Tết của phóng viên thường trú xa Tổ quốc

VOV.VN - Xa quê, bất chợt thèm đến đắng lòng một tiếng “Tết đến rồi” nhưng ở nước ngoài Tết đã đến trong khung cảnh không Tết, người không Tết…

1.Tôi vẫn bảo với bạn bè rằng dù ở nước nào đó phát triển và sung sướng, nhưng ở Việt Nam vẫn là nhất. Ở đây mình mới cảm thấy trọn vẹn mình là người Việt Nam và thực sống cho mình.

Cũng đã sơ sơ bóp vụn vỡ nỗi nhớ quay quắt, hít hà hương vị Tết Việt từ xứ người vài lần. 15 năm trước đã từng xa Cha, xa Mẹ ở xứ người. Lần đầu tiên ấy nước mắt đã lã chã rơi, thắp nén hương bên ban công (vì không có bát hương) mà thấy lòng cô đơn khủng khiếp, muốn vứt bỏ tất cả quay về với ảnh Mẹ trên bàn thờ, nắm lấy vai Cha gầy guộc, run rẩy nỗi nhớ con. Vật chất thật là thứ phù du, chỉ mong chị gái bóc những hạt ngô nướng đã khô đen, nhấp miệng nhưng thơm tình gia đình chiều 30 Tết.

Đón Tết đơn giản tại Cơ quan thường trú.
Nghe có vẻ sến sẩm, nhưng ai đã trải qua, mới thấy đó là sự nếm trải mà không ai muốn thử. Có trải qua những thời khắc vinh quang có, hạnh phúc có, cay đắng có trên đất nước của người khác mới thấy giá trị của giây phút “an cư” đó như thế nào. Vài năm về trước ai đó đã đưa ra dự định “Bỏ Tết âm đón Tết dương”, theo văn hóa châu Âu.

Với Tôi dù thế nào đi chăng nữa, tôi vẫn đạp xe lùng trên phố Tokyo mua vài chít đào khẳng khiu, trụi lá, đặt vài cái bánh chưng mang mùi ẩm thực nhà người ta, để mà đón Tết Việt bằng cách gom góp kí ức, gom góp nỗi nhớ, gom góp cái không khí đượm mùi hoa đào, hoa quất làm món nhắm với ly rượu vang nhạt thếch.

Tết Việt dù sao vẫn là văn hóa, vẫn là cái tình cái nghĩa của con người. Xa quê, nhìn dòng người cứ nườm nượp trên phố, bất chợt thèm đến đắng lòng một tiếng “Tết đến rồi”. Nhưng lạ quá, chỉ vẳng lại tiếng còi xe, ai đó huých vào vai mình đâu điếng. Tết đã đến nhưng trong khung cảnh không Tết, người không Tết.

2. Thực ra, do là Cơ quan bên cạnh Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, nên chúng tôi vẫn tham gia những hoạt động chung. Thường thì cứ dịp Tết đến, hai hoạt động đều gắn với Đại sứ quán Việt Nam tại các nước là Tết Ngoại giao và Tết Cộng đồng. Tết Ngoại giao là Tết dành cho đối tác Bạn, mời các bạn đến để thưởng thức không khí, giới thiệu Tết truyền thống và thưởng thức ẩm thực Việt Nam.

Còn Tết cộng đồng là Tết dành cho cộng đồng người Việt Nam tại nước sở tại. Đây là hai hoạt động không thể thiếu và được nhiều người Việt Nam trông đợi cả năm. Chỉ có những phút giây này mọi người mới từ các nơi tụ hội về, hân hoan, mừng mừng tủi tủi. Bản thân chúng tôi không chỉ có trách nhiệm đưa tin, nói hộ tiếng lòng của bà con Việt Kiều tại Nhật Bản, mà tại những buổi gặp như thế này, chúng tôi cũng cảm thấy ấm lòng hơn.

Do Nhật Bản đón Tết dương lịch, mà Tết âm lịch của Việt Nam thường thì vào cuối tháng 2 của năm sau, nên những hoạt động đón Tết ở đây chỉ gói gọn trong cộng đồng Việt. Tuy đón Tết, nhưng trong không khí toàn Nhật Bản vẫn là những ngày làm việc bình thường, nên sự hân hoan, thiêng liêng cũng chỉ chia sẻ được với một số ít người bạn Nhật thân thiết và yêu mến Việt Nam. Sau những phút gặp nhau như vậy, chúng tôi lại bắt đầu một ngày làm việc mới, đôi lúc chợt lãng quên đi rằng hôm nay là Tết Việt Nam.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng có bàn thờ nho nhỏ, bày cúng vọng tổ tiên chiếc bánh chưng, bát miến măng… Cũng may, Nhật Bản dịp này đã có hoa anh đào, nên cũng dâng bày thêm cành hoa đào nhỏ, thắp thêm nén hương, cũng đủ hít hà cái dư vị Tết mà chỉ có thể có ở nơi mình sinh ra.

Cũng có năm Đại sứ quán được Việt Kiều tặng cả con lợn. Chiều 30 Tết, mấy bạn bên nhóm Quân vụ khéo tay, xẻ thịt, đánh tiết canh, rất thành công với “Hợi 7 món”. Cánh Nhà báo hồ hởi cái dạ, đánh chén cố hô to: “Chúc mừng năm mới”, xéo mắt qua phông chữ “Mừng Xuân...”. Lòng cũng Xuân. Nói chung đơn giản, gọn nhẹ.

Sáng mùng 1, chúng tôi cũng lên Chùa. Sau đó, tản mát, thăm hỏi, chúc mừng những người bạn Việt Nam thân thiết. Có những năm bạn bè về Việt Nam đón Tết gần hết, bèn “tóm cổ” mấy ông bạn Nhật, đãi “Tết Việt”. Lúc ngà ngà say, hắn lại bảo “Trông vợ mày xinh hơn vợ tao”. Thật hết Tết. Bèn vớt vát “Tao thích cái duyên của vợ mày”. May mà hắn say, mình cũng say.

3. Tính đến tháng 11/2016, cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản có khoảng hơn 180.000 người, trong đó gần 60.000 là du học sinh, gần 80.000 là thực tập sinh, lao động. Ngoài ra là những người học tập ngắn hạn, chuyên gia,… Lần đầu tiên trong nhiều chục năm qua, số lượng du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản đã vượt Trung Quốc, và số thực tập sinh, lao động tăng gấp 5 lần so với năm 2010.

Sở dĩ tôi đưa ra số liệu trên đây là vì mỗi khi Tết đến, chúng tôi lại có dịp trải nghiệm việc đón Tết Việt của các em-số lượng chiếm đa số người Việt Nam tại Nhật Bản. Tại đây, có lẽ chúng tôi muốn chia sẻ với các em nhiều hơn là đưa tin, làm phóng sự.

Do Tết Việt lệch thời gian so với Nhật Bản, nên không khí Tết rất ít. Tết có lẽ vẫn chỉ lắng đọng trong ký ức, đến lúc ùa về với cảm xúc nhớ về cội nguồn. Đầy hay vơi cũng tùy mỗi người. Riêng đối các em du học sinh, thực tập sinh, lao động vẫn phải đi làm, đi học bình thường. Du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản hầu hết ngoài giờ đi học, các em đều đi làm thêm theo qui định của Nhật Bản là 28 giờ/tuần. Còn thực tập sinh, lao động vẫn phải vào ca.

Do vậy, Tết của các em hầu như chỉ là tranh thủ thời gian rỗi, tụ tập bạn bè, nấu vài món ăn Việt Nam, cũng có bánh chưng, nem rán, tán vài 3 câu chuyện, xong lại trở về công việc của mình. Nếu em nào có điều kiện hơn sẽ được đón Tết cùng gia đình tại Việt Nam.

Mùng 1 Tết 2016, tôi đến thăm em V.Q (quê ở Hà Nam, từng học đại học Công nghiệp Hà Nội) gần ga Yotsuya, Tokyo. Em mới sang được 1 tháng, ở chung phòng với nhóm bạn Việt Nam cũng sang học tiếng cùng đợt với em. Căn phòng rộng khoảng chưa đầy 20 mét vuông, với 5 giường tầng cho 10 em.

Tôi tưởng tượng không gian còn hẹp hơn khi tôi ở ký túc xá Đại học Tổng hợp. Phòng trống chỉ có mình em tiếp tôi. Nhìn xung quanh cũng chẳng trang trí gì. Em hồn nhiên bảo tôi rằng ngoài giờ học bọn em đều tranh thủ đi làm thêm, nên hầu như chẳng ai có nhà. Tết âm lịch Việt Nam tuy nhớ nhà, nhưng gọi điện, mừng mừng tủi tủi một lúc với người thân, rồi cũng phải trở về thực tại. Không biết trong giấc mơ của cậu học trò có bóng dáng Mẹ đang sắm bữa cơm tất niên, lòng nhớ về đứa con đang trên con đường tạo dựng tương lai.

Em H, quê ở Phú Thọ, đã xây dựng gia đình. Em là lao động phái cử tại Nhật đã mấy năm. Em đã cưới chồng, nhưng chưa có con. Chồng em đã hết thời hạn lao động, nhưng vẫn cứ bám trụ tại Nhật Bản. Hai vợ chồng chỉ nghĩ làm thêm vài năm nữa, có ít vốn quay về Việt Nam. Nhưng chồng H không còn visa, hộ chiếu cũng hết hạn. Kiếm việc làm thêm đã khó khăn, ngoài ra cũng không dám đi đâu, chỉ sợ bị cảnh sát bắt.

Nhưng rồi cũng bị bắt. H nhờ tôi giúp. Vừa thương vừa giận, nhưng Tôi vẫn nhờ Đại sứ quán làm giấy thông hành cho chồng H về nước. Vợ xa chồng, chồng xa Vợ. Có lẽ Tết này là Tết hai vợ chồng rất buồn. Và chưa biết Tết nào các em có thể đoàn tụ.

Và đã mấy Tết rồi, Tôi đều xuống tận chỗ các em du học sinh, thực tập sinh, lao động phái cử, không chỉ để lấy tư liệu viết bài, mà chỉ để uống với các em một tách cà phê, trò chuyện, kể về những kỷ niệm thời học trò đón Tết ra sao.

Các em cũng rất ngạc nhiên sao cái thời của Tôi thích Tết đến vậy, bởi chỉ có Tết mới được ăn bánh chưng, chỉ có Tết mới được mặc cái áo đẹp nhất. Các em cũng không hình dung ra được Tết Việt mấy chục năm về trước ra sao. Và có lẽ Tết trong các em phần nào cũng đã bị nhạt nhòa bởi cuộc sống kim tiền, bởi trách nhiệm đè nặng trên vai khi đi du học, lao động nơi xứ người.

Có cũng phải mấy năm nữa mới được đón Tết tại Việt Nam. Cũng vì vậy, tôi lại có cảm giác háo hức đón Tết, chờ đợi được đónTết. Có khi nào tất cả chúng ta lại có cảm xúc như tôi, mong Tết đến!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tết Việt trong ký ức bạn Lào
Tết Việt trong ký ức bạn Lào

VOV.VN - Mỗi khi đến Tết cổ truyền của người Việt Nam những người bạn Lào thân thiết lại bồi hồi nhớ về những tình cảm thân thương với bạn bè Việt Nam.

Tết Việt trong ký ức bạn Lào

Tết Việt trong ký ức bạn Lào

VOV.VN - Mỗi khi đến Tết cổ truyền của người Việt Nam những người bạn Lào thân thiết lại bồi hồi nhớ về những tình cảm thân thương với bạn bè Việt Nam.

Bữa cơm tất niên lưu giữ những giá trị của tết Việt
Bữa cơm tất niên lưu giữ những giá trị của tết Việt

VOV.VN - Với người Việt Nam, bữa cơm chiều 30 Tết rất được coi trọng. Và với người xa Tổ quốc, bữa cơm này lại càng khơi gợi những cảm xúc cồn cào da diết hơn.

Bữa cơm tất niên lưu giữ những giá trị của tết Việt

Bữa cơm tất niên lưu giữ những giá trị của tết Việt

VOV.VN - Với người Việt Nam, bữa cơm chiều 30 Tết rất được coi trọng. Và với người xa Tổ quốc, bữa cơm này lại càng khơi gợi những cảm xúc cồn cào da diết hơn.

Bạn bè Nga với Tết Việt
Bạn bè Nga với Tết Việt

VOV.VN - Tết cổ truyền của Việt Nam với những phong tục, truyền thống độc đáo đã làm cho nhiều người bạn Nga rất thích thú.

Bạn bè Nga với Tết Việt

Bạn bè Nga với Tết Việt

VOV.VN - Tết cổ truyền của Việt Nam với những phong tục, truyền thống độc đáo đã làm cho nhiều người bạn Nga rất thích thú.