Đề án dạy ngoại ngữ... hiệu quả đâu vẫn chưa thấy

VOV.VN -Đề án dạy tiếng Anh triển khai đã hàng chục năm mà con cháu chúng ta vẫn gần như “mù” ngoại ngữ. Vậy “vẽ” ra cái mới để làm gì?

Ở nước ta từ sau 1955, việc giáo dục phổ thông, nhà nước chủ trương dạy và học môn ngoại ngữ trong tất cả các trường phổ thông thay tiếng Pháp là tiếng Nga và Trung, khi ấy hợp tình thế. Tình thế bấy giờ là nước có chiến tranh, Việt Nam ta dựa vào hai nước Liên Xô và Trung Quốc, nên chả ai phản đối. Nhưng việc dạy hai thứ tiếng này vẫn rất thực sự chưa được coi trọng, không có kết quả. Giáo viên luôn không đủ, yếu và thiếu, hầu hết các trường có giáo viên tiếng nước nào dậy tiếng đó nên việc học luôn dứt quãng. Nhiều trường khi sơ tán không có giáo viên ngoại ngữ nên bỏ. Vì thế, hai ba thế hệ học sinh phổ thông ra trường, hầu hết không thạo ngoại ngữ Nga hay Trung ở mức giao tiếp. Tức là mù ngoại ngữ.

40 năm nay, nhà nước chủ trương dạy ngoại ngữ tiếng Anh bắt buộc trong hệ phổ thông là đúng. Chủ trương này hòa nhập với thế giới giáo dục trên toàn thế giới.

Bộ Giáo dục cũng chi hàng ngàn tỉ cho việc thực hiện chủ trương này, lấy tiếng Anh là ngoại ngữ bắt buộc, sau ngôn ngữ mẹ đẻ. Nhưng kết quả đào tạo ra vài thế hệ học trò vô dụng ở giao tiếp tiếng Anh.

Hỏi vì sao, vì hỏng từ gốc. Chi hàng ngàn tỉ song giáo viên đào tạo từ trường Đại học Ngoại ngữ ra trường rất kém, kém về kiến thức, kém về khẩu ngữ. Chi cả ngàn tỉ vẫn thiếu giáo viên nên sự học cũng bập bõm. Nhiều trường ở miền núi, nông thôn luôn thiếu giáo viên tiếng Anh. Thế là hàng ngàn tỉ chi ra vẫn vô tác dụng. Chúng ta vẫn sinh ra cả vài thế hệ học trò gần như mù ngoại ngữ. Một số học sinh bắt buộc phải học ngoại ngữ ở những nơi ngoài hệ thống giáo dục nhà trường. Số này chỉ rơi vào các gia đình có điều kiện.
Việc giáo dục ngoại ngữ ở hầu hết các nước tiên tiến, giàu có, đều bắt buộc tiếng Anh là môn thứ Nhất, tạo kiến thức phổ thông ngoại ngữ cho học sinh ra trường đạt được kết quả là: Giao tiếp được Tiếng Anh. Còn các thứ tiếng khác, ngoại ngữ thứ Hai và Ba, đều do học sinh tự chọn và có năng khiếu. Nước họ giàu giáo viên tiếng Anh đủ mạnh nên họ làm thế.

Ví dụ ở nước Đức, việc đầu tư giáo viên tiếng Anh rất hoàn hảo, rồi mới đầu tư có giáo viên cho các môn ngoại ngữ thứ Hai và thứ Ba khác. Các môn ngoại ngữ sau tiếng Anh đều dựa vào tinh thần tự nguyện và năng khiếu, sở thích của trò, không bắt buộc. Ở trường con gái tôi, cháu đăng kí học ngoại ngữ thứ Hai là tiếng LaTin. Cả trường chỉ có hai học trò đăng kí học Latin, trường Gymnasium vẫn bố trí 1 giáo viên giỏi về dạy. Nước Đức giàu có và hoàn thành việc dạy tiếng Anh môn ngoại ngữ bắt buộc nên làm như thế là ổn.

Ờ thì ở tương lai của nước ta, sự giáo dục trong sự dạy và học ngoại ngữ trước sau sẽ thêm môn thứ Hai và Ba, là tiếng Trung hay tiếng Nga, thậm chí tiếng Pháp, Bồ hay Latin đều rất đúng với xu hướng giáo dục tiên tiến chung toàn thế giới, song trước hết việc dạy ngoại ngữ ở phổ thông vẫn là phải làm tốt môn tiếng Anh trước đã. Khi nào việc dạy tiếng Anh ổn, tức là có đủ giáo viên giỏi, dậy tốt, cho ra trường hầu hết học trò có kiến thức tiếng Anh đủ để giao tiếp thì hãy cho học trò học ngoại ngữ thứ Hai và Ba. Trung hay nga đều được tuốt. Còn phấn đấu như ở Đức, con gái tôi sau 11 năm học tiếng Anh ờ phổ thông đã đọc được sách Anh thì còn xa vời lắm.

Bây giờ Bộ Giáo Dục lại có chủ trương một Dự án tiếng Trung và Nga, sẽ lại chắc chắn dự án chi hàng ngàn tỉ khi thì có nên không? Nên có một dự án mới khi mà dự án dậy tiếng Anh, môn ngoại ngữ cần thiết nhất cho mỗi con người bước ra thế giới còn chưa tốt, chưa hoàn thành, vẫn để cho hàng vạn học sinh mù ngoại ngữ thì lại dự án cho môn ngoại ngữ Thứ Hai và Ba làm gì? 
Việc giáo dục cho học sinh phổ thông hiện tại vẫn là việc: Phải cấp tốc làm sao cho học sinh trung học khi tốt nghiệp lớp 12 xong, bắt buộc phải giao tiếp được tiếng Anh và, nếu việc dạy và học này có kết quà thì hãy bày đặt dự án mới. Khi mà  dự án dạy và học môn tiếng Anh vẫn kém, đã chi hàng ngàn tỉ rồi thì “vẽ” tiếp dự án chỉ tổ lãng phí tiền bạc của nhân dân, của nhà nước. Hãy dành tiền bạc lo cho việc học tiếng Anh của học trò, đội ngũ giáo viên tiếng Anh phải mạnh, phải đủ về kiến thức và số lượng.

Tôi chỉ ước ao, con trai tôi học hết phổ thông có 1 vốn tiếng Anh đủ giao tiếp, đủ hỏi đường, mua bán và tâm sự vài chuyện ở xứ người. Đừng bày vẽ nữa, xin chính phủ đừng nghe Bộ Giáo dục-Đào tạo ở một phương án hết sức sai lầm này./.


Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên