Sử dụng năng lượng tiết kiệm - cần phải tăng tính bắt buộc

VOV.VN - Cần phải tăng tính bắt buộc, tuân thủ quy định luật đối với những hộ trọng điểm lớn tiêu hao nhiều năng lượng.

Sáng 16/12, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tới dự và phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức về năng lượng, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả ngày càng cấp thiết. Do đó, cần phải tăng tính bắt buộc, tuân thủ quy định luật. Đặc biệt, những hộ trọng điểm lớn tiêu hao nhiều năng lượng, vừa phải đổi mới công nghệ vừa phải sử dụng tiết kiệm.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định, sau 5 năm thực hiện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn, quy chuẩn tiêu chuẩn khá đồng bộ, từ đó đề ra các chương trình hành động ngày càng hiệu quả hơn.

Thực tế giai đoạn 2011 - 2015, cường độ năng lượng của các ngành sản xuất công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng đều giảm dần như: ngành thép giảm 8,09%, xi măng 6,33%, dệt sợi giảm 7,32%. Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tiết kiệm 5,65% lượng điện tiêu thụ, tương đương tiết kiệm 11 triệu tấn dầu quy đổi, từ đó tiết kiệm được đầu tư.

Mặc dù vậy, vẫn còn những quy định pháp luật chưa sát thực tiễn. Nhận thức của cán bộ quản lý, công chức, viên chức, doanh nghiệp và người dân về vấn đề tiết kiệm năng lượng chưa cao. Nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu tiêu hao năng lượng lớn. Cơ cấu sử dụng năng lượng chưa hợp lý, còn những ngành còn sử dụng năng lượng chưa tiết kiệm như giao thông, xây dựng…Ngoài ra, công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý vẫn còn hạn chế.

Việt Nam không nằm ngoài xu hướng của thế giới là sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; thay đổi cơ cấu nguồn năng lượng, giảm dần năng lượng hóa thạch và tăng dần tỷ trọng năng lượng tái tạo; thúc đẩy công nghệ tiết kiệm lượng và có giá trị gia tăng cao. Thách thức về an ninh năng lượng tại Việt Nam là rất lớn. Từ năm 2017, Việt Nam bắt đầu nhập khẩu than. Từ năm 2030 ước tính sẽ phải nhập 80 triệu tấn than và phải nhập thêm khí hóa lỏng.

“Thực hiện tốt về tiết kiệm năng lượng sẽ giúp giảm giảm nhập năng lượng, tập trung tăng năng lượng tái tạo, giúp phát thải khí nhà kính. Việt Nam cũng đã cam kết mạnh mẽ về cắt giảm khí nhà kính, đây cũng là sức ép và thách thức với Việt Nam. Bộ Công Thương và các địa phương tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung thêm nội dung Luật, cũng như các văn bản dưới luật. Tiếp tục điều chỉnh theo hướng tập trung trách nhiệm quản lý, giám sát. Với chủ thể sử dụng năng lượng phải tăng tính bắt buộc, tuân thủ quy định luật. Đặc biệt, những hộ trọng điểm lớn tiêu hao nhiều năng lượng vừa phải đổi mới công nghệ vừa phải sử dụng tiết kiệm”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị.

Theo Bộ Công Thương, mặc dù cường độ năng lượng của Việt Nam giảm đáng kể trong giai đoạn 2011 – 2015 nhưng vẫn ở mức cao so với các nước trên thế giới, cao hơn 1,4 lần so với Malaysia và 5 lần so với Nhật Bản. Vẫn còn nhiều rào cản trong việc thực hiện tiết kiệm năng lượng.

Trong khi đó, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, tiềm năng tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam vẫn còn rất lớn, khoảng 25-40%. Xét về tổng thể, tiết kiệm năng lượng mang lại lợi ích lớn về kinh tế.

Tại hội nghị, một số ý kiến cho rằng, cần sớm xây dựng và ban hành định mức sử dụng năng lượng cho các ngành sản xuất tiêu thụ nhiều năng lượng; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ.

Bộ Công Thương kiến nghị cần có những sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Theo đó, cần bổ sung trách nhiệm của Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải trong việc quản lý phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng; điều chỉnh giá điện hợp lý, giảm dần việc trợ giá, bù chéo, để khuyến khích tiết kiệm điện.

Ông Đỗ Đức Quân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng – Bộ Công Thương cho rằng, các doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng tích cực đầu tư dự án tiết kiệm năng lượng thì thời gian hoàn vốn chỉ từ 2-4 năm.

“Cơ bản là nhận thức của người dân, doanh nghiệp về tiết kiệm năng lượng. Đẩy mạnh mô hình Công ty dịch vụ năng lượng để đầu tư vào các dự án tiết kiệm năng lượng thông qua hình thức ESCO, mang lại hiệu quả lớn. Ngoài ra công tác kiểm toán năng lượng tại các doanh nghiệp phải đẩy mạnh hơn nữa. Mỗi doanh nghiệp cần thuê kiểm toán năng lượng để có thể tiết kiệm năng lượng hơn và tăng năng lực cạnh tranh”, ông Quân cho biết./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Chưa có nhiều ưu tiên cho phát triển năng lượng tái tạo
Chưa có nhiều ưu tiên cho phát triển năng lượng tái tạo

VOV.VN - Giá thành sản xuất cao cùng một số rào cản chính sách khiến sử dụng năng lượng tái tạo ở Việt Nam chưa thực sự phát triển.

Chưa có nhiều ưu tiên cho phát triển năng lượng tái tạo

Chưa có nhiều ưu tiên cho phát triển năng lượng tái tạo

VOV.VN - Giá thành sản xuất cao cùng một số rào cản chính sách khiến sử dụng năng lượng tái tạo ở Việt Nam chưa thực sự phát triển.

Tìm giải pháp tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường
Tìm giải pháp tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường

VOV.VN - Đó là thông điệp của Hội chợ Triển lãm Quốc tế về Công nghệ năng lượng - Môi trường Hà Nội 2016 (ENTECH HANOI 2016).

Tìm giải pháp tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường

Tìm giải pháp tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường

VOV.VN - Đó là thông điệp của Hội chợ Triển lãm Quốc tế về Công nghệ năng lượng - Môi trường Hà Nội 2016 (ENTECH HANOI 2016).

Năng lượng xanh - bước tiến mới trong chương trình tiết kiệm điện
Năng lượng xanh - bước tiến mới trong chương trình tiết kiệm điện

VOV.VN - EVN SPC đã đưa vào vận hành 4 công trình tại các tỉnh Bình Thuận, Vĩnh Long và TP.Cần Thơ với sản lượng điện tiết kiệm hàng năm đạt 527.000 kWh.

Năng lượng xanh - bước tiến mới trong chương trình tiết kiệm điện

Năng lượng xanh - bước tiến mới trong chương trình tiết kiệm điện

VOV.VN - EVN SPC đã đưa vào vận hành 4 công trình tại các tỉnh Bình Thuận, Vĩnh Long và TP.Cần Thơ với sản lượng điện tiết kiệm hàng năm đạt 527.000 kWh.