Vì sao quan chức tài chính, ngân hàng G20 không có tiếng nói chung?

VOV.VN - Kết thúc hội nghị, quan chức các nước vẫn chưa thống nhất được nền tảng chung trong các cuộc thương lượng về thương mại toàn cầu và biến đổi khí hậu.

Để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới, trong 2 ngày 17 và 18/3 tại thành phố Baden (Đức) đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng tài chính và Thống đốc ngân hàng G20. Tuy nhiên, khi kết thúc hội nghị, quan chức các nước vẫn chưa thống nhất được nền tảng chung trong các cuộc thương lượng về thương mại toàn cầu và biến đổi khí hậu.

Từ quan điểm “khác lạ” của Mỹ…

Theo các nguồn tin tại Hội nghị, Mỹ đã tỏ rõ thiện chí sẵn sàng tham gia các cuộc thương lượng về thương mại. Washington khẳng định Mỹ không muốn khơi mào một cuộc chiến thương mại với các cường quốc thế giới.

Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng Trung ương tại Hội nghị G20 vừa diễn ra ở Đức. (Ảnh: Reuters)
Tuy nhiên, Washington vẫn chủ trương theo đuổi chính sách “mua hàng Mỹ, thuê người Mỹ”. Tại Hội nghi, Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tái khẳng định lập trường của Mỹ là sẽ làm mọi cách để bảo đảm quyền lợi công bằng cho người lao động Mỹ, bằng cách xem xét lại các mối quan hệ đối tác thương mại.

Vấn đề chống biến đổi khí hậu cũng trở nên bế tắc khi Mỹ phản đối nội dung về biến đổi khí hậu trong dự thảo tuyên bố chung của Hội nghị G20 lần này.

Trước đó, ngày 16/3, trong Dự thảo ngân sách năm tài chính 2018 của Mỹ, Tổng thống Trump cũng đề xuất cắt 30% quỹ môi trường nội địa và giảm sự đóng góp của Mỹ liên quan đến các chương trình chống biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc.

Giới phân tích đánh giá bài phát biểu của người đứng đầu Bộ Tài chính Mỹ, ông Steven Mnuchin, mang nhiều màu sắc của hòa đàm, thay vì một cuộc chiến “một mất một còn”.

Trước đó, cố vấn kinh tế của Nhà Trắng, ông Peter Navarro đã chỉ trích Đức và Trung Quốc là đã lợi dụng các đồng tiền trong nước giảm giá để tạo lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu và làm chênh lệch cán cân thương mại với Mỹ.

Được biết, trong nhiều năm qua, các nước thành viên G20 đã cam kết không định giá thấp tiền tệ, đồng thời chống lại “mọi hình thức bảo hộ thương mại”. Tuy nhiên, quan điểm của Mỹ và các nước khác vẫn tồn tại những khác biệt lớn về vấn đề thương mại mở và vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu.

Đến khó tìm tiếng nói chung…

Theo Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin, sự bất đồng giữa Mỹ và các nước tham dự hội nghị liên quan đến hai vấn đề bảo hộ thương mại và biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng đến tuyên bố chung khi kết thúc hội nghị.

Ông Mnuchin nhấn mạnh: “Chiến tranh thương mại không phải là điều Mỹ mong muốn”. Tuy nhiên, khi kết thúc 2 ngày thảo luận, quan chức tham dự Hội nghị này vẫn chưa thống nhất được nền tảng chung trong các cuộc thương lượng về thương mại toàn cầu, có thể phải đợi đến Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ nhóm họp trong vài tuần tới.

Được biết, ngay từ khi tranh cử và 2 tháng cầm quyền, ông Trump đã kiên trì chính sách “khác lạ” của mình. Ông chủ trương cứng  “rắn hơn” và sẽ dùng uy quyền của một cường quốc để áp đặt các hạn chế thương mại, trước hết là với Mexico và tiếp sau là Trung Quốc.

Ông Trump đã từng kêu gọi sử dụng sức mạnh của mệnh lệnh hành pháp để áp thuế 45% lên một loạt các mặt hàng nhập khẩu đến từ Trung Quốc, 35% lên các mặt hàng được sản xuất ở Mexico và từ 15% - 45% dành cho bất kỳ quốc gia nào được xem là “thao túng tiền tệ”.

Theo giới phân tích, các mức thuế bảo hộ này sẽ là bước khởi đầu cho một chuỗi sự kiện “mang tính hủy diệt”, gây ảnh hưởng không nhỏ đến các nhà sản xuất và tiêu dùng của cả Mỹ, thế giới và sẽ làm đứt các chuỗi cung ứng, gây đổ vỡ các mối quan hệ thương mại và cuối cùng có thể dẫn đến “chiến tranh thương mại”, mặc dù ông Mnuchin nói rằng, không muốn điều đó xẩy ra.

Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ước tính các chính sách thương mại của ông Trump có thể sẽ làm nước Mỹ mất đi 4 triệu việc làm và đẩy quốc gia này vào suy thoái, vì chính sách thương mại này sẽ tác động lên các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chẳng hạn, GE đang thuê khoảng 125.000 nhân viên ở Mỹ, các chi nhánh toàn cầu của công ty này đang mang lại việc làm cho hơn 300.000 người ở Trung Quốc và Mexico, là nơi mà công ty sản xuất các bộ phận, linh kiện, và phụ tùng thay thế cho một loạt sản phẩm của họ.

Hàng triệu mặt hàng (linh kiện) phải di chuyển qua lại giữa Mỹ, Trung Quốc, Mexico và các nước khác, trước khi sản phẩm hoàn thiện có thể “xuất xưởng” tại Mỹ, đây là những chuỗi giá trị sẽ bị giết chết, nếu chính sách mới của Mỹ được thực hiện.

Kịch bản này cũng sẽ được lặp lại ở các doanh nghiệp liên quan đến các công ty con có trụ sở ở Mỹ của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và những công ty đa quốc gia khác. Sẽ có hàng loạt việc làm bị mất đi trong các nhà máy sản xuất trên khắp nước Mỹ, khiến thu nhập trong các lĩnh vực khác có liên quan như dịch vụ, bán lẻ và bất động sản cũng sẽ bị thiệt hại.

Cũng theo giới phân tích, việc Mỹ hủy bỏ cam kết với TPP đã là một bước lùi cho oàn bộ các mạng lưới kinh doanh, dù đó là ở các nền kinh tế mới nổi ở châu Á hay ở những thị trường phát triển hơn.

Trong trường hợp, Mỹ áp thuế cao lên các hàng hóa Trung Quốc thì không chỉ tác động xấu đến nền kinh tế nước này mà còn gây thiệt hại nghiêm trọng đến mối quan hệ Mỹ - Trung và khả năng dẫn đến một “cuộc chiến” thương mại.

Trong bối cảnh đó, cả Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico… đều áp mức thuế riêng để tự vệ, điều này sẽ gây ảnh hưởng đến hàng loạt sản phẩm của Mỹ trị giá hàng trăm tỷ USD. Vì thế, “Bảo hộ thương mại và chủ nghĩa dân túy sẽ làm tổn thương tất cả mọi người”, chứ không chỉ một vài nước. Những điều kể trên, vẫn chưa được các chuyên gia tài chính của Mỹ và các thành viên G20 bàn thảo.

Như vậy, với chính sách kinh tế “khác lạ” ông Donald Trump đã đặt nền kinh tế toàn cầu trước ngưỡng cửa của cuộc “chiến  tranh kinh tế”, trước hết là giữa các nước lớn, mặc dù Mỹ nói rằng họ không muốn để xẩy ra điều đó. Tuy nhiên, theo giới phân tích để “nước Mỹ vĩ đại trở lại” chắc chắn ông Trump sẽ phải trở về với xu thế “tự do hóa thương mại” và “toàn cầu hóa kinh tế”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

G20 đánh giá cao những đóng góp thiết thực của Việt Nam
G20 đánh giá cao những đóng góp thiết thực của Việt Nam

VOV.VN - Các Bộ trưởng Ngoại giao G20 đều đánh giá cao sự tham gia tích cực của Việt Nam vào các hội nghị G20 với tư cách chủ nhà APEC 2017.

G20 đánh giá cao những đóng góp thiết thực của Việt Nam

G20 đánh giá cao những đóng góp thiết thực của Việt Nam

VOV.VN - Các Bộ trưởng Ngoại giao G20 đều đánh giá cao sự tham gia tích cực của Việt Nam vào các hội nghị G20 với tư cách chủ nhà APEC 2017.

Bế mạc G20 khẳng định vai trò cơ chế hợp tác đa phương
Bế mạc G20 khẳng định vai trò cơ chế hợp tác đa phương

VOV.VN - Sau 2 ngày họp, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã bế mạc tại thành phố Bonn(Đức).

Bế mạc G20 khẳng định vai trò cơ chế hợp tác đa phương

Bế mạc G20 khẳng định vai trò cơ chế hợp tác đa phương

VOV.VN - Sau 2 ngày họp, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã bế mạc tại thành phố Bonn(Đức).

Hội nghị G20: Khó tìm tiếng nói chung về tự do thương mại
Hội nghị G20: Khó tìm tiếng nói chung về tự do thương mại

VOV.VN - Những bất đồng không dễ hóa giải giữa Mỹ và các nước tham dự khiến hội nghị G20 rất ít khả năng đi tới một quyết định cụ thể nào về thương mại.

Hội nghị G20: Khó tìm tiếng nói chung về tự do thương mại

Hội nghị G20: Khó tìm tiếng nói chung về tự do thương mại

VOV.VN - Những bất đồng không dễ hóa giải giữa Mỹ và các nước tham dự khiến hội nghị G20 rất ít khả năng đi tới một quyết định cụ thể nào về thương mại.