Điều tra clip chế giễu kỳ thi THPT 2016: Đừng làm lớn chuyện!

VOV.VN - Clip chỉ mang tính vui vẻ, giải trí của tuổi học trò chứ không có gì nghiêm trọng để đến mức công an phải vào cuộc.

Clip giải trí của các bạn học sinh ở Thừa Thiên – Huế đưa lên mạng xã hội hôm 3/7, sau kỳ thi THPT quốc gia 2016 đã nhận được hàng nghìn lượt chia sẻ. Clip này trở nên “nổi tiếng” hơn khi Sở GD-ĐT Thừa Thiên Huế mời Công an tỉnh vào cuộc điều tra và cơ quan điều tra cho biết đã làm việc với một người thuộc nhóm thanh niên xuất hiện trong clip chế giễu kỳ thi THPT quốc gia. Sau đó các em đã có lời xin lỗi cộng đồng mạng xã hội.

Clip được coi là “chế giễu” kỳ thi THPT Quốc gia được nhiều người cho rằng chỉ mang tính giải trí, nghịch ngợm của các em học sinh chứ không động chạm ai cả. Sau một kỳ thi căng thẳng, clip này giúp các bạn thí sinh bớt căng thẳng mà thôi.

Thế nhưng, nhiều người đã “nâng tầm” quan điểm, cho rằng clip này chế giễu một kỳ thi nghiêm túc và yêu cầu cơ quan công an vào cuộc. Nghĩ và hành động như vậy là hơi quá và không cần thiết.

Mạng xã hội luôn có các ý kiến trái chiều và chúng ta cần chấp nhận sự trái chiều đó để có những phản biện thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ. Cùng một sự việc, hiện tượng có nhiều quan điểm, cách nhìn khác nhau, dó là điều bình thường.  Có những thứ không nằm trong sự điều chỉnh của luật pháp nhưng được điều chỉnh bằng truyền thống, văn hóa, bằng sự hiểu biết và cách ứng xử.

Điều chỉnh, giáo dục hành vi của giới trẻ đâu phải lúc nào cũng phải lên gân, cứng nhắc, nguyên tắc, kỷ luật theo cách lấy thế người lớn áp đặt các em… Trong câu chuyện này, cụ thể là trong clip của các em, ngoài hàm ý hài hước, hóm hỉnh, giải trí… thì khó tìm được một ý đồ nào của các em nhắm đến các cơ quan quản lý hay đến kỳ thi. Cái không được duy nhất mà các em cần rút kinh nghiệm là cách phát ngôn trên mạng xã hội. Các em không được nói tục, chửi bậy, dùng từ lóng, từ nhạy cảm… Ở lứa tuổi của các em, có thể chưa nhận thức được đầy đủ điều này, vậy ai là người giúp các em? Chính là thầy cô, cha mẹ, các nhà quản lý và chính bạn bè của các em.

Còn nhớ, đã từng có nhiều học sinh lên Facebook nói xấu thầy cô, cha mẹ, gia đình… và đều được những người liên quan nhắc nhở. Có những trường ban hành thành văn bản về “những điều cấm kỵ trên Facebook” để định hướng cho các em cách sử dụng mạng xã hội sao cho có văn hóa, phù hợp với lứa tuổi.

Với một clip “vô thưởng, vô phạt” như của các em học sinh trung học ở Thừa Thiên –Huế, các thầy cô giáo và cha mẹ chỉ cần nhắc nhở, rút kinh nghiệm với các em là đủ, chứ không cần thiết phải mời cơ quan điều tra vào cuộc. Công an còn nhiều việc khác quan trọng hơn cần làm.

Cần chấp nhận những cách nghĩ khác, cách thể hiện khác của các em chứ không nên áp đặt, bắt các em phải nhất nhất nghĩ và làm theo ý mình. Trao đổi, tranh luận, đối thoại gúp các em có hiểu biết và hành động đúng mực mới là phương pháp giáo dục hiệu quả nhất chứ không phải là dọa dẫm và đàn áp./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên