Mở rộng phạm vi chống tham nhũng

Không hiếm những trường hợp khu vực tư chính là hầm trú ẩn, là “sân sau”, thậm chí “bể rửa tiền” của những quan chức có hành vi tham nhũng trong khu vực công. 

Dự thảo Tờ trình về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) do Thanh tra Chính phủ chủ trì xây dựng, Bộ Tư pháp họp thẩm định, đã mở rộng đáng kể phạm vi điều chỉnh so với trước đây, bao gồm cả việc xử lý người có hành vi tham nhũng; xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và xử lý tài sản, thu nhập không được giải trình một cách hợp lý.

Ngoài những đối tượng theo quy định của luật hiện hành, khái niệm “người có chức vụ, quyền hạn” cũng đã được bổ sung thêm đối tượng “người giữ chức vụ chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám đốc, trưởng ban kiểm soát, kế toán trưởng của công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư” và “chủ tịch, tổng thư ký, kế toán trưởng, trưởng ban kiểm tra của tổ chức xã hội”.

Ảnh minh họa: Internet

Về các hành vi tham nhũng, tuy cơ bản giữ nguyên quy định về các hành vi tham nhũng như luật hiện hành, song dự thảo luật đã được chỉnh lý, làm rõ cho phù hợp và đồng bộ với quy định của Bộ luật Hình sự về tội phạm tham nhũng.

Sự thay đổi này thể hiện tinh thần từng bước mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật đối với tổ chức, doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Phải nói rằng đây là một chủ trương hết sức đúng đắn. Tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước cũng đang diễn biến nghiêm trọng, phức tạp, nhưng lại chưa được Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) điều chỉnh. Nếu không đưa khu vực tư vào đối tượng điều chỉnh, kiểm soát thì việc PCTN trong khu vực công sẽ giảm đi hiệu quả đáng kể, bởi thực tế luôn tồn tại sự kết nối các mối quan hệ công - tư trong nhiều lĩnh vực một cách chặt chẽ, theo kiểu “bình thông nhau”.

Không hiếm những trường hợp khu vực tư chính là hầm trú ẩn, là “sân sau”, thậm chí “bể rửa tiền” của những quan chức có hành vi tham nhũng trong khu vực công. Việc PCTN sẽ không hiệu quả nếu bỏ qua khu vực tư; ngược lại, PCTN trong khu vực tư cũng chính là để PCTN trong khu vực công.

Bên cạnh đó, hiện nay Bộ luật Hình sự đã mở rộng phạm vi điều chỉnh bao gồm cả khu vực ngoài nhà nước (đối với 4 tội danh: tham ô, đưa hối lộ, nhận hối lộ và môi giới hối lộ), đồng thời quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 7-12-2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng đặt ra yêu cầu thống nhất quy định về hành vi tham nhũng giữa Bộ luật Hình sự và Luật PCTN. Công ước Liên hiệp quốc về chống tham nhũng cũng đặt ra yêu cầu PCTN trong khu vực tư. Chính vì vậy, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật PCTN đối với khu vực ngoài nhà nước là rất cần thiết.

Tuy nhiên, việc mở rộng cần đảm bảo tính khả thi, căn cứ vào thực trạng phát triển và yêu cầu quản lý đối với khu vực ngoài nhà nước cũng như khả năng kiểm soát đối với khu vực này. Do vậy, cơ quan soạn thảo đã lựa chọn phương án trước mắt bắt buộc áp dụng một số biện pháp PCTN đối với nhóm chủ thể bao gồm: công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và quỹ đầu tư.

Sở dĩ lựa chọn công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập và quỹ đầu tư để thực hiện trước, vì đây là nhóm chủ thể mà trong cơ chế quản trị và điều hành có sự phân tách rõ ràng giữa chủ sở hữu và người quản lý. Từ đó, người quản lý có nguy cơ lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để tham nhũng. Đối với các tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước khác, luật đưa ra quy định mang tính nguyên tắc về PCTN để thực hiện cho phù hợp với đặc thù hoạt động kinh doanh và quy định chế độ thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền quản lý ngành, lĩnh vực./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên