Những thông tin cơ bản cần biết về Hợp chúng quốc Hoa Kỳ

VOV.VN - Mỹ là nước Cộng hòa Liên bang, theo chế độ tam quyền phân lập.

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 23 - 25/5/2016. 

Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Tổng thống Barack Obama và là chuyến thăm của Tổng thống Mỹ thứ ba tới Việt Nam kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995 (sau Tổng thống Bill Clinton - năm 2000 và Tổng thống George W.Bush - năm 2006).

Trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Obama, cùng VOV.VN điểm lại những thông tin cơ bản về Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.

Điện Capitol tại thủ đô Washington.

Tên chính thức: Hợp chúng quốc Hoa Kỳ (United States of America), thường gọi là Mỹ, gồm 50 bang và đặc khu Colombia (tức là thủ đô Washington, D.C.) hợp thành.

2. Vị trí địa lý: Nằm ở Tây bán cầu; Bắc giáp Canada; Nam giáp Mexico và vịnh Mexico; Đông giáp Đại Tây Dương; Tây giáp Thái Bình Dương; bang Alaska nằm phía Tây bắc Canada, quần đảo Hawaii nằm ở Thái Bình Dương.

3. Diện tích: 9.826.675 km2; đứng thứ 3 thế giới sau Nga, Canada.

4. Dân số: 320 triệu người (đến 4/2015), đứng thứ 3 thế giới sau Trung Quốc và Ấn Độ. Về cơ cấu dân số, người Mỹ da trắng chiếm 77,7%; da đen: 13,2%; gốc Châu Á: 5,3%; thổ dân Mỹ và Alaska: 1,2%; thổ dân Hawaii và các quần đảo Thái Bình Dương thuộc Mỹ: 0,2%, các nhóm người khác: 2,4%. Tăng trưởng dân số hàng năm: khoảng 0,7% (trong đó 30% là nhập cư).

5. Đơn vị tiền tệ: USD (đô la Mỹ).

6. Tôn giáo: Tin lành: 51,3%; Cơ đốc giáo La Mã: 23,9%; Do thái: 1,7%; Các đạo khác: 4,7%; Không theo đạo nào: 16,1%.

7. Ngôn ngữ: chính thức là tiếng Anh; các cộng đồng lớn nói tiếng Tây Ban Nha, Pháp và nhiều ngôn ngữ khác (theo xuất xứ nhập cư).

8. Ngày Quốc khánh (ngày Tuyên ngôn Độc lập): 4/7 (năm 1776).

Khái quát về lịch sử:

Năm 1492, Christopher Columbus phát hiện Châu Mỹ.

Năm 1607, người Anh bắt đầu đặt chân lên Châu Mỹ và lập hệ thống thuộc địa ở hầu hết lãnh thổ Bắc Mỹ. Các nước Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan chiếm các vùng còn lại.

Năm 1775, cuộc đấu tranh giành độc lập nổ ra. Ngày 4/7/1776, các nhà cách mạng Mỹ công bố "Tuyên ngôn Độc lập", tách Mỹ khỏi Đế quốc Anh, thành lập Hợp chúng quốc Mỹ gồm 13 bang. Năm 1783, Anh ký Hiệp định Versailles thừa nhận nền độc lập của nước Mỹ.

Ngày 7/9/1787, Hiến pháp Liên bang đầu tiên của Mỹ được thông qua và đến 4/3/1789 có hiệu lực. George Washington được bầu là Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ.

Sau cuộc nội chiến 1861 - 1865, Mỹ củng cố nền độc lập, phát triển kinh tế và mở rộng ảnh hưởng ở Tây bán cầu. Cuối thế kỷ 19, Mỹ trở thành nước tư bản chủ nghĩa hàng đầu thế giới, bắt đầu tranh giành thuộc địa, mở đầu bằng cuộc chiến tranh Mỹ - Tây Ban Nha (1898 - 1899).

Sau Chiến tranh thế giới II, Mỹ trở thành đế quốc mạnh nhất, tiến hành chiến lược toàn cầu khống chế các nước tư bản chủ nghĩa, ngăn chặn Chủ nghĩa Xã hội và phong trào giải phóng dân tộc. Mỹ đã can thiệp trực tiếp vào hai cuộc chiến tranh cục bộ ở Triều Tiên (1950 - 1953) và Việt Nam (1964 - 1975). Thất bại trong chiến tranh ở Việt Nam đẩy Mỹ vào thời kỳ suy yếu tương đối trong khi Tây Âu và Nhật Bản phát triển. Mỹ dồn sức củng cố thực lực đồng thời tiếp tục thúc đẩy chạy đua vũ trang với Liên Xô.

Sau khi Liên Xô sụp đổ (1991), Chiến tranh Lạnh và trật tự thế giới hai cực kết thúc, Mỹ trở thành siêu cường duy nhất có sức mạnh toàn diện về kinh tế, quân sự. Kể từ đó, Mỹ trong quá trình điều chỉnh chiến lược và tìm cách xây dựng trật tự thế giới mới phù hợp với thế và lực của Mỹ.

Sự kiện khủng bố tấn công Trung tâm thương mại quốc tế 11/9/2001 và khủng hoảng kinh tế 2008 - 2009 đã tác động lớn đến đời sống chính trị, an ninh, kinh tế - xã hội Mỹ, cũng như cách nhìn nhận và quan điểm của Mỹ về các vấn đề này, do đó tác động đến việc điều chỉnh chính sách đối nội và đối ngoại của Mỹ.

Về chính trị:

Mỹ là nước Cộng hòa Liên bang, theo chế độ tam quyền phân lập. Theo Hiến pháp Mỹ, quyền lập pháp thuộc về Quốc hội, quyền hành pháp thuộc về Tổng thống và quyền tư pháp thuộc về Toà án tối cao. Các cơ quan nhà nước liên bang Mỹ hoạt động trên nguyên tắc ‘kiềm chế và đối trọng’ (check and balance), trong đó Hiến pháp Mỹ quy định quyền cụ thể của một cơ quan để kiểm soát chéo hai cơ quan còn lại. Hiến pháp Mỹ quy định rõ các quyền thuộc về nhà nước liên bang và chính quyền tiểu bang, trong đó các chính quyền tiểu bang có nhiều quyền hạn lớn.

Mỹ theo chế độ đa đảng, Đảng Dân chủ (thành lập năm 1828) và Cộng hòa (thành lập năm 1854) thay nhau nắm chính quyền. Từ sau Chiến tranh thế giới II, đã có 9 nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ thuộc Đảng Dân chủ và 9 nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ thuộc Đảng Cộng hòa.

1. Chính phủ Liên bang: Tổng thống nắm quyền hành pháp, có quyền hạn của nguyên thủ quốc gia, tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang. Tổng thống có quyền phủ quyết các điều luật do Quốc hội thông qua và để đảo ngược quyền phủ quyết của Tổng thống cần 2/3 số phiếu của cả hai viện của Quốc hội. Nhiệm kỳ Tổng thống dài 4 năm. Kể từ 1951, mỗi Tổng thống chỉ được cầm quyền tối đa 2 nhiệm kỳ. Tổng thống bổ nhiệm các Bộ trưởng, Thứ trưởng và Trợ lý Bộ trưởng và phải được sự đồng ý của Thượng viện.

Tổng thống hiện nay là Barack H. Obama (Tổng thống thứ 44, tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ II ngày 20/1/2013) và Phó Tổng thống Joseph Biden. Nội các mới gồm 15 Bộ trưởng (Ngoại trưởng John Kerry; Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter; Bộ trưởng Tài chính Jack Lew; Bộ trưởng Thương mại Penny Pritzker; Bộ trưởng Tư pháp Loretta Lynch…) và một số quan chức khác (Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice, Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương John Brennan; Chánh văn phòng Nhà Trắng Denis McDonough, Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman).

Chính phủ Liên bang nắm quyền điều hành toàn bộ đất nước, quy định các chính sách thuế chung, chính sách đối ngoại, thương mại quốc tế và thương mại giữa các bang, chịu trách nhiệm về quốc phòng, an ninh, phát hành tiền, hệ thống đo lường, bản quyền... Các bang của Mỹ có hiến pháp và pháp luật riêng, nhưng không trái với Hiến pháp Liên bang.

2. Quốc hội: Gồm hai viện:

Thượng viện gồm 100 Thượng nghị sĩ. Mỗi bang có hai Thượng nghị sỹ với nhiệm kỳ sáu năm. Phó Tổng thống giữ chức danh Chủ tịch Thượng viện, có quyền bỏ phiếu quyết định trong tình huống bất phân thắng bại (50/50).

Hạ viện gồm 435 Hạ nghị sỹ, 22 ủy ban và 7 ủy ban đặc biệt. Mỗi bang có ít nhất một Hạ nghị sỹ, còn lại căn cứ theo số dân của bang đó. Các Hạ nghị sỹ có nhiệm kỳ hai năm. Vào các năm chẵn, ngày Thứ Ba đầu tiên của tháng 11 sẽ tiến hành bầu cử Quốc hội, bầu lại toàn bộ Hạ viện và 1/3 Thượng viện.

Quốc hội hiện nay là khóa 114 (2014 - nay). Theo kết quả bầu cử giữa kỳ Quốc hội tháng 11/2014, Đảng Cộng hòa nắm đa số tại cả Hạ viện và Thượng viện. Hiện nay, Chủ tịch Thượng viện đồng thời là Phó Tổng thống Joseph Biden; Chủ tịch Tạm quyền Thượng viện Orrin Hatch; Lãnh tụ phe đa số và thiểu số tại Thượng viện lần lượt là Thượng nghị sỹ Mitch McConnell và Thượng nghị sỹ Harry Reid; Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan; Lãnh tụ phe đa số và thiểu số tại Hạ viện lần lượt là Hạ nghị sỹ Eric Cantor và Hạ nghị sỹ Nancy Pelosi.

3. Toà án tối cao: Gồm 1 Chánh án và 8 Thẩm phán, đều do Tổng thống chỉ định với sự chấp thuận của Thượng viện, nhiệm kỳ suốt đời. Chánh án Toà án tối cao hiện nay là John Roberts bắt đầu nhiệm kỳ từ tháng 9/2005.

Kinh tế:

Mỹ là nước công nghiệp phát triển hàng đầu trên thế giới. Mỹ có nền kinh tế hỗn hợp, các tập đoàn và công ty tư nhân có vai trò quan trọng trong khi Chính phủ có xu hướng hạn chế tác động vào nền kinh tế. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2015 khoảng 17.900 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 24% GDP toàn thế giới; GDP theo đầu người là khoảng 54.629 USD. Trong cơ cấu kinh tế, dịch vụ chiếm khoảng 80%, công nghiệp 19%, nông nghiệp 1%.

Kim ngạch xuất nhập khẩu của Mỹ chiếm hơn 30% GDP, là nước xuất, nhập khẩu lớn nhất thế giới. Các bạn hàng buôn bán lớn nhất của Mỹ năm 2014 lần lượt là Canada, Trung Quốc, Mexico, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc, Anh. Thâm hụt thương mại còn ở mức cao liên tiếp trong gần 2 thập kỷ (năm 2015: 484 tỷ USD).

Cuộc khủng hoảng kinh tế 2007 - 2009 đã đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái được coi là tồi tệ nhất kể từ Đại khủng hoảng 1929 - 1933. GDP của Mỹ giảm mạnh mà đỉnh điểm là Quý III/2008 (-6,3%) và Quý I/2009 (-5,5%). Cuộc khủng hoảng này đã kéo lùi các chỉ tiêu phát triển kinh tế Mỹ (7/10 chỉ số sản xuất của Mỹ dưới mức 2002), tỷ lệ thất nghiệp lên tới xấp xỉ 10%. Mô hình kinh tế - tài chính của Mỹ bị nghi ngờ: trước đây Mỹ được coi là thiên đường an toàn của đầu tư quốc tế, cả ngắn hạn và dài hạn; hiện nay các nước đều thận trọng khi đầu tư vào Mỹ. Các tổ chức quốc tế do Mỹ lãnh đạo hoặc chi phối, như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) đang bị thách thức.

Kinh tế Mỹ sau khi thoát khỏi suy thoái đã duy trì đà phục hồi từ Quý III/2009 đến nay. Nhịp độ tăng trưởng GDP của Mỹ gần đây: năm 2012: 2,2%; năm 2013: 1,9%, năm 2014: 2,4%; năm 2015: 2,4%; quý I/2016: 0,5%. Tỷ lệ thất nghiệp tới tháng 4/2016 là 5,0%, mức thấp nhất từ 6/2008. Thâm hụt ngân sách năm 2015 của Mỹ là 439 tỷ USD (giảm 44 tỷ USD so với 2014).

Chính quyền Obama đã áp dụng các nhóm biện pháp giúp khôi phục và phát triển kinh tế. Về kinh tế đối nội, sử dụng các gói kích thích kinh tế nhằm bơm thêm tiền vào nền kinh tế, duy trì lãi suất cơ bản thấp, khuyến khích vay vốn tiêu dùng và đầu tư, thông qua nhiều Đạo luật (giảm thuế, "tránh vách đá tài khóa", cấp ngân sách liên bang tài khóa 2014-2015).

Về kinh tế đối ngoại, trong năm 2015, Chính quyền đã đẩy nhanh hoàn thành đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thông qua thành công trong việc vận động Quốc hội thông qua Luật trao thẩm quyền đàm phán nhanh - TPA cho Tổng thống Mỹ, tạo thuận lợi cho Mỹ trong việc kết thúc thành công đàm phán TPP vào đầu tháng 10/2015.

Hiện TPP đang chờ được Quốc hội Mỹ phê chuẩn. Bên cạnh đó Mỹ cũng tập trung thúc đẩy Hiệp định xuyên Đại Tây Dương (TTIP), cải thiện quan hệ thương mại và đầu tư với EU, các đối tác Châu Phi…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tổng thống Obama thăm Việt Nam: Thêm xung lực cho Đối tác toàn diện
Tổng thống Obama thăm Việt Nam: Thêm xung lực cho Đối tác toàn diện

VOV. VN - Thời gian qua, quan hệ  Việt - Mỹ đã đạt được những bước phát triển tích cực, theo cả về chiều rộng và chiều sâu, ngày càng thực chất hơn.

Tổng thống Obama thăm Việt Nam: Thêm xung lực cho Đối tác toàn diện

Tổng thống Obama thăm Việt Nam: Thêm xung lực cho Đối tác toàn diện

VOV. VN - Thời gian qua, quan hệ  Việt - Mỹ đã đạt được những bước phát triển tích cực, theo cả về chiều rộng và chiều sâu, ngày càng thực chất hơn.

Tổng thống Obama thăm Việt Nam: Không để quá khứ ngăn cản tương lai
Tổng thống Obama thăm Việt Nam: Không để quá khứ ngăn cản tương lai

VOV.VN - “Mặc dù còn có những khác biệt nhưng điều đó sẽ không cản trở sự phát triển quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Mỹ”.

Tổng thống Obama thăm Việt Nam: Không để quá khứ ngăn cản tương lai

Tổng thống Obama thăm Việt Nam: Không để quá khứ ngăn cản tương lai

VOV.VN - “Mặc dù còn có những khác biệt nhưng điều đó sẽ không cản trở sự phát triển quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Mỹ”.

Chuyến thăm của Tổng thống Obama có ý nghĩa gì với kinh tế Việt Nam?
Chuyến thăm của Tổng thống Obama có ý nghĩa gì với kinh tế Việt Nam?

VOV.VN - Theo Usnews.com, trong chuyến thăm Việt Nam lần này, chắc hẳn Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ đề cập tới những lợi ích của Hiệp định TPP…

Chuyến thăm của Tổng thống Obama có ý nghĩa gì với kinh tế Việt Nam?

Chuyến thăm của Tổng thống Obama có ý nghĩa gì với kinh tế Việt Nam?

VOV.VN - Theo Usnews.com, trong chuyến thăm Việt Nam lần này, chắc hẳn Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ đề cập tới những lợi ích của Hiệp định TPP…

Những điểm sáng trong di sản đối ngoại của Tổng thống Mỹ Obama
Những điểm sáng trong di sản đối ngoại của Tổng thống Mỹ Obama

VOV.VN - Có nhiều ý kiến trái chiều về chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Obama từ  2008-2016, nhưng nhìn chung di sản mà ông để lại có nhiều điểm sáng.

Những điểm sáng trong di sản đối ngoại của Tổng thống Mỹ Obama

Những điểm sáng trong di sản đối ngoại của Tổng thống Mỹ Obama

VOV.VN - Có nhiều ý kiến trái chiều về chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Obama từ  2008-2016, nhưng nhìn chung di sản mà ông để lại có nhiều điểm sáng.