Thanh Hóa: Hàng trăm văn nghệ sĩ khẩn thiết kiến nghị

VOV.VN -Mỗi hộ được đền bù 100 triệu - 500 triệu đồng và rời khỏi căn nhà mà họ đã sinh sống hàng chục năm qua để phục vụ cho một dự án kinh doanh thương mại.

128 hộ gia đình văn nghệ sĩ đang sinh sống tại Khu văn công Nhà hát nhân dân TP Thanh Hóa kiến nghị về sự thiếu công khai, minh bạch và chưa thỏa đáng trong phương án đền bù giải phóng mặt bằng cho các hộ dân ở khu dân cư này.

Dãy nhà 3 tầng cũ nát trong Khu văn công Nhà hát nhân dân, và "con đường ngao ngán" - lối đi chính dẫn vào khu.
Ngày 10/3/2016, Báo TNVN nhận được Đơn kiến nghị khẩn cấp của 128 hộ gia đình là các văn nghệ sĩ (trong đó có 4 NSND, gần 30 NSƯT) đang sinh sống tại Khu văn công Nhà hát nhân dân, số 73 Đào Duy Từ, TP Thanh Hóa. Nhận thấy nội dung đơn có nhiều ẩn khuất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin và cuộc sống của hơn 100 gia đình nghệ sĩ vốn đang sinh sống ổn định tại đây gần nửa thế kỷ qua, Báo TNVN đã vào cuộc xác minh, góp phần làm rõ sự thật.

Lời khẩn cầu của văn nghệ sĩ…

Đơn kiến nghị khẩn cấp của 128 gia đình văn nghệ sĩ có nội dung: Nhà đất mà các văn nghệ sĩ của các đoàn nghệ thuật trực thuộc ngành văn hóa tỉnh Thanh Hóa thuộc diện “khu đất vàng”, có tên gọi là Khu văn công Nhà hát nhân dân. Họ được cơ quan cấp cho từ những năm 80 của thế kỷ trước, và sinh sống ổn định suốt hơn 30 năm qua. Thế nhưng họ không được mua nhà theo Nghị định 61, họ cũng không kiến nghị vì mải lo cống hiến cho sự nghiệp văn hóa - nghệ thuật của tỉnh nhà. Trong khi đó, những năm gần đây, họ liên tục nghe thấy có thông tin thành phố sẽ quy hoạch lại khu dân cư này cho xứng tầm với đô thị loại 1. Chính vì thế, Khu văn công Nhà hát nhân dân theo thời gian xuống cấp trầm trọng, không được tu sửa, khiến các nghệ sĩ đành cam chịu sống và cống hiến trong cảnh nhà ở như khu "ổ chuột".

Dãy nhà cấp 4 sập sệ của nhiều gia đình văn nghệ sĩ đang sinh sống hàng chục năm nay.

Thực tế, họ cam chịu vì tin vào những lời phát biểu của lần lượt các Bí thư Tỉnh ủy: Trịnh Trọng Quyền, Nguyễn Văn Lợi và Mai Văn Ninh, khi nói về qui hoạch Khu dân cư Nhà hát, rằng: “Phải tạo nơi ăn ở cho các văn  nghệ sĩ đẹp đẽ, khang trang, xứng tầm với đô thị loại 1”; rằng: “Làm chung cư từ 9 đến 11 tầng cho văn nghệ sĩ với giá thấp, không được tính bằng giá thị trường”.

Gần đây, chủ trì phiên họp bàn về qui hoạch Khu văn công Nhà hát nhân dân, ông Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Hồi lại nói: “Yêu cầu nhà đầu tư nào được vào dự án quy hoạch khu văn công, chỉ được hòa vốn hoặc lãi một chút, không được mang tính kinh doanh lời lãi nhiều tại dự án này…”.

Thế nhưng, đùng một cái, Chủ tịch UBND Thành phố Thanh Hóa ban hành

“Với cương vị 19 năm làm Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin, tôi chịu trách nhiệm với những phát ngôn của tôi ngày hôm nay. Tôi khẳng định, những lời nói của các vị Bí thư tỉnh Thanh Hóa mà chúng tôi đã nêu trong đơn là sự thật…” - NSND Mai Tư, nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thanh Hóa

Quyết định số 9451/QĐ-UBND ngày 20/10/2015, phê duyệt phương án (phần dự toán bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng) dự án Khu văn công Nhà hát nhân dân. Đến lúc này, hàng trăm hộ dân văn nghệ sĩ mới được biết, họ chỉ được bồi thường giá trị tài sản bình quân mỗi hộ từ 100 triệu - 500 triệu đồng để rời khỏi căn nhà mà họ đã sinh sống ổn định hàng chục năm qua để phục vụ cho một dự án kinh doanh thương mại. Họ choáng váng vì không hề được hỏi ý kiến để kêu lên với lãnh đạo tỉnh rằng, làm sao họ có thể sinh sống tốt hơn như lời lãnh đạo cao nhất của tỉnh từng phát biểu để làm họ yên lòng với số tiền đó?

Trên cơ sở sự cống hiến của các văn nghệ sĩ, trong đó có hàng chục người được Nhà nước công nhận là Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú, 128 hộ dân đề nghị: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất cho họ để có cơ sở pháp lý thực hiện phần đền bù xứng đáng với họ, phù hợp với thực tiễn sinh sống ổn định hơn 30 năm qua. Việc bồi thường, giải phóng mặt bằng phải bàn bạc công khai minh bạch với các hộ dân, thấu lý, đạt tình, không đẩy các văn nghệ sĩ vào cảnh không lo nổi chỗ ở mới cho mình.

"Chúng tôi vẫn tin tưởng vào sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh"

Ngày 17/3/2016, làm việc với Nhóm phóng viên Báo TNVN, các văn nghệ sĩ khẳng định, họ làm đơn vì tin rằng các cấp các ngành sẽ quan tâm đến quyền lợi chính đáng của họ, không đẩy họ đến bước đường cùng. Họ hoàn toàn ủng hộ chủ trương của tỉnh và thành phố về quy hoạch khu dân cư vốn đã không thể xuống cấp hơn được nữa để phù hợp với qui hoạch TP Thanh Hóa xứng với đô thị loại 1.

Bản thân họ, nếu được Nhà nước hóa giá nhà như các khu tập thể khác của các nơi khác đã làm, thì họ đã sửa sang, xây lại căn hộ của mình từ lâu rồi. “Có ai mà cam chịu sống chui rúc trong các căn hộ ổ chuột suốt hàng chục năm qua như chúng tôi đâu” - nhiều nghệ sĩ ngán ngẩm nói.

Phóng viên trao đổi với NSƯT Cao Kháng.

Trong các căn hộ cũ nát, sập sệ, tường trần bong tróc, ẩm mốc, thấm dột, các nghệ sĩ từng tên tuổi một thời: Cao Kháng (NSƯT đoàn Cải lương); Bùi Thị Kim Cúc (nghệ sĩ đoàn Cải lương); Vũ Trọng Quang, đạo diễn kiêm tác giả, diễn viên; NSƯT Mai Lan, nguyên Trưởng đoàn nghệ thuật Tuồng Thanh Hóa; NSƯT Nguyễn Ngọc Quyền, Trưởng đoàn nghệ thuật Tuồng; NSND Mai Tư, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin…, đều có chung nỗi niềm bức xúc: Cả cuộc đời cống hiến cho nghệ thuật, được Đảng và Nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu cao quý, nhưng họ vẫn âm thầm chịu đựng sống trong cảnh nhà không ra nhà suốt hơn 30 năm qua. Nay, được thông báo nhận một khoản tiền hỗ trợ từ 100 triệu - 500 triệu đồng để rời khỏi nơi đây, trong khi tuổi đã cao, sức đã kiệt, họ thật không biết xoay xở ra sao. Nếu việc đền bù đúng là như vậy, họ thật sự chạnh lòng với những danh hiệu và sự cống hiến của họ mà Đảng và Nhà nước đã ghi nhận.

Căn nhà cấp 4 cũ nát của gia đình NSƯT Nguyễn Ngọc Quyền - Trưởng đoàn nghệ thuật Tuồng.

Trong căn nhà cấp 4 sập sệ, nằm ở góc sâu của Khu văn công Nhà hát nhân dân, NSƯT Mai Lan tâm sự: “Gia đình tôi có 3 thế hệ hoạt động và cống hiến cho ngành nghệ thuật. Năm 1994, tôi được phân miếng đất không có nhà, gia đình tự bỏ tiền ra xây để ở đến bây giờ. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương của tỉnh xây dựng cải tạo khu tập thể Nhà hát để nâng cao đời sống văn nghệ sĩ. Nhưng đến hôm nay, khi nhận thông báo gia đình tôi được nhận 210 triệu đồng để di dời đi chỗ khác, thực sự chúng tôi rất hoang mang, lo lắng, vì với số tiền ấy sẽ lo nơi ở mới cho gia đình mình như thế nào đây?...”

“Tôi khẳng định, tất cả các văn nghệ sĩ đều ủng hộ chủ trương của UBND tỉnh. Nhưng với cách làm như hiện nay thì chúng tôi không đồng thuận. Vì trước khi phê duyệt phương án bồi thường, UBND TP Thanh Hóa không tổ chức lấy ý kiến những người trong khu vực có đất bị giải tỏa...” - NSƯT Nguyễn Ngọc Quyền, Trưởng đoàn nghệ thuật Tuồng Thanh Hóa
Trao đổi với phóng viên, NSND Mai Tư cho biết: “Với cương vị 19 năm làm Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin, tôi chịu trách nhiệm với những phát ngôn của tôi ngày hôm nay. Tôi khẳng định, những lời nói của các vị Bí thư tỉnh Thanh Hóa mà chúng tôi đã nêu trong đơn là sự thật…”

Theo thông tin của chúng tôi, sau vụ ngư dân Sầm Sơn khiếu kiện liên quan đến công trình trên bãi biển của FLC, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều động thái tích cực trong việc giải quyết khiếu nại của người dân. Vụ kiến nghị khẩn cấp của 128 hộ dân là các văn nghệ sĩ tại Khu văn công Nhà hát nhân dân cũng đang được các cấp các ngành tỉnh Thanh Hóa quan tâm giải quyết.

Báo TNVN sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc diễn biến tiếp theo của vụ việc này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Cán bộ kê khống đền bù để chiếm đoạt tiền Nhà nước
Cán bộ kê khống đền bù để chiếm đoạt tiền Nhà nước

Quá trình thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng tuyến đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, Điệp kê khống tài sản của dân để chiếm đoạt tiền của Nhà nước

Cán bộ kê khống đền bù để chiếm đoạt tiền Nhà nước

Cán bộ kê khống đền bù để chiếm đoạt tiền Nhà nước

Quá trình thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng tuyến đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, Điệp kê khống tài sản của dân để chiếm đoạt tiền của Nhà nước

Chủ đầu tư 8B Lê Trực chưa đưa ra phương án đền bù cho khách hàng
Chủ đầu tư 8B Lê Trực chưa đưa ra phương án đền bù cho khách hàng

Chủ đầu tư nhà số 8B Lê Trực, Hà Nội chưa có phương án đền bù cho khách hàng mua những căn hộ nằm trong diện bị phá dỡ...

Chủ đầu tư 8B Lê Trực chưa đưa ra phương án đền bù cho khách hàng

Chủ đầu tư 8B Lê Trực chưa đưa ra phương án đền bù cho khách hàng

Chủ đầu tư nhà số 8B Lê Trực, Hà Nội chưa có phương án đền bù cho khách hàng mua những căn hộ nằm trong diện bị phá dỡ...

Dân đem quan tài phản đối giá đền bù cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi
Dân đem quan tài phản đối giá đền bù cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi

Hàng trăm hộ dân xã Tam Ngọc (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) đã mang một cỗ quan tài lên công trường đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.

Dân đem quan tài phản đối giá đền bù cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi

Dân đem quan tài phản đối giá đền bù cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi

Hàng trăm hộ dân xã Tam Ngọc (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) đã mang một cỗ quan tài lên công trường đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.