Chiến lược “ngoại giao mạo hiểm” của Mỹ liệu có thành công?

Việc Mỹ sửa đổi đề xuất trao đổi tù nhân với Taliban được cho là một nỗ lực ngoại giao quan trọng nhằm mở đường cho các cuộc đàm phán hòa bình mới tại Afghanistan.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barak Obama mới đây đã tỏ thái độ “mềm mỏng hơn” xung quanh vấn đề trao đổi tù nhân với lực lượng Taliban. Theo đề xuất sửa đổi thỏa thuận mới, Mỹ sẽ trao trả các tù nhân Taliban từ nhà tù ở Vịnh Guantanamo, đổi lại, Taliban sẽ trao trả binh sĩ Mỹ đang bị bắt giữ.

Nếu được thực hiện, đây sẽ là một nỗ lực ngoại giao quan trọng của Mỹ nhằm góp phần “làm sống lại” các cuộc đàm phán hòa bình tại Afghanistan và tiến tới bình định quốc gia này trong bối cảnh quân đội Mỹ sẽ rút về nước vào năm 2014. Chiến lược ngoại giao mạo hiểm này của Mỹ có thể thành công hay không?

Tổng thống Obama và Tổng thống Karzai trong chuyến thăm Afghanistan của ông Obama vào tháng 5 vừa qua (Ảnh:AP) 

Theo Hãng tin Reuters của Anh, đề xuất mới của Mỹ là sẽ thay đổi cơ cấu của quá trình trao đổi 5 lãnh đạo cấp cao của Lực lượng Taliban đang bị giam giữ tại một nhà tù ở Mỹ đến quốc gia vùng Vịnh Qatar.

Theo đề xuất này, trước hết, Mỹ sẽ đưa 5 tù nhân Taliban đến Qatar, sau đó Mỹ sẽ yêu cầu Taliban phóng thích binh sĩ Bowe Bergdahl - tù nhân chiến tranh duy nhất của Mỹ bị Taliban bắt giữ tại Afghanistan vào tháng 6/2009.

Theo các nguồn tin nước ngoài, kế hoạch về sự thay đổi trong cơ cấu trao trả tù nhân đã được ông Marc Grossman - đại diện đặc biệt của Tổng thống Mỹ Obama thảo luận với các quan chức Qatar trong chuyến thăm tới nước này vào tháng 6 vừa qua.

Quan sát những gì đã và đang diễn ra, ai cũng hiểu rằng, Mỹ mới là nước đóng vai trò then chốt để có thể thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình tại Afghanistan. Thực tế cho thấy, tiến trình đàm phán hòa bình tại quốc gia Nam Á này, cho tới nay, vẫn chỉ “giậm chân tại chỗ”, và hầu hết các cuộc đàm phán giữa Taliban với chính quyền của Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai đều thất bại bởi thiếu sự tham gia trực tiếp của Washington.

Do đó, việc Mỹ sửa đổi đề xuất trao đổi tù nhân lần này được cho là một nỗ lực ngoại giao quan trọng nhằm mở đường cho các cuộc đàm phán hòa bình mới tại Afghanistan, bởi nó cho thấy “sự nhượng bộ đáng kể” từ phía Mỹ đối với lực lượng Taliban.

Hơn nữa, nếu đàm phán hòa bình được mở ra và tiến trình bình định Afghanistan hoàn tất thì không ai khác, Mỹ sẽ được hưởng “những cái lợi”, bởi khi đó, cuộc chiến hao người tốn của kéo dài hơn 10 năm nay của Mỹ coi như đã thành công, và hình ảnh cũng như sức mạnh trong cuộc chiến chống khủng bố của Washington cũng được “cứu vãn”. Đó là lý do tại sao Mỹ buộc phải lùi một bước để nhượng bộ Taliban.

Kế hoạch và mục đích là như vậy, song không dễ dàng để Mỹ có thể thực hiện nỗ lực này. Trở ngại trước hết đối với Mỹ là thỏa thuận trao đổi tù nhân đã vấp phải sự phản đối ngay ở chính nước Mỹ, thậm chí ngay cả trước khi nó chính thức được đề xuất. Bởi lẽ các tù nhân Taliban đang bị giam giữ tại Guantanamo đều là một trong những phần tử khủng bố nguy hiểm nhất.

Trong báo cáo được Uỷ ban Vũ trang Hạ Viện Mỹ đưa ra đầu năm nay, có tới gần 30% trong số 600 tù nhân được phía Mỹ trao trả cho chính quyền các nước như: Afghanistan, Saudi Arabia hay Yemen, được “khẳng định hoặc bị nghi ngờ” tiếp tục tham gia vào các hoạt động khủng bố. Điều này làm cho người dân Mỹ và ngay cả các nhà lập pháp nước này đều phải lo ngại.

Thêm vào đó, chiến lược ngoại giao này bị cho là “quá mạo hiểm”, bởi bất kỳ các cuộc đàm phán nào với Taliban, thậm chí chỉ là sơ bộ, cũng có thể gây ra những nguy cơ chính trị đối với Tổng thống Obama khi mà cuộc bầu cử Tổng thống tại Mỹ đang đến gần. Đó là chưa nói đến ngay cả khi Mỹ chấp nhận yêu cầu trao trả tù binh thì chưa chắc Taliban đã tôn trọng thỏa thuận và ngồi vào bàn đàm phán.

Rõ ràng, chính quyền của Tổng thống Obama đang thực hiện một chiến lược ngoại giao mạo hiểm, song việc này từ lâu đã được cho là một “bước lùi cần thiết” vì lợi ích của Afghanistan và của cả Mỹ.

Những nỗ lực này của Mỹ, nếu thành công, thì đây sẽ là chiến thắng lớn của chính quyền Obama, góp phần chấm dứt cuộc chiến kéo dài hơn 1 thập kỷ nay tại quốc gia Nam Á. Nhưng nếu thất bại, thì Afghanistan sẽ tiếp tục chìm trong bất ổn sau khi Mỹ và NATO rút quân khỏi nước này vào năm 2014. Khi đó, phiến quân Taliban càng có cơ hội để đánh bại chính quyền của Tổng thống Hamid Karzai vốn đang yếu ớt. Như vậy thì cuộc chiến hao người tốn của của Mỹ coi như “uổng phí”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên