nhà nước Nam Định từ ngày 23/7/2016 và có trách nhiệm bàn giao toàn bộ công việc theo chế độ quy định.

“Sau khi tiếp nhận đơn xin nghỉ hưu trước tuổi của ông Ngô Thái Úy vào ngày 16/7/2016, đến ngày 20/7/2016, Kho bạc Nhà nước Nam Định đã ra quyết định số 358/QĐ-KBNĐ về việc không đảm nhiệm giữ chức vụ Giám đốc đối với công chức để ông Úy nghỉ hưu trước tuổi, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo nguyện vọng cá nhân”, ông Yên nói.

Dù phủ nhận việc ông Úy có liên quan đến việc vỡ nợ nên phải xin nghỉ hưu sớm, nhưng Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh Nam Định lại hé lộ: “Trước khi ông Úy nghỉ hưu, chúng tôi đã kiểm tra, xác định ông ấy không liên quan đến vay, nợ tài chính, tiền bạc của đơn vị”.

Trái ngược với thái độ của Kho bạc Nhà nước, lãnh đạo huyện Giao Thủy lại rất quan tâm đến việc này. Ông Mai Thanh Long, Chủ tịch UBND huyện Giao Thủy cho biết: “Đến nay, UBND huyện và các cơ quan chức năng của huyện đều chưa nhận được bất kỳ đơn từ nào về việc này. Tuy nhiên, khi nghe thông tin từ dân là có chuyện đó (chuyện vỡ hụi - PV). Việc này tôi đã yêu cầu kiểm tra sự vụ. Sắp tới, huyện sẽ giao cho Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy xác minh với trường hợp bà Gấm là cán bộ, đảng viên thuộc diện huyện quản lý. Còn ông Úy là người do Kho bạc Nhà nước quản lý ”.

Đây không phải là vụ vỡ “hụi” đầu tiên liên quan đến công chức, quan chức ở Nam Định, trước đó đã có một số vụ tương tự xảy ra./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên