Nhà văn Lê Văn Thảo - Một ngày và một đời

VOV.VN -1h sáng ngày 21/10/2016, nhà văn Lê Văn Thảo đã ra đi về miền xa ở tuổi 77, trọn vẹn cho mình “Một ngày và Một đời”, như tên tác phẩm nổi tiếng của ông.

Nhà văn Lê Văn Thảo tên thật là Dương Ngọc Huy, sinh ngày 1/10/1939 tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An; Thuở nhỏ sống ở Đồng Tháp Mười và Long Xuyên, An Giang. Ông học Khoa Toán- Đại học Khoa học Sài Gòn, thoát ly vào chiến khu chống Mỹ năm 1962 lên chiến khu làm công tác văn hóa văn nghệ.

Nhà văn Lê Văn Thảo.

Ông bắt đầu viết văn từ năm 1965 với đề tài nông thôn, chiến tranh du kích.Năm 1968, ông tham gia chiến dịch Mậu Thân ở Sài Gòn. Sau năm 1975 ông về công tác ở Hội nhà văn TPHCM.

Có thể nói, cùng với nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhà văn Anh Đức thì nhà văn Lê Văn Thảo được đánh giá là nhà văn có bút pháp điêu luyện. Bằng nhiều tác phẩm của mình, ông đã góp phần lớn cho diện mạo văn học Việt Nam, nhất là trong giai đoạn từng bước hội nhập với văn hóa thế giới, tạo sức hút mạnh mẽ đối với bạn đọc.

Không những thế, ông còn được xem là người có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển văn học của TPHCM thời kỳ mở cửa, cũng như là tấm gương điển hình sáng tác đối với thế hệ các nhà văn trẻ sau này.

Ông là một tài năng hiếm hoi trong làng văn học Việt Nam ở tuổi cao vẫn miệt mài sáng tác. Những tác phẩm văn học của ông cho đến bây giờ vẫn chiếm cảm tình của số đông các thế hệ bạn đọc như: "Đêm Tháp Mười" (1972), "Ông cá hô" (1995), "Một ngày và một đời" (1997), "Con mèo" (1999), "Cơn giông" (2002), "Truyện ngắn chọn lọc" (2003). Đặc biệt tập truyện ngắn cuối cùng của ông vừa viết xong ít tháng trước khi ra đi: “Nhỏ con, có chịu thôi đi không?” (2016).

Nhà văn Lê Văn Thảo và những sáng tác của mình.

Một ngày và một đời của nghiệp văn chương

Ông đã từng chia sẻ: “Văn chương với tôi là lẽ sống, là nỗi niềm, thân phận, lương tâm, những trải nghiệm cuộc đời và đôi điều suy tư từ những năm tháng sống tôi trải lòng với mọi người. Tôi viết từ những thực tế đã sống qua, đồng hành với nhân dân mình trong công cuộc lao động và chiến đấu. Tôi gần gũi nhiều hơn với những người bình thường, những người nghèo khổ, dân dã, những người có thân phận hẩm hiu, bất hạnh.

Tôi viết chậm rãi tự nhiên, coi lao động nghề văn cũng lao tâm khổ tứ như mọi nghề khác. Tôi viết từ thôi thúc của bản thân cũng là thôi thúc của cuộc đời. Được lao động sáng tác, được trăn trở, miệt mài trên trang viết với nhân vật, đó là hạnh phúc văn chương mang lại cho tôi.”

Nhà văn Lê Văn Thảo (phải) và Nguyễn Quang Sáng.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông đảm đương nhiều chức vụ trong lĩnh vực VHNT, từ Báo Văn nghệ đến Hội Nhà văn TPHCM, Hội nhà văn Việt Nam. Chính vì điều đó, ông có sự gắn bó sâu sắc với sự phát triển văn học nghệ thuật trong suốt một thời gian dài cho đến tận khi sức khỏe không cho phép.

Ông đi rất nhiều, gặp rất nhiều và từ đó cũng biết được rất nhiều những hiện thực của cuộc sống.Từ những hiện thực này, ông đưa vào tác phẩm của mình, giúp cho các tác phẩm luôn có tính chân thật của xã hội hiện tại.

Nhà văn Lê Văn Thảo nổi tiếng khó tính và nghiêm túc trong sáng tác của chính mình, các tác phẩm của ông luôn được nỗ lực hoàn chỉnh cao nhất có thể trước khi đến tay bạn đọc. Ông cho rằng sáng tạo là một quá trình liên tục và nhà văn phải có nghĩa vụ đem đến cho người đọc một công trình mà mình tin là hoàn chỉnh nhất.

Nhà văn Lê Văn Thảo sáng tác không nhiều nhưng đa dạng, từ truyện ngắn, ký đến tiểu thuyết… Nhưng nói đến ông, người ta nhắc nhiều đến truyện ngắn của ông, đến mức có người còn bảo trong số những cây bút còn đang sáng tác, Lê Văn Thảo có thể được xem là một trong những cây bút truyện ngắn xuất sắc nhất.

Cách viết truyện ngắn của Lê Văn Thảo cũng khác hẳn với những cây bút khác, những câu chuyện cực kỳ đơn giản, như chuyện diễn ra đời thường trong nhà, ngoài phố, nhưng qua cách “kể” của ông trở nên sinh động, trở thành mối quan tâm của nhiều người.

Tác phẩm của nhà văn Lê Văn Thảo theo nhiều nhận xét của các nhà lý luận phê bình văn học có ba yếu tố: Lạ- Nhạt- Thật. Nhưng qua cách kể chuyện của ông, mọi yếu tố lại biến đổi. Lạ, nếu không phải là tưởng tượng thì cũng phải khó lắm mới gặp trong cuộc đời nhưng ông kể chuyện lạ đó bằng một giọng văn đều đều, không ngạc nhiên, thành ra người đọc cảm tưởng chắc điều đó có thật trong cuộc đời.

Nhạt trở thành chủ thể trong sáng tác của ông, nhạt mà văn lại không nhạt. Đó có thể là cuộc đời của một diễn viên đóng thế, luôn khuất sau cái bóng của những người nổi tiếng, hay cuộc đời nấp tận xó cùng của một làng quê hẻo lánh… Nhưng khi chuyện kể hết, nhạt lại biến thành một nỗi buồn sâu thẳm thấm vào người đọc ám ảnh không nguôi.

Điều khiến cả cái lạ, cái nhạt lại gây xúc động với người đọc là cái thật. Một công việc tẻ nhạt, một con người tưởng rằng nhạt nhẽo, lặng lẽ nhưng là một số phận, phản ánh cả một xã hội với muôn hình muôn trạng.. Nó rất thật ở cuộc đời. Và vì thế nhiều tác phẩm của ông đã được dựng phim điện ảnh.

Quan niệm về nghề văn, ông nói: “Điều quan trọng nhất của nhà văn theo tôi là tính chân thực. Một chút phô trương, giả dối, làm dáng trong văn chương là hỏng. Nhà văn có tài là người biết bỏ cái gì chứ không phải viết cái gì. Nhà văn đâu chỉ nên miêu tả một cách khách quan, lạnh lùng về nhân vật và diễn biến sự việc,nhà văn phải biết lắng cảm xúc, có sự gạn lọc, không đứng ngòai, đứng trên sự thật, tác phẩm mới hay, thuyết phục được bạn đọc.”

Chiến tranh và hòa giải dân tộc là chủ đề chính

Nhà văn Lê Văn Thảo là nhân vật gắn liền với những giai đoạn lịch sử kháng chiến chống Mỹ. Ông gần như có mặt ở các chiến dịch lớn trong chiến tranh ở chiến trường Nam Bộ. Đặc biệt là chiến dịch Mậu Thân, ông là người trực tiếp chôn cất cho đồng đội của mình là nhà thơ Lê Anh Xuân, rồi cũng là người gặp gỡ nhà văn Nguyễn Thi trước khi vào cửa ngõ Sài Gòn tham gia chiến dịch. Ông cũng là người đã trực tiếp chôn cất cho người đồng đội nổi tiếng như soạn giả Trần Hữu Trang.

Có thể nói, những tác phẩm ông viết về chiến tranh đều rất ấn tượng, không chỉ như tường thuật cuộc chiến, mà còn khai thác những chiều sâu trong từng nhân vật cả “phe ta” và đối phương. Những tác phẩm văn học, nhưng thấp thoáng là sự ghi chép lịch sử ở chiều tâm hồn: “Một ngày và một đời” (1997), “Cơn giông” (2002), “Con đường xuyên rừng” (2006),

Tập truyện mới nhất của ông, “Nhỏ con có thôi đi không?”, viết trong những cơn đau của bệnh nan y, ngoài sự chứng tỏ sức chiến đấu kiên cường của người một đời cầm bút, không chỉ là những ưu tư ngàn đời của con người: từ đâu đến, đến để làm gì, rồi sẽ đi về đâu…  mà còn là một nỗi niềm đau đáu với đề tài chiến tranh,  hòa giải dân tộc.

Ông không chỉ nói về những xô đẩy của thời cuộc tác động lên con người, không dừng lại việc mô tả sự khốc liệt của chiến tranh với hậu quả cuộc chiến với những mảnh bom và những phận người sau chiến tranh cùng những tàn dư sót lại khi cuộc chiến đã kết thúc.

Như một cuộc đối thoại lớn về thân phận con người, về nhân dân và cả nhân loại. Từng con người, những con người, cả cộng đồng và lớn hơn nữa đã bị xô đẩy, bị lưu đày, bị lưu lạc khiến mất mình, tha hóa, vong thân.

Thấp thoáng trong tập truyện, như một suy tư, trăn trở, như một trách nhiệm của người cầm bút, ông đề cập đến sự bao dung, chấp nhận nhau, đối thoại chân thành để tìm kiếm sự hòa giải nhằm đạt đến sự hòa hợp của con người, nhân dân và nhân loại?

Sự ra đi của ông đối với văn học TPHCM nói riêng, văn học Việt Nam đương đại là một khoảng trống, nhất là với văn học đề tài chiến tranh cách mạng, văn học đề tài về người Nam Bộ, người Sài Gòn..

Cả một đời văn ông không hề hối tiếc sự lựa chọn của mình. Khi ông còn sống, tôi đã từng hỏi ông: “Nếu cho ông được chọn lại, ông có theo nghề văn chương?

Ông vui vẻ trả lời: “Tôi vẫn cứ chọn và theo đuổi nghiệp văn chương, là công việc hợp nhất với tôi. Tôi không thích ứng với vị trí một chính trị gia, một doanh nhân, hay một kỹ sư, nhà nghiên cứu khoa học… Số phận đã cho tôi thành nhà văn, người ghi chép hiện thực cuộc sống bằng ngôn ngữ. Tôi tự hào về nghề của mình, bằng lòng những gì tôi đã đạt được"./.

Sau năm 1975 ông về công tác ở Hội nhà văn TPHCM. Nguyên là Phó tổng biên tập tuần báo Văn Nghệ TP.HCM, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khoá 7 (2005-2010), Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM khoá 4 và 5 (2000-2010), Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM.

Giải thưởng văn học:
- Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1998 và 2003.
- Giải thưởng ASEAN năm 2006 với tiểu thuyết Cơn giông.
- Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.
- Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2012.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nhà văn Lê Văn Thảo qua đời
Nhà văn Lê Văn Thảo qua đời

Nhà văn Lê Văn Thảo, cây bút gạo cội trong dòng văn học Nam bộ vừa qua đời tại nhà riêng lúc 1h sáng ngày 21/10 sau một thời gian dài lâm bạo bệnh.

Nhà văn Lê Văn Thảo qua đời

Nhà văn Lê Văn Thảo qua đời

Nhà văn Lê Văn Thảo, cây bút gạo cội trong dòng văn học Nam bộ vừa qua đời tại nhà riêng lúc 1h sáng ngày 21/10 sau một thời gian dài lâm bạo bệnh.