Chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát: Tư lệnh ngành thì trách nhiệm phải rõ hơn

VOV.VN - Đại biểu Quốc hội bày tỏ chia sẻ với Bộ trưởng về những khó khăn, nhưng là Tư lệnh ngành thì phải tiên phong và rõ trách nhiệm.

Sẽ tiếp tục chất vấn vì chưa thỏa mãn

Là người đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát về vấn đề liên kết 4 nhà (Nhà nước, nông dân, doanh nghiệp và nhà khoa học), trong phiên sáng 11/6, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) đánh giá Bộ trưởng đã trả lời cơ bản, nhưng có những điều chưa thỏa mãn.

“Tôi hỏi 4 Nhà thì nhà nào đóng vai trò chính, là nhạc trưởng, Bộ trưởng nói nhà doanh nghiệp. Đúng là nhà doanh nghiệp có vai trò hết sức quan trọng nhưng theo quan điểm của tôi, DN có phải là nhạc trưởng để làm chuyển biến tình hình hay không thì rõ ràng là một vấn đề để suy nghĩ”, đại biểu bày tỏ.

Đại biểu Tuyết cho rằng, nếu Nhà nước không có cơ chế, chính sách đối với DN và hỗ trợ người dân tổ chức lại sản xuất, đưa nhà khoa học về nông thôn giúp tăng năng suất, đảm bảo chất lượng thì không thể làm được.

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu)

Cũng theo đại biểu, DN chưa mặn mà với nông nghiệp. Bộ trưởng là tư lệnh ngành thì thông qua thực tiễn này phải tham mưu để Chính phủ ban hành các chính sách thu hút, hấp dẫn DN để họ đầu tư.

“Tôi rất chia sẻ với Bộ trưởng về những khó khăn mà chỉ riêng Bộ không giải quyết được mà cần có sự chung tay của nhiều Bộ. Nhưng Bộ trưởng là là Tư lệnh ngành thì phải là người tiên phong và rõ trách nhiệm hơn”, đại biểu nêu quan điểm.

Ông Tuyết cũng cho biết, với những điều chưa thỏa mãn, ông chắc chắn sẽ tiếp tục chất vấn để làm rõ.

Chưa rõ trách nhiệm của Bộ trưởng

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) nói: “Thế giới có nhiều giống cây, con được kiểm nghiệm trong thực tiễn sản xuất mình có thể đưa về áp dụng vì sao không về được? Vì sao người nông dân cứ phải loay hoay tìm giống này sang giống khác một cách tự phát. Như vậy đó là trách nhiệm của chúng ta, trong đó có trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn".

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM)

Đại biểu cho rằng Bộ trưởng nói về trách nhiệm của mình chưa rõ: "Tôi muốn Bộ trưởng xác định trách nhiệm của mình trong tất cả những vấn đề đó. Cách mà Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm như thế nào trước việc đó để nền nông nghiệp phát triển trong thời gian tới, để chúng ta không lặp lại cái vòng luẩn quẩn là cứ chất vấn, cứ nhận trách nhiệm nhưng cuối cùng không giải quyết được vấn đề, không phát triển được".

Cũng theo đại biểu, trách nhiệm ở đây không phải để kỷ luật hay thế này thế khác, vấn đề mình đã khẳng định trách nhiệm rồi thì sẽ giải quyết vấn đề đó bằng những giải pháp cụ thể, đảm bảo nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Nếu có giải pháp tốt, chúng ta sẽ phát triển nông nghiệp bền vững, mà còn lồng vào đó một nhân tố nhân văn, đó là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước với chất lượng sống của nông dân.

Phải giải quyết vấn đề căn cơ

Cũng liên quan vấn đề liên kết 4 Nhà, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cũng cho rằng cần xác định nhà nào là trụ cột, là nhạc trưởng và sự kết hợp nhịp nhàng giữa 4 Nhà như thế nào. Bộ nào liên quan mà thời gian qua cần nhìn nhận điều gì chưa làm được, rút kinh nghiệm để triển khai cho công tác sau.

Theo ông Vinh, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói DN đóng vai trò chủ đạo là trên góc độ vĩ mô, còn thực tế chưa sát. Quan trọng nhất vẫn là làm sao hỗ trợ nông dân, đưa KH-CN vào để nâng cao năng suất xuất và chất lượng, sau đó mới là chế biến, bảo quản, phân phối. Chính phủ phải có chính sách đồng bộ để nâng sức cạnh tranh của nông nghiệp.

“Trong thời gian qua, Bộ NN-PTNT tham mưu, đưa ra một số chủ trương để thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Nhưng tại sao các DN chưa mặn mà? Phải chăng biện pháp đưa ra chưa thực hữu hiệu. Nếu mặn mà, hấp dẫn thì tình hình khác rồi nhưng thực tế chưa khác nên phải xem lại”, đại biểu nêu quan điểm.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh cũng nhấn mạnh, Tư lệnh ngành cần nhận khuyết điểm về cái gì chưa làm được và đặc biệt phải đưa ra giải pháp để cử tri và đại biểu yên tâm.

Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) 

Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) thì đánh giá Bộ trưởng trả lời đầy nhiệt huyết và thể hiện quyết tâm của mình, nhưng quan trọng là giải quyết vấn đề căn cơ.

Việt Nam duy trì một nền nông nghiệp, đất nước đi lên từ tự cấp tự túc giải quyết cái nghèo đói sang thị trường và cứ thế ta phát triển mà quên rằng phải tận dụng lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới có ưu thế để tham gia thị trường. Nông nghiệp Việt Nam bán cái mình có chứ không phải bán cái thị trường cần, giá trị cao. Đây là bài toán cần giải quyết.

“Bộ trưởng nói vấn đề quan trọng nhất là thị trường. Nhưng muốn tham gia thị trường thì quyết định của trồng trọt là giống, chăn nuôi là thức ăn. Hai cái đó Việt Nam bỏ ngõ thì thị trường gì cũng không cạnh tranh được”, ông Trần Du Lịch nêu ý kiến./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên