Đột phá năm 2016: 110.100 doanh nghiệp thành lập mới

VOV.VN - Năm 2016 đi vào lịch sử kinh tế Việt Nam như là năm đầu tiên xác lập kỷ lục chưa từng có về thành lập doanh nghiệp.

Năm 2016 đã khép lại với nhiều sự kiện và thành tựu kinh tế quan trọng. Đây là năm đầu tiên của Chính phủ mới - Chính phủ kiến tạo và hành động với hàng loạt các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Đây được coi là những điểm sáng của kinh tế trong năm 2016. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam cũng đối mặt với nhiều khó khăn như tăng trưởng GDP không đạt mục tiêu đề ra, nợ công ngày càng tăng cao…

Lần đầu tiên tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt cao nhưng không phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên. (Ảnh minh họa: KT)
Điểm nổi bật nhất của kinh tế 2016 chính là kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng.

Chính phủ chủ động với các bộ, ngành trong xây dựng các phương án điều hành giá, lãi suất và tỷ giá, năm 2016, được đánh giá là năm thành công trong kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát ở mức 4,74% - thấp hơn mục tiêu 5% Quốc hội đề ra.

Nợ xấu tiếp tục được xử lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống. 11 chỉ tiêu vượt mức báo cáo Quốc hội, 2 chỉ tiêu xấp xỉ đạt. Đặc biệt là vượt chỉ tiêu thu ngân sách, nhiều địa phương, nhiều ngành đổi mới rất quyết liệt. Niềm tin thị trường, niềm tin xã hội được tăng lên.

Một trong những điểm nhấn và cũng là dấu ấn trong phát triển kinh tế 2016 là việc tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngay sau khi Chính phủ mới được hình thành đã có định hướng chuyển từ phương thức mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo, phục vụ.

Cùng với tiếp tục ban hành Nghị quyết 19 năm 2016 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Thủ tướng đã ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, đánh dấu lần đầu tiên Chính phủ có nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp, coi doanh nghiệp làm trung tâm của phát triển.

Năm 2016 đi vào lịch sử kinh tế Việt Nam như là năm đầu tiên xác lập kỷ lục chưa từng có về thành lập doanh nghiệp, với 110.100 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù mức tăng trưởng GDP của năm 2016 không đạt mục tiêu đề ra (6,7%), song, các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh kinh tế thế giới không thuận lợi, trong nước gặp nhiều khó khăn do thời tiết, môi trường biển diễn biến phức tạp thì đạt được mức tăng trưởng 6,21% là một thành công.

Ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê cho biết, trong bức tranh chung của nền kinh tế có nhiều điểm sáng. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, thể hiện ở quý sau vẫn cao hơn quý trước và có sự bứt phá ở quý III và quý IV.

“Lần đầu tiên tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt cao nhưng không phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên. Xuất siêu hàng hóa quay trở lại. Điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá có những điểm tích cực và ổn định. Chính vì vậy, dự trữ ngoại hối được đánh giá là có mức cao kỷ lục từ trước đến nay và lạm phát được kiểm soát tốt”, ông Tuyến đánh giá.

Nợ công - gam tối trong bức tranh kinh tế 2016

Bên cạnh những điểm sáng, kinh tế 2016 vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế  như việc triển khai kế hoạch vốn đầu tư công chậm, một số dự án sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả thấp và tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản còn lớn. Việc tái cơ cấu nhiều ngành, lĩnh vực còn chậm, xử lý nợ xấu và các ngân hàng thương mại yếu kém gặp nhiều khó khăn, kết quả thấp. Tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn đầu tư ngoài ngành chưa đạt kế hoạch.

Các thị trường vốn, chứng khoán, bất động sản phát triển chưa bền vững, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn khi có gần 11.000 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh và hơn 55.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong năm 2016.

Bên cạnh đó, nợ công ngày càng tăng cao và có nguy cơ vượt trần. Dù khẳng định Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng trả 100% nợ công khi tới hạn, song điều mà nhiều chuyên gia kinh tế lo lắng là khi áp lực trả nợ gốc và lãi tăng lên, không gian cho chính sách tài khóa của Việt Nam sẽ bị thu hẹp và ảnh hưởng đến các khoản chi cho đầu tư phát triển, chi cho phúc lợi xã hội, giáo dục, y tế.

Ông Bùi Ngọc Sơn, Phó Trưởng phòng Phòng Kinh tế thế giới, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng, nợ công và kể cả nợ nước ngoài có giai đoạn đã bắt đầu chồng lấp và mức độ ngày càng tăng lên. Nhưng đáng lo ngại là triển vọng kinh tế của chúng ta chưa có gì sáng.

“Rõ ràng khi chúng ta vay nợ nhiều, những gì chính quyền có thể thu về trang trải nợ trong chi tiêu của Chính phủ, trong ngân sách của nhà nước tính đến năm sau có thể lên đến 30%. Nếu cứ thu được bao nhiêu lại mang đi trả nợ hết không còn đồng nào, hoặc là vay xong lại đi trả nợ luôn sẽ là rất nguy hiểm”, ông Sơn lo ngại./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Giải pháp cho tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển bền vững
Giải pháp cho tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển bền vững

VOV.VN - Muốn tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển bền vững thì cơ chế chính sách phải theo kịp với cuộc sống.

Giải pháp cho tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển bền vững

Giải pháp cho tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển bền vững

VOV.VN - Muốn tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển bền vững thì cơ chế chính sách phải theo kịp với cuộc sống.

Nông nghiệp ĐBSCL trước thách thức hội nhập kinh tế
Nông nghiệp ĐBSCL trước thách thức hội nhập kinh tế

VOV.VN - Liên kết vùng và xây dựng những sản phẩm chất lượng, mang thương hiệu sẽ là hướng đi mới cho nông nghiệp vùng ĐBSCL.

Nông nghiệp ĐBSCL trước thách thức hội nhập kinh tế

Nông nghiệp ĐBSCL trước thách thức hội nhập kinh tế

VOV.VN - Liên kết vùng và xây dựng những sản phẩm chất lượng, mang thương hiệu sẽ là hướng đi mới cho nông nghiệp vùng ĐBSCL.

Thủ tướng: Phát triển kinh tế tư nhân là động lực tăng trưởng kinh tế
Thủ tướng: Phát triển kinh tế tư nhân là động lực tăng trưởng kinh tế

VOV.VN - Tại VDF 2016, Thủ tướng khẳng định khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển kinh tế tư nhân là động lực của tăng trưởng kinh tế. 

Thủ tướng: Phát triển kinh tế tư nhân là động lực tăng trưởng kinh tế

Thủ tướng: Phát triển kinh tế tư nhân là động lực tăng trưởng kinh tế

VOV.VN - Tại VDF 2016, Thủ tướng khẳng định khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển kinh tế tư nhân là động lực của tăng trưởng kinh tế.