Kiểm tra formaldehyde: Sửa ngay để gỡ khó cho doanh nghiệp dệt may

VOV.VN - Thông tư 37 quy định kiểm tra hàm lượng formaldehyde sản phẩm dệt may đang gây nhiều bức xúc đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Suốt 7 năm qua, nhiều doanh nghiệp dệt may bức xúc trước quy định của Bộ Công Thương về kiểm tra hàm lượng formaldehyde và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo (gọi tắt là kiểm tra formaldehyde) trong sản phẩm dệt may theo Thông tư 32/2009 và sau đó sửa đổi thành Thông tư 37/2015. 

Quy định kiểm tra hàm lượng formaldehyde và amin thơm trong sản phẩm dệt may gây ra nhiều phiền phức cho DN. (Ảnh minh họa: KT)
Trong lúc Bộ Công Thương đang lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp dệt may về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Thông tư 37/2015, thì lại có ý kiến cho rằng, việc ban hành Thông tư này là trái quy định và cần bãi bỏ ngay. 

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, quy định kiểm tra hàm lượng formaldehyde và amin thơm trong sản phẩm dệt may gây ra nhiều phiền phức. Mỗi lô hàng vải nhập khẩu về, doanh nghiệp phát sinh thêm phí giám định hàm lượng formaldehyde khoảng 2 triệu đồng/1 mẫu vải.

Thậm chí đối với các lô hàng nhập về làm mẫu chỉ có 5-10 mét vải, doanh nghiệp vẫn phải kiểm định hàm lượng formaldehyde với chi phí 10 USD. Mỗi lô hàng kiểm tra mất từ 7-10 ngày. Như vậy, mỗi năm có hàng nghìn lô hàng phải kiểm tra gây lãng phí thời gian của doanh nghiệp và cơ quan kiểm định. Tốn kém thời gian và chi phí là vậy, nhưng hiệu quả lại chả được bao nhiêu, mà còn thêm rắc rối cho doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Khánh, Giám đốc Công ty May 1 Nam Định nêu thực tế: “Công ty có đơn hàng vải nhập khẩu về may mẫu để xuất khẩu sang thị trường Đức. Hàng nhập khẩu cần gấp rút nhưng qua thủ tục kiểm tra này khiến doanh nghiệp mất thêm chi phí và thời gian và khó giải thích cho khách. Việc phát sinh quy trình kiểm tra này không cần thiết, rườm rà, lại ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp”.

Điều đáng chú ý là theo nghiên cứu của nhóm chuyên gia Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG) và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Thông tư 37/2015 của Bộ Công Thương quy định kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm trong sản phẩm dệt may là trái quy định.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) phân tích, theo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Bộ Công Thương chỉ được ban hành các quy định về việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt trong sản phẩm dệt may, nếu sản phẩm này thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương.

Tuy nhiên, tại Thông tư số 08/2012 về “Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương” thì sản phẩm dệt may lại không có trong danh mục này. Như vậy, việc ban hành Thông tư 37 của Bộ Công Thương là trái Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Đến ngày 24/11/2015, Bộ Công Thương mới “chữa cháy” bằng cách ban hành Thông tư số 41/2015 thay thế Thông tư số 08/2012, trong đó bổ sung sản phẩm dệt may vào danh mục. Thế nhưng, thực tế là Thông tư 41 ban hành và có hiệu lực sau Thông tư 37.

Bởi vậy, Bà Nguyễn Minh Thảo khẳng định: “Trước đây là Thông tư 32 và nay là Thông tư 37 đều không dựa trên cơ sở pháp lý của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa. Trong 7 năm qua, doanh nghiệp bị kiểm tra liên tục và thường xuyên, gây tốn kém hàng trăm tỷ đồng cho doanh nghiệp và kéo dài thời gian thông quan hàng hóa. Tỷ lệ phát hiện sản phẩm không đạt chỉ chiếm dưới 1%. Như vậy hiệu quả của Thông tư này cần xem xét lại. Chúng tôi thấy rằng cơ sở pháp lý Thông tư 37 không đảm bảo và kiến nghị Bộ Công Thương bãi bỏ Thông tư này.”

Theo Bộ Công Thương, việc ban hành Thông tư 37 quy định kiểm tra hàm lượng formaldehyde và amin thơm là để bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, chỉ có dưới 1% hàng hóa mắc lỗi cho thấy, để bảo vệ người tiêu dùng mà lựa chọn kiểm tra hàm lượng formaldehyde là không hiệu quả.

Trước những bất cập này, mới đây, Bộ Công Thương đã làm việc với Tập đoàn dệt may Việt Nam và Hiệp hội dệt may Việt Nam về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 37/2015. Bộ Công Thương cho biết đang lấy ý kiến các đơn vị liên quan để hoàn thiện Dự thảo Thông tư sửa đổi.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, Hiệp hội kiến nghị bỏ Thông tư 37 để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập khẩu các sản phẩm vải từ nước ngoài về không phải kiểm tra formaldehyde.

“Lý do là khách hàng họ đặt vải của nhà sản xuất, kiểm định chất lượng và đã chịu trách nhiệm về việc đó nên không cần phải làm việc đó nữa. Nếu kiểm tra chỉ kiểm xác xuất một lô vải nhất định để giảm chi phí và thời gian của doanh nghiệp. Những sản phẩm nhập khẩu sử dụng trong nước nên kiểm tra còn sản phẩm nhập khẩu cho xuất khẩu thì không nên”.

Chính phủ mới ban hành Nghị quyết 35/2016 về hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó nhấn mạnh, các cơ quan chức năng cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Trong bối cảnh này, một thông tư gây nhiều bức xúc đối với cộng đồng doanh nghiệp vì gây tốn kém thời gian, tiền của, chưa kể là còn những bất cập trong quá trình ban hành, thì rõ ràng phải được nghiên cứu, xem xét sửa đổi cho phù hợp thực tiễn. Có như vậy mới tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và nâng cao được sức cạnh tranh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Mẫu quần jeans Trung Quốc có hàm lượng formaldehyde cao
Mẫu quần jeans Trung Quốc có hàm lượng formaldehyde cao

Lực lượng liên ngành đã lấy mẫu ngẫu nhiên đối với 5 mẫu đồ chơi và 11 mẫu quần áo, trong đó có 2 mẫu là sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Mẫu quần jeans Trung Quốc có hàm lượng formaldehyde cao

Mẫu quần jeans Trung Quốc có hàm lượng formaldehyde cao

Lực lượng liên ngành đã lấy mẫu ngẫu nhiên đối với 5 mẫu đồ chơi và 11 mẫu quần áo, trong đó có 2 mẫu là sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Thông tư 37 gây khó khăn cho doanh nghiệp dệt may
Thông tư 37 gây khó khăn cho doanh nghiệp dệt may

VOV.VN - Thông tư 37 sắp được triển khai áp dụng không giải quyết được các vướng mắc của doanh nghiệp, thậm chí có mặt còn phiền hà hơn.

Thông tư 37 gây khó khăn cho doanh nghiệp dệt may

Thông tư 37 gây khó khăn cho doanh nghiệp dệt may

VOV.VN - Thông tư 37 sắp được triển khai áp dụng không giải quyết được các vướng mắc của doanh nghiệp, thậm chí có mặt còn phiền hà hơn.

Phát hiện vải nhập khẩu nhiễm formaldehyde
Phát hiện vải nhập khẩu nhiễm formaldehyde

Phần lớn lượng vải này được nhập khẩu từ Trung Quốc

Phát hiện vải nhập khẩu nhiễm formaldehyde

Phát hiện vải nhập khẩu nhiễm formaldehyde

Phần lớn lượng vải này được nhập khẩu từ Trung Quốc