Trung tâm trưng bày văn hoá dân tộc Chăm: dấu ấn Chăm Pa cổ

VOV.VN - Đây là nơi lưu giữ những hình ảnh, hiện vật của vương quốc Chăm Pa cổ.

Ai đã về Bình Thuận, hẳn không thể không ghé thăm Trung tâm trưng bày văn hoá dân tộc Chăm thuộc địa phận làng Palei Dhaong Panan, nay là thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình. 


Bộ sưu tập hiện vật hoàng tộc quí giá
Kiến trúc nhỏ gọn, không quá cầu kỳ, tòa nhà trưng bày của Trung tâm vẫn nổi bật với những bức phù điêu, họa tiết cổ mang nét văn hóa Chăm. Các hiện vật ở đây được sắp xếp vào nhiều khu vực khác nhau nhằm làm nổi bật nét đặc sắc riêng của nền văn hóa trồng lúa nước của người Chăm cổ.

Điểm nhấn trong trưng bày của Trung tâm chính là khối tư liệu và hiện vật hoàng tộc với hơn 100 hiện vật quý gồm ấn kiếm, vương miện vua và hoàng hậu, trang phục, đồ dùng và những vật dụng cúng lễ như khay trầu, mâm lễ, lư đốt trầm… trong cung cấm của vương triều vua Pôklong Mơhnai, tại vị từ năm 1622 đến năm 1627- Một ông vua có công lớn trong việc xây dựng các con đập thủy lợi điều tiết nước phục vụ nông nghiệp.

Giá trị nhất là bộ vương miện làm bằng vàng (vương miện duy nhất còn lại của các vị vua Chăm ở Việt Nam), cao 19,5cm, đường kính 19,5cm, với những hoa văn chạm khắc hình tượng con Makara uốn lượn rất độc đáo. Bộ sưu tập này do dòng tộc bà Nguyễn Thị Thềm, hậu duệ của vua Chăm Po Klong Mơ Nai, lưu giữ suốt hơn 400 năm qua.
Bộ vương miện của Vua, Hoàng hậu.

Những hiện vật có giá trị được trưng bày tại Trung tâm giúp người xem có một cái nhìn toàn cảnh về di sản văn hóa phi vật thể của người Chăm, biểu hiện trên nhiều lĩnh vực như: nghệ thuật, dân ca, lễ nghi, phong tục, tập quán, hôn nhân... 

Trung tâm tọa lạc ngay trong làng Chăm của huyện Bắc Bình, một ngôi làng vẫn còn bảo tồn được bản sắc dân tộc cũng như nghề làm gốm truyền thống của đồng bào Chăm, đó là làng gốm Bình Đức.
Đồ đồng.

“Khi mới đi vào hoạt động, 289 hiện vật mà Trung tâm chúng tôi trưng bày đều là phiên bản. Đến nay, sau 5 năm chúng tôi đã mua, sưu tầm và được bà con hiến tặng được trên 300 hiện vật gốc có giá trị về niên đại để đưa vào thay thế các hiện vật phục chế, chiếm tới 60% tổng số hiện vật của Trung tâm” - Ông Lâm Tấn Bình, Giám đốc Trung tâm cho biết.
Gốm Chăm.

Bên cạnh việc quan tâm bổ sung hiện vật gốc thay thế hiện vật phiên bản, Trung tâm chú trọng việc sưu tầm tư liệu về các loại hình hoạt động văn hóa cổ nhằm minh họa cho nội dung trưng bày thêm sống động. Phòng chiếu phim ở đây đã giới thiệu tới du khách những thước phim tài liệu về lễ hội Ka Tê của người Chăm Bà La Môn; lễ hội Ramưwan và đám cưới của người Chăm Bà Ni ở huyện Bắc Bình; lễ hội đâm trâu của người Chăm ở Lạc Tánh, huyện Tánh Linh; lễ hội các họ tộc Đặng, Nguyễn của người Chăm tại xã Phan Hiệp và đám hỏa thiêu của người Chăm Bà La Môn. Những thước phim thể hiện khá sống động những giá trị văn hóa phi vật thể của người Chăm.

Một hoạt động mà Trung tâm coi trọng nữa là công tác truyền thông giá trị văn hóa Chăm ở trong và ngoài cộng đồng Chăm. Một đội ngũ cộng tác viên do Trung tâm xây dựng vừa truyền bá giá trị di sản vừa kiêm luôn công tác sưu tầm hiện vật và tài liệu văn hóa cổ của người Chăm trên địa bàn.

Ông Bố Xuân Hổ, Hội viên Hội văn nghệ dân gian Việt Nam, một cộng tác viên tích cực của Trung tâm cho biết: “Di sản văn hóa thì đã trưng bày rồi, điều cần làm là phải nói cho bà con hiểu rõ di sản đó. Người Chăm thường đi lao động cả ngày, ít có dịp tới đây, nhưng có dịp như lễ hội, hội diễn thì người Chăm thường vào đây để xem. Đó là dịp tốt để qua đó chúng tôi tuyên truyền về chế độ mẫu hệ của người Chăm trong thời đại mới; văn hóa ẩm thực Chăm; thế giới quan của người Chăm qua những huyền thoại hình thành vũ trụ… những bản sắc văn hóa dân tộc Chăm để bà con tự hào, từ đó nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy”.

Hướng tới điểm nhấn phục vụ khách du lịch

Với khuôn viên vỏn vẹn gần 3500m2, Trung tâm hiện nay quả là chật chội nếu muốn tiến hành phục dựng lại các loại hình văn hóa truyền thống theo hình thức sân khấu hóa như lễ hội áo dài, múa quạt, ca nhạc Chăm hay tổ chức những cuộc trưng bày theo chuyên đề ngoài trời. Chưa kể, với nguồn kinh phí hạn hẹp chưa đầy 150 triệu đồng/ năm trang trải cho tất cả các hoạt động của đơn vị, thì rất khó triển khai sâu một đề tài nào.

Việc chưa tận dụng được các yếu tố âm nhạc, mô hình điện tử, ánh sáng …phụ trợ cũng khiến cho các hạng mục trưng bày ở đây còn quá “tĩnh”, khô khan, chưa có yếu tố “động” hấp dẫn khách tham quan. Khâu trưng bày tổ chức thành nhiều khu vực khác nhau theo chủ đề là hợp lý, nhưng nếu kết hợp được với khung lịch đại, để người xem thấy rõ được diễn biến đời sống vật chất- tinh thần người Chăm qua các triều đại vua Chăm thì sẽ hấp dẫn người xem hơn. Xem ra, việc thực hiện nhiệm vụ được giao là trở thành điểm tham quan du lịch quan trọng của tỉnh khó thực hiện được. 
Những thanh kiếm cổ.

Ông Lâm Tấn Bình cho biết: “Chúng tôi đã tham mưu cho lãnh đạo Sở làm văn bản trình Hội đồng nhân dân tỉnh cho thu phí tham quan, phải tổ chức làm sao thu hút được lượng khách tham quan về đây; tổ chức một số loại hình lễ hội tại chỗ và truyền dạy một số loại hình văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một. Song song đó là phát triển thêm văn hóa ẩm thực theo yêu cầu du khách. Về lâu dài, chúng tôi cũng kiến nghị cấp trên cho mở rộng qui mô và phát triển hạ tầng khu Trung tâm này để có điều kiện trưng bày một số mô hình chuyên đề ngoài trời cũng như nâng tầm của Trung tâm”.

Những kiến nghị và dự định căn cơ đó là hợp lý nhằm xây dựng Trung tâm phát triển bền vững. Còn trước mắt, để trở thành một nơi vừa là trung tâm bảo tồn di sản Chăm, vừa là điểm nhấn của các tour du lịch lữ hành quả là điều khó khăn và thách thức của Trung tâm. Cả tỉnh Bình Thuận có 35/60 palei (làng Chăm) còn lưu giữ di sản văn hóa Chăm, nhưng việc tiến hành sưu tầm chỉ tính trên đầu ngón tay. Kinh phí hoạt động hạn hẹp khiến mục tiêu phấn đấu đến năm 2017 của Trung tâm là 100% hiện vật ở đây phải là “hiện vật gốc” thật khó thực hiện.
Cày và cuốc kiểu cổ.

Hạ tầng giao thông, dịch vụ ăn nghỉ ở Bắc Bình còn yếu khiến việc thiết kế các tour khách du lịch của các hãng du lịch lữ hành đến với Trung tâm chưa thực hiện được. “Khó khăn là thế nhưng chúng tôi vẫn phải tích cực làm, kinh phí ít ỏi thì phải tăng cường công tác dân vận, xã hội hóa khâu sưu tầm hiện vật di sản Chăm. Bởi vì di vật có gíá trị sẽ làm nên sức mạnh của Trung tâm “. Ông Lâm Tấn Bình nói./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nhà hát Sydney - Biểu tượng mạnh mẽ của thế giới hiện đại
Nhà hát Sydney - Biểu tượng mạnh mẽ của thế giới hiện đại

VOV.VN - Nhà hát Sydney là hình ảnh mang tính biểu tượng đầy mạnh mẽ của thế giới hiện đại và cũng là niềm tự hào của người dân Austraylia.

Nhà hát Sydney - Biểu tượng mạnh mẽ của thế giới hiện đại

Nhà hát Sydney - Biểu tượng mạnh mẽ của thế giới hiện đại

VOV.VN - Nhà hát Sydney là hình ảnh mang tính biểu tượng đầy mạnh mẽ của thế giới hiện đại và cũng là niềm tự hào của người dân Austraylia.

Chuyện về cây đào Tô Hiệu và Di tích lịch sử nhà tù Sơn La
Chuyện về cây đào Tô Hiệu và Di tích lịch sử nhà tù Sơn La

VOV.VN -Cây đào được mang tên Tô Hiệu vào năm 1945, khi cách mạng đã thành công, tượng trưng cho tinh thần đấu tranh kiên cường của một chiến sỹ cách mạng.

Chuyện về cây đào Tô Hiệu và Di tích lịch sử nhà tù Sơn La

Chuyện về cây đào Tô Hiệu và Di tích lịch sử nhà tù Sơn La

VOV.VN -Cây đào được mang tên Tô Hiệu vào năm 1945, khi cách mạng đã thành công, tượng trưng cho tinh thần đấu tranh kiên cường của một chiến sỹ cách mạng.

Thành phố cổ Chan Chan - Công trình bằng đất sét lớn nhất thế giới
Thành phố cổ Chan Chan - Công trình bằng đất sét lớn nhất thế giới

VOV.VN - Thành phố cổ Chan Chan là tổ hợp công trình bằng đất sét lớn nhất thế giới. 

Thành phố cổ Chan Chan - Công trình bằng đất sét lớn nhất thế giới

Thành phố cổ Chan Chan - Công trình bằng đất sét lớn nhất thế giới

VOV.VN - Thành phố cổ Chan Chan là tổ hợp công trình bằng đất sét lớn nhất thế giới. 

Chiêm ngưỡng Cung điện Versailles đẹp và lớn nhất thế giới
Chiêm ngưỡng Cung điện Versailles đẹp và lớn nhất thế giới

VOV.VN - Cung điện Versailles được đánh giá là cung điện đẹp và lớn nhất thế giới và được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1979. 

Chiêm ngưỡng Cung điện Versailles đẹp và lớn nhất thế giới

Chiêm ngưỡng Cung điện Versailles đẹp và lớn nhất thế giới

VOV.VN - Cung điện Versailles được đánh giá là cung điện đẹp và lớn nhất thế giới và được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1979.