Vì sao ban hành nhiều nhưng luật chậm đi vào cuộc sống?

VOV.VN - Mỗi kỳ họp Quốc hội ban hành nhiều văn bản luật nhưng tại rất nhiều cuộc
tiếp xúc, cử tri vẫn kiến nghị luật chậm đi vào cuộc sống.

Nhìn nhận vấn đề này chỉ ở góc độ nội dung văn bản luật đã thực sự đến với người dân chưa, người dân có hiểu luật không thì còn nhiều điều phải bàn. Nhiều ý kiến cho rằng chúng ta có luật tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhưng cũng không có mấy ý nghĩa. Đây là nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm.

Công tác phổ biến giáo dục pháp luật là khâu đầu tiên trong hoạt động thực thi pháp luật và có vai trò hết sức quan trọng trong việc tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì dân dân. Với ý nghĩa đó, trong nhiều năm nay, công tác này luôn được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nhưng thực tế kết quả và hiệu quả của công tác này còn rất hạn chế.

Văn bản pháp luật (Ảnh minh họa: Internet)

Nguyên nhân có thể thấy đó là nhận thức của một số Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương chưa thực sự đầy đủ. Việc huy động các nguồn lực về con người, cơ sở vật chất, kinh phí, phương tiện dành cho công tác này còn ít, nhất là ở vùng sâu, vùng xa trong khi hệ thống pháp luật ban hành ngày càng nhiều, nội dung đa dạng.

Theo đại biểu Y Mửi, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum thì việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật hiện nay chưa thực sự đa dạng về hình thức và phù hợp với bà con nhân dân, đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số.

Đại biểu Trương Minh Hoàng, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau nhận định: nhìn từ những vụ án nghiêm trọng thời gian qua cho thấy việc hiểu biết pháp luật của người dân rất hạn chế. Khi công tác tuyên truyền pháp luật chưa được thực hiện đến nơi đến chốn, khi việc thực thi pháp luật của các cơ quan nhà nước chưa nghiêm cũng là nguyên nhân dẫn đến vi phạm pháp luật có diễn biến phức tạp.

Bà Trương Thị Mai

Theo bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, việc đưa pháp luật tới người dân không chỉ trông chờ vào trách nhiệm chính của các cơ quan Nhà nước mà cần xã hội hóa hoạt động này.

“Việc phổ biến giáo dục pháp luật là từ phía các cơ quan nhà nước, tính xã hội hoá của hoạt động này không mạnh khiếu người dân thụ động trong việc tự thân tìm hiểu pháp luật”, bà Trương Thị Mai nói.

Tập trung các biện pháp nhằm nâng cao ý thức tự tìm hiểu pháp luật, tự giác chấp hành pháp luật của công dân đồng thời tăng cường xã hội hoá việc đưa kiến thức pháp luật tới người dân là điều cần quan tâm đúng mức và làm nghiêm túc. Bên cạnh đó cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động này để việc tuyên truyền thực sự có hiệu quả, không phải chỉ thực hiện hình thức, cho xong./.


Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên