Ngôi trường truyền lửa đam mê kỹ thuật ở miền Trung

VOV.VN - Cùng dòng chảy thời gian, ngôi trường này mang sứ mệnh đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật thuộc 5 lĩnh vực chuyên ngành.

Trường Trung học Thủy lợi 2, nay là trường Cao đẳng Công nghệ - Kinh tế và Thủy lợi miền Trung đã trải qua 40 năm hình thành và phát triển.

Cùng dòng chảy thời gian, ngôi trường này mang sứ mệnh đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật thuộc 5 lĩnh vực chuyên ngành là: thủy công, thủy nông, thi công, khảo sát địa hình và địa chất công trình Ngôi trường nằm trong lòng thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam - Di sản Văn hóa Thế giới. Vùng đất này thường xuyên chịu tác động của biến đổi khí hậu. Những đề tài nghiên cứu về bảo vệ bờ biển của nhà trường góp phần quan trọng cho việc chỉnh trị bờ biển, bảo vệ đô thị cổ Hội An.

Hội thảo quốc tế Việt Nam - Nhật Bản về Cửa sông do nhà trưởng phối hợp tổ chức với sự tham gia của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước.

Bãi biển Cửa Đại, Thành phố Hội An từng được chọn là một trong 10 bãi biển đẹp nhất hành tinh. Nhưng tình trạng xói lở và bồi lấp khu vực này ngày càng mất đi vẻ đẹp vốn có.

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, bờ biển bị lấn sâu vào khoảng 160m, nước biển ăn sâu vào tận các khu nghỉ dưỡng, phá hỏng cơ sở hạ tầng. Nhiều giải pháp đặt ra cho việc chỉnh trị bờ biển nhưng thiếu tính khả thi.

Để nghiên cứu cơ chế xói lở của biển Cửa Đại, cán bộ, giảng viên trường Cao đẳng Công nghệ - Kinh tế và Thủy lợi miền Trung cùng các nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế ứng dụng lắp đặt hệ thống Video Camera phục vụ cho việc giám sát diễn biến đường bờ biển Cửa Đại.

Hệ thống này có bộ phận thẻ nhớ lắp trực tiếp vào camera, đặt ở độ cao 11 mét, toàn bộ số liệu, dữ liệu được lưu trữ vào thẻ nhớ tạm thời, sau đó truyền vào máy chủ đặt tại trường.

Trên cơ sở đó, bộ phận chuyên môn của trường phân tích, giải đoán để tìm ra cơ chế, nguyên nhân gây xói lở đường bờ biển.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trung Việt, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ - Kinh tế và Thủy lợi miền Trung, để đưa ra giải pháp chỉnh trị tổng thể cho vùng cửa sông và bờ biển Quảng Nam, việc cấp bách là có một đề tài nghiên cứu tổng thể hơn mô phỏng một cách định lượng về các yếu tố gây xói lở, từ đó có thể lượng hóa giải pháp chỉnh trị cho toàn bộ vùng cửa sông và bờ biển.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết, các nghiên cứu của trường Cao đẳng Công nghệ - Kinh tế và Thủy lợi miền Trung đã phần nào “cứu nguy” bờ biển Cửa Đại.

“Hiện nay 3 km bờ biển Cửa Đại sạt lở như vậy thì việc quan tâm tìm ra các giải pháp tổng thể để ứng phó với hiện tượng khắc nghiệt của thời tiết. Trong quá trình đó, cùng với sự nỗ lực của các cấp chính quyền và người dân địa phương, Hội An rất may mắn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước thông qua nhiều cuộc Hội thảo, nghiên cứu, khảo sát thực tế, kể cả việc tác nghiệp khoa học tại khu vực sạt lở. Trong các nhà khoa học đó, Phó GS. TS Nguyễn Trung Việt là một trong những người rất tâm huyết.

Năm 2014, TS Việt cùng với các GS. TS trong và ngoài nước và GS người Nhật đã tiến hành một loạt các nghiên cứu trên thực địa, đồng thời lắp đặt một số camera chuyên dụng để đo đạt, tính toán và khảo sát dòng chảy từ giữa năm 2015 đến thời điểm hiện nay”.

Sạt lở ở bờ biển Cửa Đại - Hội An.

“Nghiên cứu tổng thể về cơ chế xói lở và đề xuất giải pháp phòng chống xói lở bờ biển Cửa Đại Hội An” là một trong nhiều đề tài do Trường Cao đẳng Công nghệ - Kinh tế và Thủy lợi miền Trung thực hiện. Với mục tiêu đào tạo cán bộ kỹ thuật thủy lợi trong điều kiện nền nông nghiệp nước nhà còn lạc hậu sau chiến tranh, tháng 6 năm 1976, Bộ Thủy lợi (nay là Bộ NN-PTNT) thành lập 3 Trường Trung học chuyên nghiệp trực thuộc Bộ, trong đó có Trường Trung học Thủy lợi 2 đặt tại Hội An.

Hơn 30 năm sau, trường này đổi tên thành trường Cao đẳng Công nghệ - Kinh tế và Thủy lợi miền Trung. Theo đó, nhiệm vụ của trường là đào tạo nguồn nhân lực ở trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp cho các ngành nghề thuộc lĩnh vực thủy lợi, cấp thoát nước, xây dựng, giao thông, kinh tế, quản lý đất đai, trung cấp chuyên nghiệp và 9 nghề bậc trung cấp nghề và sơ cấp nghề. 40 năm qua, đã có hơn 12.000 học sinh, sinh viên tốt nghiệp.

Nhà trường luôn quán triệt nguyên lý giáo dục “Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội”; Thực hiện công tác đào tạo kết hợp với sản xuất, gắn quá trình giảng dạy, học tập với nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất tạo ra sản phẩm phục vụ xã hội.

Hoạt động nổi bật của nhà trường là công tác khảo sát, lập dự án, thiết kế, thi công các công trình thủy lợi, cấp thoát nước, xây dựng dân dụng, thủy sản và xây dựng hạ tầng cơ sở.

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định, trường Cao đẳng Công nghệ - Kinh tế và Thủy lợi miền Trung đã đào tạo ra nguồn cán bộ kỹ thuật có chất lượng giúp tỉnh Quảng Nam và các địa phương miền Trung - Tây Nguyên hoàn thiện hệ thống hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn: “Chúng tôi đánh giá rất cao tâm huyết, trách nhiệm cũng như năng lực đào tạo của đội ngũ cán bộ, giảng viên của trường Cao đẳng Công nghệ - Kinh tế Thủy lợi miền Trung và các thế hệ học sinh của trường đã đóng góp rất tích cực cho tỉnh Quảng Nam từ trước đến nay. Tôi thấy rằng, chất lượng đào tạo của nhà trường tương đối tốt và bám sát thực tiễn nhu cầu của các địa phương khu vực miền Trung”.

Nhiều năm qua, Trường Cao đẳng Công nghệ - Kinh tế và Thủy lợi miền Trung luôn chú trọng hoạt động nghiên cứu khoa học, tham gia các đề tài khoa học cấp bộ, cấp tỉnh như: “Mô phỏng và dự báo xâm nhập mặn đồng bằng sông Cửu Long”; Phối hợp với chuyên gia quốc tế và trong nước triển khai nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu tổng thể về cơ chế xói lở và đề xuất giải pháp phòng chống xói lở bờ biển Cửa Đại, Hội An”.

Nhà trường còn ký kết hợp tác với Ban quản lý khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, thành phố Hội An về việc tham gia nghiên cứu đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị của khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm; tổ chức nhiều hội thảo lớn như: “Hội thảo quốc tế Việt Nam - Nhật Bản về Cửa sông, Bờ biển và Kỹ thuật sông”, Hội thảo quốc tế “Phát triển nông thôn và nông nghiệp bền vững - Kinh nghiệm của Đức cho các nước Đông Nam Á.

Nhiều giải pháp đặt ra cho việc chỉnh trị bờ biển vẫn đang tiến hành.

Cuối năm 2014, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trung Việt được Bộ NN-PTNT bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ - Kinh tế và Thủy lợi miền Trung. Đặt chân đến vùng đất Hội An, ông đã cùng các cán bộ, giảng viên, sinh viên của trường dành nhiều thời gian nghiên cứu,  tìm hiểu các nguyên nhân, cơ chế và giải pháp phòng chống xói lở cho biển Cửa Đại.

Ông cùng các cộng sự tranh thủ sự hỗ trợ, hợp tác từ các chuyên gia quốc tế đưa ra nhiều giải pháp hữu hiệu có tính khả thi. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trung Việt bày tỏ: “Trường Cao đẳng Công nghệ - Kinh tế và Thủy lợi miền Trung được xã hội chấp nhận, đánh giá cao, đặc biệt tại khu vực miền Trung - Tây nguyên.

Bởi vì sinh viên không chỉ được học tập trong môi trường về mặt hàn lâm, học thuật mà còn được thực tập thực tập ở các môi trường thực tế ở ngoài công trường, các đơn vị sản xuất và được học tập ở các công ty, xí nghiệp về nâng cao trình độ tay nghề về mặt kỹ thuật thiết kế, kỹ thuật nghề nghiệp, do đó phần lớn các kỹ sư, cử nhân tốt nghiệp ra được đơn vị tuyển dụng đánh giá cao”.

40 năm vui buồn cùng sự nghiệp “thủy lợi”, ngôi trường này đã đào tạo ra nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo, kỹ thuật góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn nước ta. Người đi trước “truyền lửa” cho thế hệ đi sau, cùng nhau góp sức ứng phó với biến đổi khí hậu, chung tay xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thầy trò xã đảo Sinh Tồn chuẩn bị khai giảng ở ngôi trường mới
Thầy trò xã đảo Sinh Tồn chuẩn bị khai giảng ở ngôi trường mới

VOV.VN -Năm học này đánh dấu mốc quan trọng với thầy trò xã đảo khi ngôi trường 2 tầng mới khánh thành sẽ chính thức được đưa vào hoạt động.

Thầy trò xã đảo Sinh Tồn chuẩn bị khai giảng ở ngôi trường mới

Thầy trò xã đảo Sinh Tồn chuẩn bị khai giảng ở ngôi trường mới

VOV.VN -Năm học này đánh dấu mốc quan trọng với thầy trò xã đảo khi ngôi trường 2 tầng mới khánh thành sẽ chính thức được đưa vào hoạt động.

Ngôi trường nơi thầy cô không ngày nghỉ
Ngôi trường nơi thầy cô không ngày nghỉ

(VOV) - Tại Trường dân tộc nội trú tỉnh Kon Tum, các thầy cô như những người cha mẹ, chỉ dạy các em nhiều điều trong cuộc sống.

Ngôi trường nơi thầy cô không ngày nghỉ

Ngôi trường nơi thầy cô không ngày nghỉ

(VOV) - Tại Trường dân tộc nội trú tỉnh Kon Tum, các thầy cô như những người cha mẹ, chỉ dạy các em nhiều điều trong cuộc sống.