Hồi ức những lần gặp Bác Hồ của đồng bào Tây Nguyên

VOV.VN - Mỗi dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9, trong niềm vui chung của cả dân tộc, đồng bào Tây Nguyên lại bồi hồi nhớ Bác Hồ.  

Với những người may mắn được gặp Bác, được phục vụ Bác Hồ khi Người còn sống, dịp này, những ký ức ấy lại trở về ấm áp. Những kỷ niệm đẹp ấy không chỉ là niềm tự hào mà còn là những ấn tượng sâu sắc trong cuộc đời, giúp họ cố gắng vươn lên trong chiến đấu, lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên tại Gia Lai (Ảnh minh họa)

Hơn 90 tuổi, mắt mờ, chân run, tai không còn nghe rõ nhưng ông Nông Quốc Tuấn (tên thật là Nông Văn Sỹ ), ở xã Nam Dong, huyện Cư jut, tỉnh Dak Nông, vẫn nhớ như in, kể rành rọt từng kỷ niệm về những năm tháng được phục vụ Bác Hồ. Giai đoạn 1941-1945 khi Bác Hồ về nước hoạt động tại tỉnh Cao Bằng, cậu bé Nông Văn Sỹ, dân tộc Tày, ở xã Nà Sát, huyện Hà Quảng, khi đó mới 16 tuổi, là thành viên tổ chức Nhi đồng cứu quốc, hoạt bát thông thạo địa hình nên được chọn làm liên lạc và lo chuyện cơm nước cho Bác. Gần 4 năm sống cùng Bác Hồ, ông đã được Người dạy chữ, rèn nếp sống ngăn nắp. Và ông cũng thuộc từng sinh hoạt rất giản dị của Người. 

Ông Nông Quốc Tuấn kể: “Bác ăn uống rất đơn giản, mỗi bữa chỉ ăn 1-2 miếng thịt, 2 bát cơm, cơm nhão cũng ăn, cơm cứng cũng ăn, không chê cái gì cả. Ngủ thì nhắm mắt một chút là Bác đã dậy rồi. Bác dậy làm vệ sinh cá nhân xong là ngồi làm việc luôn. Nếu chúng tôi ở đó thì không được gây tiếng động trong khi Bác làm việc. Tôi còn được Bác dạy chữ cho, lúc đó tôi không biết chữ mà, rồi dạy bảng cửu chương...”

Với ông Nguyễn Xuân Toản, hiện đang sống tại tổ dân phố 12, phường Tân An, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, những lời căn dặn đầy lòng tin và trách nhiệm của Bác Hồ khi Người đến thăm Trung đoàn pháo cao xạ 367 năm 1954 đã theo ông trong suốt hai cuộc kháng chiến. Khi đó, ông Toản vừa đi học từ Trung Quốc về, làm Đại đội trưởng cao xạ pháo 37 ly.  Đầu năm 1954, đơn vị ông bất ngờ được Bác Hồ đến thăm, giao nhiệm vụ bắn máy bay địch tại chiến trường Điện Biên Phủ. 

Ông Nguyễn Xuân Toản bồi hồi nhớ lại kỷ niệm được gặp Bác Hồ

“Chúng tôi chỉ được gặp Bác trong một thời gian ngắn, Bác bảo, Bác đón các đồng chí ở Trung Quốc về để chuẩn bị cho giải phóng Điện Biên Phủ. Bác mong các cháu luôn luôn được khỏe mạnh và chiến đấu dũng cảm, trong chiến đấu làm sao tiêu diệt được nhiều máy bay của địch thì mới giải phóng Điện Biên Phủ được. Được gặp Bác Hồ, chúng tôi rất phấn khởi. Nghe Bác căn dặn, bản thân tôi tự hứa phải chiến đấu phải ngoan cường, dũng cảm để tiêu diệt được nhiều máy bay”, ông Nguyễn Xuân Toản bồi hồi nhớ lại.

Thựa hiện lời dạy của Bác, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung đoàn Pháo cao xạ 367, đơn vị nòng cốt của lực lượng phòng không, đã bắn rơi 52 máy bay địch, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Ông Phạm Hùng Anh, 85 tuổi, ở thôn Tân Quý, xã Vụ Bổn, huyện Krông Pách, tỉnh Đắk Lắk may mắn 3 lần được gặp Bác Hồ.  Lần đầu năm 1958, ông tham gia đoàn học sinh đón Bác Hồ về thăm Nông trường Đông Hiếu, Nghĩa Đàn, Nghệ An.  Lần thứ hai, ông cùng công nhân Nông trường Thành Tô (Hải Phòng) đón Bác tại sân bay Cát Bi về thăm Bệnh viện Việt - Tiệp năm 1962. Và cuối năm 1963, khi ông cùng lực lượng tăng cường vào Nam chiến đấu tập trung tại Hòa Bình thì bất ngờ được Bác Hồ đến thăm, động viên. Trong cả 3 lần được gặp lãnh tụ, ấn tượng nhất đối với ông là sự giản dị, gần gũi như người thân trong gia đình. Chính vì vậy mà 40 năm qua, năm nào ông cũng tổ chức giỗ Bác vào ngày 3/9, và gần đây là ngày 2/9. 

Ông Phạm Hùng Anh bên những bức ảnh sưu tầm về Bác Hồ

“Ba lần gặp Bác là vinh dự lớn nhất của tôi. Nhìn lại cuộc đời của Bác - một lãnh tụ của dân tộc mà quá giản dị, vô cùng tình cảm. Bác đứng nói chuyện với công nhân nông trường Đông Hiếu, rồi Bác hát bài ca kết đoàn. Trời nóng quá, bên trong Bác mặc cái áo vuông, cái áo ngoài Bác thả ra.  Một lãnh tụ của dân tộc mà giản dị như một nông dân bình thường, Hình ảnh đó ăn sâu trong tâm trí của chúng tôi. Nông dân mang đôi dép cao su nhưng có bốn quai, còn Bác mang đôi dép có hai quai thôi…”, ông Phạm Hùng Anh xúc động nói.

Mỗi người sau mỗi lần gặp gỡ Bác Hồ là biết bao câu chuyện về sự giản dị, gần gũi của vị lãnh tụ quốc gia với nông dân, công nhân, chiến sỹ... Sự thân thuộc, gần gũi ấy đã tiếp thêm sức mạnh để họ vượt qua khó khăn, vươn lên trong chiến đấu, lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no hạnh phúc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên