Khủng bố Nice: Tại sao vẫn là nước Pháp?

VOV.VN - Câu hỏi này có lẽ ai cũng nghĩ đến đầu tiên khi nghe tin về bi kịch tại Nice, nhưng e rằng không ai có thể trả lời.

Nice có thể coi là thủ phủ của vùng Côte d’Azur, là bãi đáp đầu tiên của những du khách từ xa khi đến thăm vùng biển du lịch nổi tiếng thượng lưu bậc nhất ở Tây Nam nước Pháp.

Đáp máy bay xuống Nice và chỉ trong bán kính vài chục km, du khách có thể tỏa đi đến những địa danh nức tiếng trong phim ảnh: Cannes, Monaco, Saint-Tropez, Antibes, Menton… Bản thân Nice cũng là một thành phố đẹp với trái tim là khu phố cổ và đại lộ Promenade des Anglais (đường dạo bộ của người Anh) chạy dài 5km dọc bờ biển với những hàng cọ cao vút, khách sạn sang trọng và không khí hội hè tưng bừng. 

Thực ra Nice không yên bình như vẻ ngoài của nó. Ảnh chụp tại hiện trường vụ tấn công ở Nice vào sáng sớm 15/7. (ảnh: AFP).

Nhưng thực ra Nice không yên bình như vẻ ngoài của nó. Từ giữa năm 2014, Tòa đại hình Paris, nơi phụ trách các hồ sơ về khủng bố của Pháp, đã âm thầm thu thập dữ liệu để lập nên một bản đồ, tạm gọi là “bản đồ cực đoan” của nước Pháp. Việc này được thực hiện qua một thống kê và phân tích 238 vụ xét xử có liên quan đến các tội phạm loại này. Kết quả: không có bất cứ vùng nào của nước Pháp né được nguy cơ khủng bố.

3 vùng bị đe dọa nhiều nhất: Ile de France, với thủ phủ là thủ đô Paris; tỉnh Nord với thủ phủ Lille và tỉnh Alpes-Maritimes, với thủ phủ là Nice. Ở ba địa phương này, hồ sơ của các cơ quan an ninh ghi nhận mỗi nơi có ít nhất 200 phần tử cực đoan cần phải lưu ý. Điều mà nhiều người không rõ là liệu có bao nhiêu trong số này được xếp vào “Fiche S” (hồ sơ an ninh) và được giám sát chặt chẽ? Và liệu tên tài xế lái chiếc xe tải chết chóc tại Nice đêm qua có phải là một trong số những kẻ cần được theo dõi đặc biệt?

Câu hỏi đó dành cho các nhà điều tra, nhưng lịch sử các vụ Charlie Hebdo và 13/11 tại Paris năm ngoái cho thấy, hầu hết những kẻ khủng bố đều không phải xa lạ với cơ quan an ninh Pháp. Trong một số trường hợp, chúng từng bị kết án, bị theo dõi trong thời gian dài nhưng rồi ngay khi được đưa khỏi diện nghi vấn thì lập tức gây án. Đó là vấn đề của nguồn lực, khi các cơ quan an ninh Pháp phải hứng chịu áp lực công việc nặng nề và liên tục đối mặt với nguy cơ cắt giảm việc làm trong ngành. 

Nhưng trước mắt với Nice và toàn bộ nước Pháp, bi kịch trong đêm quốc khánh càng khiến cho bức tranh toàn cảnh thê thảm hơn. Nice không phải là một lựa chọn ngẫu nhiên của những kẻ khủng bố. Nice là đầu mối du lịch của vùng du lịch sang trọng nhất dành cho giới thượng lưu Pháp và thế giới. 

Tấn công vào Nice là tấn công vào dải bờ biển toàn các du thuyền hạng sang ở Côtes d’Azur đúng vào thời điểm mà mùa cao điểm du lịch chính thức bắt đầu. Du khách sẽ chùn chân khi đến Côtes d’Azur và nước Pháp mất đi những nguồn lợi kinh tế quan trọng.

Sau khi đánh vào đầu não chính trị-kinh tế Paris, những kẻ khủng bố đang chuyển hướng đánh vào những hình ảnh hào nhoáng vốn làm nên thương hiệu của nước Pháp.

Vấn đề là tại sao chính quyền Pháp lại bất lực trong việc ngăn chặn, không để những bi kịch này diễn ra liên tiếp? Một lần có thể là bất ngờ, hai lần vẫn có thể xem là bị động. Nhưng 3 vụ khủng bố đẫm máu trong vòng 18 tháng là một điều khó chấp nhận với toàn bộ hệ thống an ninh. Trong trường hợp này, câu nói nghiệt ngã của người Pháp “jamais deux sans trois” – “không bao giờ có lần 2 mà không có lần 3” lại đúng.

Giới chính trị gia và an ninh Pháp vẫn thường phân tích rằng “le risque zero” – “nguy cơ bằng không” là không tồn tại và vào bất cứ lúc nào, một cuộc tấn công khủng bố cũng có thể diễn ra. Điều này chính xác, bởi khủng bố là những kẻ nằm trong bóng tối và đa số đang hoạt động như những “con sói đơn độc” nên việc loại trừ hoàn toàn nguy cơ từ chúng là bất khả thi. Nhưng tăng cường các biện pháp an ninh để hạn chế thấp nhất thiệt hại khi sự việc diễn ra là điều có thể. Đáng buồn cho nước Pháp là bi kịch ở Nice đến đúng thời điểm mà sự cảnh giác của cả dân chúng lẫn lực lượng an ninh xuống ở mức thấp nhất trong vài tháng qua.

4 ngày trước, nước Pháp vừa kết thúc giải bóng đá EURO 2016 trong thở phào nhẹ nhõm vì không có vụ khủng bố nào diễn ra trong cả tháng trời. Ngay trước đêm chung kết, Bộ Quốc phòng Pháp thông báo khi EURO 2016 kết thúc, quân số tham gia chiến dịch Sentinelle bảo vệ an ninh trên toàn nước Pháp sẽ giảm từ 10.000 xuống 7.000 người. Theo kế hoạch, đến 26/7 tới nước Pháp cũng sẽ gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp được duy trì từ suốt tháng 11/2015 tới nay. Một sự thả lỏng là điều dễ nhận ra ở tất cả mọi người, đặc biệt trong đêm quốc khánh với dự kiến pháo hoa và lễ hội tưng bừng. 

Nước mắt và sự thương cảm có lẽ không còn đủ cho những bi kịch như thế này trên đất Pháp. Khi sự đổ máu diễn ra liên tiếp, sẽ là lô gich khi xuất hiện một chút cảm xúc chai lỳ, chán nản. Nhịp điệu của khủng bố và sợ hãi đã đi theo cuộc sống của dân Pháp trong suốt 18 tháng qua và khiến họ mệt mỏi. Giờ không phải lúc khóc thương sướt mướt mà là lúc đặt lại câu hỏi với chính quyền: các ngài phải làm gì đi chứ?

Trong thông điệp đầu tiên của mình, Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố nước Pháp sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chiến dịch chống khủng bố ở Syria và Iraq như là sự đáp trả cho các hành động tấn công vào nước Pháp. Nhưng đó có phải là chiến lược khôn ngoan và hiệu quả hay không thì còn phải mất nhiều tranh cãi.

Vì suốt nhiều năm, tháng qua, bom vẫn nổ ở Iraq, Syria và trong cùng lúc đó, máu cũng đã rơi không ít trên đất Pháp./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Giây phút kinh hoàng của các nhân chứng vụ tấn công ở Nice, Pháp
Giây phút kinh hoàng của các nhân chứng vụ tấn công ở Nice, Pháp

VOV.VN - Các nhân chứng vụ tấn công bằng xe tải ở Nice, Pháp không giấu được nỗi sợ hãi khi mô tả cảnh tượng ở hiện trường giống như “ngày tận thế”.

Giây phút kinh hoàng của các nhân chứng vụ tấn công ở Nice, Pháp

Giây phút kinh hoàng của các nhân chứng vụ tấn công ở Nice, Pháp

VOV.VN - Các nhân chứng vụ tấn công bằng xe tải ở Nice, Pháp không giấu được nỗi sợ hãi khi mô tả cảnh tượng ở hiện trường giống như “ngày tận thế”.

Trắng đêm tìm người Việt trong vụ tấn công đẫm máu ở Pháp
Trắng đêm tìm người Việt trong vụ tấn công đẫm máu ở Pháp

Cộng đồng người Việt ở Nice, đặc biệt là hội sinh viên Việt Nam ở đây đang thu thập thông tin để tìm kiếm nạn nhân người Việt nếu có trong vụ khủng bố.

Trắng đêm tìm người Việt trong vụ tấn công đẫm máu ở Pháp

Trắng đêm tìm người Việt trong vụ tấn công đẫm máu ở Pháp

Cộng đồng người Việt ở Nice, đặc biệt là hội sinh viên Việt Nam ở đây đang thu thập thông tin để tìm kiếm nạn nhân người Việt nếu có trong vụ khủng bố.

Các nhà lãnh đạo ASEM lên án vụ tấn công đẫm máu tại Pháp
Các nhà lãnh đạo ASEM lên án vụ tấn công đẫm máu tại Pháp

VOV.VN - Hội nghị Á-Âu lần thứ 11 (ASEM) ngày 15/7 tại Mông Cổ bắt đầu bằng 1 phút mặc niệm tưởng nhớ nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công ở Nice, Pháp.

Các nhà lãnh đạo ASEM lên án vụ tấn công đẫm máu tại Pháp

Các nhà lãnh đạo ASEM lên án vụ tấn công đẫm máu tại Pháp

VOV.VN - Hội nghị Á-Âu lần thứ 11 (ASEM) ngày 15/7 tại Mông Cổ bắt đầu bằng 1 phút mặc niệm tưởng nhớ nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công ở Nice, Pháp.

Các nước tăng cường an ninh sau vụ tấn công tại Nice, Pháp
Các nước tăng cường an ninh sau vụ tấn công tại Nice, Pháp

VOV.VN - Nhiều nước đã có các biện pháp tăng cường an ninh sau vụ tấn công tại thành phố Nice của nước Pháp, làm ít nhất 80 người thiệt mạng.

Các nước tăng cường an ninh sau vụ tấn công tại Nice, Pháp

Các nước tăng cường an ninh sau vụ tấn công tại Nice, Pháp

VOV.VN - Nhiều nước đã có các biện pháp tăng cường an ninh sau vụ tấn công tại thành phố Nice của nước Pháp, làm ít nhất 80 người thiệt mạng.