Kỳ 2:

Nội chiến đẫm máu tại Nga và sự ra đời của Liên bang Xô viết

VOV.VN - Sau Cách mạng tháng Mười, nước Nga rơi vào nội chiến đẫm máu giữa phe cách mạng và lực lượng chống đối được sự hậu thuẫn của nước ngoài.

>> Xem Kỳ 1: Khủng hoảng trầm trọng tại Nga và Đại Cách mạng 1917

Trong bối cảnh Cách mạng Nga, thuật ngữ “nội chiến” có 2 nghĩa. Thứ nhất là các biện pháp của đảng Bolshevik áp dụng đối với các phần tử không công nhận chính quyền của họ, thách thức các sắc lệnh do chính quyền đó ban hành (trong số các phần tử này có các nhóm nông dân bị lực lượng phản động kích động, lôi kéo nên đã không chịu đóng góp ngũ cốc cho quốc gia). Thứ hai là cuộc đối đầu quân sự giữa Hồng quân và các nhóm Bạch vệ hoạt động ở các khu vực ngoại vi của nước Nga Xô viết (với sự hỗ trợ trực tiếp của các nước đế quốc) nhằm mục đích lật đổ những người cộng sản, trong giai đoạn 1917-1922.

Cuộc đối đầu giữa Hồng quân (trái) và quân Bạch vệ trong Nội chiến Nga. (Bức tranh của tác giả Joseph Foshee).

“Hai cuộc chiến” này diễn ra đồng thời. Cuộc chiến chống nội phản trong chế độ thậm chí tỏ ra gay go và tốn xương máu không kém cuộc chiến chống lại lực lượng quân sự của các nhóm Bạch vệ ở ngoại vi.

Cuộc nội chiến Nga trên phương diện quân sự diễn ra trên một số mặt trận.

Các lực lượng Bạch vệ

Lực lượng Bạch vệ đầu tiên, còn gọi là Đội quân Tình nguyện, được hình thành vào mùa đông 1917-1918 ở miền nam có đông người Cossack sinh sống. Lực lượng này do các tướng Mikhail Alekseyev và Kornilov tổ chức. Sau khi các tướng này chết, Đội quân Tình nguyện đặt dưới sự chỉ huy của tướng Anton Denikin.

Một lực lượng quân sự khác được thành lập ở miền tây Siberia. Vào tháng 11/1918, Đô đốc Aleksandr Kolchak nắm quyền chỉ huy đạo quân này và trở thành ông trùm ở các vùng lãnh thổ mà đội quân này triển khai.

Ngoài ra còn có một số đội quân Bạch vệ nhỏ hơn hình thành ở vùng tây bắc, miền bắc và vùng Viễn Đông nước Nga.

Các lực lượng Bạch vệ nói trên đều nhận được sự hậu thuẫn của Anh Quốc, ở nhiều cấp độ khác nhau, bằng cả tiền bạc và vũ khí.

Quân Bạch vệ xử bắn các chiến sĩ Bolshevik. Ảnh: weaponsandwarefare.

Mục đích ban đầu của Liên minh các nước đế quốc can thiệp quân sự vào Nga là để tái kích hoạt Mặt trận phía Đông, nhưng sau khi có lệnh ngừng bắn thì việc tiếp tục can thiệp là do sự xúi bẩy của chính trị gia Anh Winston Churchill – ông này coi chủ nghĩa Bolshevik là mối đe dọa đối với “nền dân chủ và hòa bình thế giới”. Lực lượng viễn chinh Mỹ và Pháp có mặt trong lãnh thổ Nga đều không tham chiến và đã rút đi sau khi ký lệnh ngừng bắn. Quân Anh tiếp tục ở lại cho đến mùa thu năm 1919, thỉnh thoảng tham chiến nhưng về cơ bản chỉ cung cấp viện trợ cho phe Bạch vệ.

Tận dụng sĩ quan quân đội thời Sa hoàng

Đảng Bolshevik ban đầu chưa tập trung xây dựng quân đội theo hướng “nhà nghề” ngay do lo ngại một số vấn đề về chính trị (như nguy cơ tạo phản từ tầng lớp sĩ quan và việc sử dụng các nông dân dễ dao động). Họ ban đầu dựa nhiều vào lực lượng du kích và các tình nguyện viên Latvia.

Tuy nhiên vào mùa thu năm 1918, sau khi hứng chịu nhiều thất bại trước lực lượng thân Đồng minh phương Tây và lực lượng người Séc chống Đức thì họ quyết định đẩy nhanh tiến trình xây dựng quân đội chính quy có binh sĩ nghĩa vụ. Việc chỉ huy binh lính và việc thực thi các quyết định chiến lược đã được tin tưởng giao phó cho đội ngũ sĩ quan chuyên nghiệp tiếp nhận từ quân đội cũ của Sa hoàng. Để ngăn ngừa đào ngũ và các hoạt động phá hoại ngầm, các sĩ quan này được đặt dưới sự giám sát của các chính trị viên Bolshevik được cử về các đơn vị quân đội. Phái Bolshevik cũng nắm chắc gia đình của các sĩ quan chế độ cũ.

>> Xem thêm: Thiên tài quân sự Tukhachevsky

Vào thời điểm cao trào của Nội chiến Nga, đạo Hồng quân đông tới 5 triệu người. Toàn bộ Hồng quân đặt dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng Quân sự Cách mạng nhưng tất cả các quyết định tác chiến đều do các sĩ quan chuyên nghiệp thực hiện – nhiều người trong số họ từng nằm trong Bộ Tổng tham mưu quân đội đế quốc Nga.

Đè bẹp quân phản cách mạng và can thiệp nước ngoài

Các trận quyết chiến trong Nội chiến Nga diễn ra vào mùa hè và mùa thu năm 1919. Đô đốc Bạch vệ Kolchak vào mùa xuân năm đó mở một chiến dịch tiến đánh Moscow. Khi tiến về sông Volga ông ta bị lực lượng Hồng quân vượt trội về số lượng chặn đứng và đánh bật ngược trở lại. Cuối năm đó, đội quân của Kolchak tan rã còn bản thân viên đô đốc này thì bị bắt giữ và xử tử vào đầu năm 1920.

Trong tất cả các viên tướng Bạch vệ, Denikin tiến sát nhất đến chiến thắng. Vào tháng 10/1919, Đội quân Tình nguyện của ông ta (được tăng cường thêm lính nghĩa vụ) đã tiến tới được Oryol (Orel) cách Moscow 250km về phía nam. Trong lúc tiến quân, bộ phận người Cossack theo Bạch vệ đã tiến hành những cuộc thảm sát kinh hoàng ở Ukraine, cướp đi sinh mạng của khoảng 100.000 người Do Thái.

Tuyến mặt trận của Denikin cứ căng mỏng ra và ông ta thiếu lực lượng dự bị. Denikin tiến quân một cách vội vã và bất cẩn do người Anh nói với ông ta rằng trừ phi chiếm được thủ đô mới (tức Moscow thay cho thủ đô cũ Petrograd) trước khi mùa đông sang, ông ta sẽ không được nhận thêm sự trợ giúp nào nữa.

Trong các trận chiến vào tháng 10 và 11/1919, Hồng quân đè bẹp lực lượng Bạch vệ một cách cơ bản và khiến họ phải chạy bán sống bán chết về các hải cảng bên bờ Biển Đen. Một nhóm tàn quân dưới quyền chỉ huy của tướng Pyotr Wrangel cầm cự thêm một thời gian ở bán đảo Crimea rồi bị đánh bật khỏi nơi đây vào tháng 11/1920. Những kẻ sống sót đã cùng 1,5 triệu người Nga khác di tản khỏi đất nước này.

Số lượng thương vong trong Nội chiến Nga ước tính ít nhất là 10 triệu người, trong đó có nhiều người là thường dân chết vì dịch bệnh và nạn đói.

Hồng quân Bolshevik tiến hành vượt sông Dnieper trong Nội chiến Nga. Ảnh: weaponsandwarefare.

Để giành chiến thắng trong Nội chiến Nga, những người Bolshevik đã phải áp dụng những biện pháp rất quyết liệt, như tổ chức các đội súng máy có nhiệm vụ duy trì kỷ luật, ngăn ngừa binh sĩ bỏ vị trí. Chiến thắng của Hồng quân còn nhờ vào việc đảng Bolshevik đã tổ chức chiến tranh tốt hơn và họ hiểu rõ hơn về các khía cạnh chính trị trong cuộc Nội chiến này.

Ngoài ra lực lượng Bolshevik còn có một lợi thế lớn là sau Cách mạng tháng Mười, họ kiểm soát được vùng lõi của đế chế Nga cũ, nơi có khoảng 70 triệu người Nga sinh sống, trong khi các đối thủ của họ chỉ hoạt động ở vùng ngoại vi, nơi dân cư thưa thớt và có thành phần dân tộc phức tạp. Trong các cuộc giao tranh, Hồng quân thường chiếm ưu thế về số lượng. Họ cũng chiếm ưu thế về vũ khí, khi mà hầu hết ngành công nghiệp quốc phòng và kho vũ khí của Nga đều nằm ở vùng lõi của đất nước. Hồng quân kế thừa được một lượng không nhỏ vũ khí và đạn dược của quân đội Sa hoàng trong khi Bạch vệ chủ yếu dựa vào viện trợ nước ngoài.

Liên Xô ra đời

Ngay sau Cách mạng tháng Mười, biên giới của các vùng không phải của người dân tộc Nga được vạch rõ, nhiều nước cộng hòa đã tách ra khỏi Đế chế Nga. Khi đó đảng Bolshevik nêu cao vấn đề tự quyết dân tộc.

Trong quá trình Nội chiến, lực lượng Bolshevik Nga đã hỗ trợ cho lực lượng cách mạng ở các nước cộng hòa từng nằm trong Đế chế Nga lên nắm chính quyền. Hồng quân đã tiến vào nhiều nước cộng hòa như vậy.

Trên cơ sở đó, vào năm 1922, Nga, Belorussia (nay là Belarus), Ukraine và Liên bang Ngoại Kavkaz công bố sự ra đời của “Liên minh các nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết” (ở Việt Nam, cụm này thường được dịch thành “Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết”), gọi tắt là Liên Xô.

Hiến pháp Liên Xô chính thức được thông qua vào tháng 1/1924.

Tới năm 1925, Đảng Cộng sản toàn Liên bang (sau đổi thành Đảng Cộng sản Liên Xô) được thành lập.

Như tên gọi, Liên Xô là một liên minh bình đẳng giữa các dân tộc, các quốc gia XHCN từng nằm trong Đế chế Nga cũ. Tuy nhiên với tỷ lệ dân số và truyền thống lịch sử, dân tộc Nga chiếm vị trí áp đảo trong cộng đồng mới này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Cuộc đời chìm nổi của thiên tài quân sự Liên Xô Tukhachevsky
Cuộc đời chìm nổi của thiên tài quân sự Liên Xô Tukhachevsky

VOV.VN - Nguyên soái Tukhachevsky là một nhà chỉ huy thiên tài, một lý luận gia xuất chúng có đóng góp to lớn vào nền quân sự Liên Xô và thế giới.

Cuộc đời chìm nổi của thiên tài quân sự Liên Xô Tukhachevsky

Cuộc đời chìm nổi của thiên tài quân sự Liên Xô Tukhachevsky

VOV.VN - Nguyên soái Tukhachevsky là một nhà chỉ huy thiên tài, một lý luận gia xuất chúng có đóng góp to lớn vào nền quân sự Liên Xô và thế giới.

Lenin làm ngỡ ngàng nhà báo Guardian của Anh
Lenin làm ngỡ ngàng nhà báo Guardian của Anh

VOV.VN - Qua phần mô tả Lenin trong cuộc phỏng vấn của nhà báo Anh, chúng ta phần nào thấy được trí tuệ và bản lĩnh của Lenin, người thầy của cách mạng vô sản.

Lenin làm ngỡ ngàng nhà báo Guardian của Anh

Lenin làm ngỡ ngàng nhà báo Guardian của Anh

VOV.VN - Qua phần mô tả Lenin trong cuộc phỏng vấn của nhà báo Anh, chúng ta phần nào thấy được trí tuệ và bản lĩnh của Lenin, người thầy của cách mạng vô sản.

Hơn một nửa dân số Nga nuối tiếc Liên Xô
Hơn một nửa dân số Nga nuối tiếc Liên Xô

VOV.VN - Bất chấp những xuyên tạc của các thế lực thù địch với CNXH, hình ảnh Liên Xô vẫn chiếm vị trí cao trong lòng đa số người dân Nga hiện nay.

Hơn một nửa dân số Nga nuối tiếc Liên Xô

Hơn một nửa dân số Nga nuối tiếc Liên Xô

VOV.VN - Bất chấp những xuyên tạc của các thế lực thù địch với CNXH, hình ảnh Liên Xô vẫn chiếm vị trí cao trong lòng đa số người dân Nga hiện nay.

Lenin - Ngọn hải đăng vĩ đại của nhân dân lao động
Lenin - Ngọn hải đăng vĩ đại của nhân dân lao động

VOV.VN - Lenin đã đào sâu và nâng học thuyết Marx - vũ khí tinh thần của giai cấp công nhân - lên một tầm cao mới.

Lenin - Ngọn hải đăng vĩ đại của nhân dân lao động

Lenin - Ngọn hải đăng vĩ đại của nhân dân lao động

VOV.VN - Lenin đã đào sâu và nâng học thuyết Marx - vũ khí tinh thần của giai cấp công nhân - lên một tầm cao mới.

Khủng hoảng trầm trọng tại Nga và Đại Cách mạng 1917
Khủng hoảng trầm trọng tại Nga và Đại Cách mạng 1917

VOV.VN - Năm 1917, đế chế Nga rộng lớn chìm trong khủng hoảng với đủ loại mâu thuẫn. Lối thoát duy nhất cho người Nga chính là một cuộc cách mạng tận gốc rễ.

Khủng hoảng trầm trọng tại Nga và Đại Cách mạng 1917

Khủng hoảng trầm trọng tại Nga và Đại Cách mạng 1917

VOV.VN - Năm 1917, đế chế Nga rộng lớn chìm trong khủng hoảng với đủ loại mâu thuẫn. Lối thoát duy nhất cho người Nga chính là một cuộc cách mạng tận gốc rễ.