Bất lực trước lâm tặc- trưởng thôn xin từ chức

Đó là ông Hoàng Đức Toàn, Trưởng thôn Lủng Pảng, xã Côn Minh, huyện Na Rì (Bắc Kạn)  

Ông Hoàng Đức Toàn, Trưởng thôn Lủng Pảng, xã Côn Minh, huyện Na Rì (Bắc Kạn) chỉ vì quá bức xúc và bất lực trước vấn nạn phá rừng Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ trên địa bàn thôn mình, qua nhiều đêm suy tính, ngày 2/10/2008 đã quyết định viết đơn xin từ chức. Lá đơn đã được gửi đến Đảng ủy, UBND xã Côn Minh và trong đơn cũng ghi rõ là xin được nghỉ mọi điều hành của thôn này kể từ ngày 4/10.

Ông Toàn cho biết: Nạn phá rừng trên địa bàn thôn diễn ra gần 1 năm trở lại đây tại khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, trong đó thôn Lủng Pảng là một trong những “điểm nóng”, hiện tại có 95% số hộ trong thôn có người đi phá rừng lấy gỗ bán cho các đầu nậu. Thậm chí, nhiều hộ không có tiền mua cưa lốc (mỗi cái cưa có giá hơn chục triệu đồng) còn được đầu nậu ứng tiền trước, sau đó trừ dần vào tiền bán gỗ. Ông Toàn đã nhiều lần có ý kiến lên các cơ quan chức năng phản ánh nạn phá rừng, song không hiểu tại sao mọi việc vẫn chìm trong im lặng?

Cũng chính vì là người quá nhiệt tình trong việc giữ rừng, ông Toàn đã bị mọi người trong thôn “cô lập”, ra đường hỏi không ai trả lời, chỉ đạo công việc của thôn không ai nghe, ngay cả anh em trong nhà cũng không mời ông tới dự mỗi khi họ có việc vui.

Ông Toàn không giấu được nỗi buồn: “Tôi làm Trưởng thôn đến nay đã được 10 năm, nay phải viết đơn xin từ chức, tôi rất buồn, nhưng không có cách nào khác. Không những vậy, đa số các hộ trong thôn đều là anh em, họ hàng của nhau nên tôi cũng chẳng vui gì khi tố cáo việc bà con, anh em mình đi phá rừng và tiếp tay cho lâm tặc, nhưng với tư cách người đảng viên, không cho phép tôi làm ngơ. Hơn nữa, rừng bị phá hết rồi thì lấy đâu nước sản xuất, sinh hoạt, bảo vệ cuộc sống của người dân khi lũ về?''.
Dẫn chúng tôi tới Phân trường (lớp học của con em trong thôn Lủng Pảng) được xây dựng năm 1987, hiện xuống cấp nghiêm trọng, ông Toàn bức xúc nói: Gỗ khai thác trái phép công khai vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ chẳng thấy ai bắt giữ, vậy mà thôn Lủng Pảng này muốn xin ít gỗ dựng lại lớp học cho các cháu cũng không được.

Lủng Pảng là thôn nằm trong vùng lõi khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, cách trung tâm xã Côn Minh chỉ hơn 4 km. Thôn có 32 hộ, với 132 nhân khẩu. Thời gian gần đây, do giá gỗ nghiến tăng cao, rất nhiều đầu nậu đã tìm đến đây thu mua gỗ trái phép, họ ngang nhiên lên rừng chặt hạ gỗ theo đơn giá của lâm tặc. Mỗi hộp gỗ nghiến có chiều 1,7 mét, rộng 25 cm và dầy 6 cm, được các đầu nậu mua với giá 150.000- 170.000 đồng. Do vậy, người dân trong thôn đã bỏ mặc đồng ruộng, đua nhau đi chặt phá rừng, lấy gỗ bán cho các đầu lậu, khiến bao nhiêu cây rừng cổ thụ nơi đây cứ bị đốn hạ theo năm tháng.

 Điều đáng nói là: trụ sở của trạm kiểm lâm số 1, 2 xã Côn Minh, nằm chỉ cách con đường độc đạo ra vào thôn Lủng Pảng có vài trăm mét, song không hiểu tại sao lực lượng kiểm lâm lại không phát hiện và bắt gữ được bọn lâm tặc, khiến bọn chúng suốt đêm vận chuyển gỗ trái phép và biến nơi đây như “mảnh đất” màu mỡ của bọn lâm tặc?

Trở lại “tâm thư” của anh Toàn xin từ chức vì “thua” lâm tặc, bà Triệu Thị Len - Chủ tịch UBND xã Côn Minh huyện Na Rì khẳng định: “Tôi cũng vừa mới nhận được đơn xin từ chức Trưởng thôn của anh Toàn. Hiện chúng tôi đang cử các đoàn thể xuống nắm tình hình và động viên anh Toàn tiếp tục làm việc”. Khi được hỏi về vấn nạn phá rừng và những lời đề nghị của anh Toàn trong ngăn chặn lâm tặc, bà Chủ tịch UBND xã Côn Minh này cũng thừa nhận rằng: “trong các cuộc họp anh Toàn cũng có ý kiến và yêu cầu chính quyền có biện pháp bảo vệ rừng. Xã đã thành lập tổ liên ngành giao cho Trưởng Công an xã làm tổ trưởng, thường xuyên tuần tra, mai phục, nhưng.... chưa bắt được vụ nào”?

 Dư luận đang đặt câu hỏi: Phải chăng việc phá rừng tại Côn Minh diễn ra trong thời gian rất dài nhưng chưa được ngăn chặn là có sự bao che, làm ngơ của chính quyền cơ sở và lực lượng chức năng? Những người có trách nhiệm như ông Hoàng Đức Toàn đã nhiều lần “tố cáo”, nhưng vẫn không thấy các cơ quan chức năng vào cuộc để ngăn chặn kịp thời. Việc phá rừng đã trở nên nghiêm trọng, các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Kạn cần sớm vào cuộc, làm rõ những sai phạm nhằm giữ bình yên cho khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên