Thủ tướng yêu cầu sớm hoàn thiện phương án ứng phó với siêu bão

VOV.VN - Thủ tướng nêu rõ, câu nói chỉ ra rằng lũ lụt, cháy nổ như giặc, nhưng nhiều nơi chưa nhận thức tốt điều này nên còn chủ quan trong chỉ đạo điều hành.

Chiều nay, tại Hà Nội, diễn ra Hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã tới dự và phát biểu chỉ đạo.  

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, năm ngoái, thiên tai làm 264 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế gần 40 nghìn tỉ đồng, trong đó có hàng trăm nghìn ngôi nhà bị đổ và ngập nước; gần 830 nghìn ha lúa và hoa màu bị thiệt hại. Còn theo Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, năm qua, với gần 2.700 vụ thiên tai, tai nạn, sự cố đã làm chết 736 người, tăng so với năm trước 71 người; thiệt hại về tài sản lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Riêng quý 1 năm nay đã có 187 người chết.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Việt Nam là đất nước chịu nhiều thiên tai, với “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa” như lời một bài hát. Trong đó, năm 2016 là năm đặc biệt về thiên tai và nhân tai. Nhiều thiên tai lịch sử xảy ra gây thiệt hại lớn về tính mạng con người, tài sản và mất đi gần 1% GDP.

Thủ tướng đánh giá cao chất lượng những tài liệu mà Ban tổ chức chuẩn bị cho hội nghị.

Trong bối cảnh đó, các cơ quan chức năng đã chỉ đạo quyết liệt, kịp thời và trách nhiệm ứng phó với thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, giảm thiệt hại về người và tài sản. Thủ tướng đánh giá cao sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang, công an, quân đội, thanh niên và các đoàn thể xã hội, các tổ chức quốc tế, góp phần đảm bảo đời sống nhân dân, không để một người dân nào đói cơm, đứt bữa, “màn trời chiếu đất” do thiên tai. Nhân dịp này, Thủ tướng cảm ơn đánh giá cao các tổ chức quốc tế đã kịp thời hỗ trợ xử lý những vấn đề sau thiên tai ở Việt Nam.

Thủ tướng đánh giá cao thời gian qua, nhiều địa phương đã có những mô hình tốt như mô hình cải tạo cánh đồng sau thiên tai ở Lào Cai, Quỹ Hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung do ông Phan Diễn – Nguyên Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban Bí thư, làm Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ,..., đã mang lại hiệu quả thiết thực được xã hội quan tâm.   

Nhắc đến câu nói quen thuộc về các đại nạn là “thủy, hỏa, đạo tặc”, Thủ tướng nêu rõ, câu nói chỉ ra rằng lũ lụt, cháy nổ như giặc, nhưng nhiều nơi chưa nhận thức tốt điều này nên còn chủ quan trong chỉ đạo điều hành. Chính vì vậy khi thiên tai xảy ra đã gây thiệt hại lớn:

"Trước hết, Luật phòng chống thiên tai có hiệu lực từ 1/5/2014 mà đến nay vẫn chưa xây dựng xong Kế hoạch phòng chống thiên tai cấp quốc gia. Một số địa phương, bộ, ngành chưa quan tâm đúng mức xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; chưa cụ thể hóa được các tình huống, kịch bản sát thực tế để có phương án ứng phó phù hợp; chưa kịp thời điều chỉnh, cập nhật các tình huống thiên tai cực đoan; nhất là phương châm “4 tại chỗ” nhiều nơi chuẩn bị còn mang tính hình thức, nên khi thực tiễn xảy ra thì lúng túng. Chính vì vậy tôi đề nghị các đồng chí phải khẩn trương ban hành kế hoạch trong năm 2017".

Thủ tướng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Để có kế hoạch phòng chống thiên tai cấp quốc gia tốt, Thủ tướng lưu ý không chỉ dựa vào các chuyên gia và nguồn vốn nước ngoài mà phải biết cách huy động các chuyên gia trong nước, huy động các bộ, ngành, địa phương cùng chung sức, không chỉ cho kế hoạch này mà còn chuẩn bị cho tổng kết 10 năm thực hiện Luật Đê điều. Nhất là khi đội ngũ chuyên gia trong nước có đủ kinh nghiệm và trình độ trong công tác này.  

Cho rằng công tác quản lý Nhà nước về phòng chống thiên tai còn nhiều bất cập, Thủ tướng yêu cầu phải rà soát và sửa đổi ngay. Thủ tướng nêu lên 4 ví dụ cho thấy sự bất cập đó, trong đó có việc một số công trình thủy điện, giao thông khu dân cư khi đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành còn thiếu kiểm tra, thiếu giám sát từ khâu lập quy hoạch; chưa quan tâm đến việc phòng ngừa các tác động tới thiên tai, làm gia tăng rủi ro khi thiên tai trong khu vực.

Thủ tướng nói: "Hồ chứa nước, bên cạnh phục vụ thủy điện và thủy lợi thì phải phục vụ chống hạn. Không thể để tình trạng xả lũ làm tăng ngập cho dân ở vùng hạ lưu rồi lại trả lời là xả đúng quy trình. Vậy quy trình đó là sai không thể chấp nhận được. Xây hồ chứa nước nhưng khi hạn thì hồ lại cạn kiệt không có nước cho chống hạn. Như vậy là quy trình điều tiết hồ sai. Thành phố ngay cạnh biển nhưng lại không thoát được lũ ra biển. Nhiều tỉnh đã bị cái này mà bị lụt nhiều ngày do không tiêu thoát được. Như vậy quản lý xây dựng không theo quy hoạch, hoặc có phải là quy hoạch xây dựng sai vì không tính đến đường thoát lũ. Những câu hỏi như vậy, những kinh nghiệm như vậy chúng ta cần phải lưu ý trong quá trình quy hoạch thành phố".

Thủ tướng cũng nêu một thực tế là quỹ phòng chống thiên tai do xã, phường thu, nhưng sau đó nộp hết về tỉnh, thành phố, sau đó phường xã lại phải đi xin như thời bao cấp. Như vậy đã tạo ra cơ chế “xin-cho”, trong khi cấp xã làm nhiều việc về phòng chống thiên tai.

Trong khi đó, công tác dự báo do chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiều dự báo nhiều khi còn “gây bất ngờ lớn”. Do đó, Thủ tướng yêu cầu cần nâng cao chất lượng dự báo, phối hợp hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực dự báo. Công tác thông tin tuyên truyền chưa đến được với người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, dẫn đến khi xảy ra thiên tai khiến nhiều người dân thiệt mạng.

Về nhiệm vụ phòng chống thiên tai trong năm 2017, Thủ tướng chỉ đạo: "Chúng ta phải chuẩn bị tinh thần Việt Nam là một trong 5 nước chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu hết sức sâu sắc. Chúng ta phải nâng cao nhận thức về vấn đề này. Để làm sao? Cái đầu tiên mà chúng tôi muốn nói mà cũng là khắc phục tồn tại là tinh thần “4 tại chỗ”, giáo dục ý thức cho người dân là vấn đề rất quan trọng của mỗi cấp ủy chính quyền. Còn khi bão lũ tới rồi thì không cách gì xử lý kịp thời được. Chính vì vậy, công tác phòng chống thiên tai phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của người dân, của doanh nghiệp, với phương châm lấy phòng ngừa là chính".

Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo hoàn thiện cơ chế chính sách và hệ thống văn bản pháp lý về phòng chống thiên tai và phù hợp với các cam kết quốc tế về phòng chống thiên tai; từ đó xây dựng cơ chế quản lý và sử dụng quỹ phòng chống thiên tai theo hướng cấp xã được trích lại một phần sau khi thu để chủ động trong hoạt động phòng chống thiên tai. Cùng với đó là sớm kiện toàn hệ thống chuyên trách phòng chống thiên tai cũng như cơ quan tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ từ Trung ương đến cơ sở.

Đối với chiến lược quốc gia về phòng chống giảm nhẹ thiên tai và kế hoạch phòng chống thiên tai cấp quốc gia, Thủ tướng yêu cầu sớm hoàn thiện trên cơ sở cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu và tình hình thiên tai, trong đó xác định lấy phòng ngừa là chính. Ngoài sự hỗ trợ của hệ thống chính trị, thì Thủ tướng cho rằng, cần hỗ trợ người dân có phương án để tự bảo đảm cho chính mình và cho gia đình mình. Đi liền với đó là các địa phương, bộ ngành phải rà soát xây dựng phương án, nhiệm vụ ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong năm 2017.

Dự báo năm nay có tới 5-17 cơn bão, Thủ tướng chỉ đạo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tiếp thu ý kiến của các địa phương để sớm hoàn thiện phương án ứng phó với siêu bão, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của áp dụng tiến bộ khoa học vào công tác phòng chống thiên tai, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan ưu tiên nguồn lực để nghiên cứu ứng dụng khoa học vào công tác phòng chống thiên tai.

Từ chỉ đạo này, Thủ tướng nêu ví dụ, hiện lượng xỉ than do các nhà máy nhiệt điện ở Quảng Ninh thải ra rất lớn, chất cao như núi. Nếu không có giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ dùng xỉ than làm vật liệu xây dựng, khi mưa gió lớn có thể khiến sạt lở lớn, trôi xuống thì thành phố ở Quảng Ninh khó tồn tại./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

"Thủ tướng, các Phó Thủ tướng luôn lắng nghe bất cứ nhà khoa học nào"
"Thủ tướng, các Phó Thủ tướng luôn lắng nghe bất cứ nhà khoa học nào"

VOV.VN - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn các nhà khoa học tiếp tục tư vấn, phản biện chính sách của Đảng, Nhà nước  

"Thủ tướng, các Phó Thủ tướng luôn lắng nghe bất cứ nhà khoa học nào"

"Thủ tướng, các Phó Thủ tướng luôn lắng nghe bất cứ nhà khoa học nào"

VOV.VN - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn các nhà khoa học tiếp tục tư vấn, phản biện chính sách của Đảng, Nhà nước  

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

VOV.VN - Hai Thủ tướng nhất trí tiếp tục tăng cường sự tin cậy về chính trị thông qua việc duy trì các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

VOV.VN - Hai Thủ tướng nhất trí tiếp tục tăng cường sự tin cậy về chính trị thông qua việc duy trì các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao.