Phát triển mạng lưới cấp cứu ngoại viện

VOV.VN -Đây là một tín hiệu vui cho người dân, khi mà sinh mạng của mình sẽ được cứu chữa kịp thời.

Liên tục trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua, TP HCM cho ra đời các trạm cấp cứu vệ tinh đặt tại các bệnh viện tuyến quận huyện. Sở Y tế thành phố cũng đặt ra mục tiêu sẽ hình thành các trạm cấp cứu này ở toàn bộ các quận huyện trong thời gian gần nhất. Đây là một tín hiệu vui cho người dân, khi mà sinh mạng của mình sẽ được cứu chữa kịp thời.

Ảnh minh họa.

 Ngày 15/5, anh T. M. N, 25 tuổi  bị tai nạn giao thông gần như đứt lìa 1/3 cẳng chân phải nhưng đã được phẫu thuật nối chi thành công vì được Trạm cấp cứu vệ tinh của Bệnh viện đa khoa Xuyên Á (huyện Củ Chi) đưa vào cấp cứu trong thời gian vàng. Trạm cấp cứu vệ tinh này mới chỉ đi vào hoạt động từ ngày 7/5. Nếu không có trạm này, anh N chắc chắn sẽ như nhiều nạn nhân khác- không được sơ cấp cứu kịp thời.

Bác sĩ Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Xuyên Á phân tích: “Trước đây, khi thiếu thốn phương tiện, người dân bằng mọi cách đưa nạn nhân đến bệnh viện. Điều này ảnh hưởng đến cả một quy trình cấp cứu. Thời gian chắc chắn chậm đi. Chúng tôi đã chuẩn bị một đội ngũ cấp cứu chuyên nghiệp. Quy trình báo động đỏ đã được ấn nút khởi động từ khi bệnh nhân chưa đến bệnh viện. Chính vì thế, quy trình cấp cứu của chúng tôi hết sức nhanh, mạnh. Nhiều trường hợp được cấp cứu hết sức ngoạn mục”.

Việt Nam là nước xếp thứ 4 trên thế giới về số người chết do tai nạn giao thông. Trong nhiều năm qua, trong mỗi dịp lễ tết, các khoa cấp cứu của các bệnh viện lớn luôn phải hoạt động hết công suất vì đây là thời điểm có rất nhiều ca tai nạn giao thông. Phần lớn nạn nhân được cấp cứu và điều trị tại các bệnh viện đều bỏ qua khâu sơ cấp cứu tại hiện trường tai nạn.

Trong y khoa, đây là vấn đề hết sức quan trọng. Vì khi tai nạn xảy ra, nếu nạn nhân được sơ cấp cứu đúng cách rồi đưa đến bệnh viện kịp thời thì việc chữa trị sẽ nhẹ nhàng và khả năng được bình phục sẽ rất cao. Trước thực trạng đó, sự ra đời của những trạm cấp cứu vệ tinh tại TP HCM là rất cần thiết. Để việc cấp cứu được thuận tiện, có một số trạm cấp cứu vệ tinh được đầu tư lớn về nhân sự, công nghệ thông tin, như Trạm cấp cứu vệ tinh đặt tại Bệnh viện quận Thủ Đức.

 Bác sĩ Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Bệnh viện quận Thủ Đức cho biết: “Chúng tôi sử dụng phần mềm bản đồ để xác định chi tiết từng địa chỉ nhà dân, từng tuyến đường một. Bệnh viện đã cài đặt địa chỉ của 500 ngàn dân quận Thủ Đức vào phần mềm. Phần mềm sẽ xác định đường đi gần nhất cho xe cấp cứu. Cứ 6 giây một lần thì phần mềm sẽ thông báo vị trí của xe cấp cứu”.

Hiện nay, TP HCM đã có 5 trạm cấp cứu vệ tinh, tập trung ở các khu vực cửa ngõ vào thành phố là: quận Thủ Đức, Quận 2, huyện Củ Chi, quận Bình Tân. Đây là những khu vực có nhiều tuyến đường xa lộ và dân nhập cư đông và cũng là khu vực xảy ra rất nhiều vụ tai nạn giao thông.

Theo thống kê của Bệnh viện Quận 2 thì mỗi năm nơi này tiếp nhận khoảng 9.000 trường hợp cấp cứu vì tai nạn giao thông. Trong khi đó, tình trạng kẹt xe diễn ra thường xuyên đã khiến cho việc điều xe cấp cứu từ Trung tâm 115 đến các khu vực ngoại thành gặp rất nhiều khó khăn.

Lãnh đạo Sở Y tế thành phố thừa nhận có những trường hợp khi xe cứu thương đến thì bệnh nhân đã tử vong.

Bác sĩ Trần Vĩnh Khanh, Phó Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 TP HCM nói: “TP HCM có trên 10 triệu dân, địa bàn rất rộng lớn. Hệ thống giao thông chưa đáp ứng được. Nếu cứ co cụm một chỗ thì rất mất thời gian. Nếu có nhiều trạm cấp cứu thì thời gian đáp ứng cuộc gọi càng ngắn, cơ hội sống sót cao”.

Mạng lưới cấp cứu ngoại viện là hết sức cần thiết nhưng để có thể rộng khắp 24 quận huyện là việc không dễ dàng. Có thể thấy, từ lúc hình thành Trung tâm cấp cứu 115 vào năm 2013 thì mãi đến sau 3 năm toàn thành phố mới có 5 Trạm cấp cứu vệ tinh hoạt động xoay quanh Trung tâm 115. Để giải quyết những vướng mắc về trang thiết bị, nhân sự và cơ sở hạ tầng, Sở Y tế TP HCM khuyến khích các bệnh viện quận huyện tham gia vào mạng lưới này với nhiều phương thức khác nhau.

Theo Bác sĩ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM: “Có 3 phương thức để các bệnh viện tham gia. Thứ nhất là toàn bộ xe và nhân viên cấp cứu là của Trung tâm cấp cứu 115. Thứ 2 là ngược lại, toàn bộ xe và nhân viên cấp cứu là của bệnh viện. Thứ 3 là bệnh viện chỉ lo một nửa, phần còn lại là Trung tâm cấp cứu 115 lo một nửa về nhân sự và xe cấp cứu”.

Lãnh đạo Sở Y tế TP HCM khẳng định, trước năm 2020 sẽ hình thành đủ 26 trạm cấp cứu vệ tinh tại 24 quận huyện trong thành phố. Với cách làm như hiện nay thì chỉ tiêu này có thể sẽ đạt được. Nhưng với con số 10 triệu dân và một địa bàn rộng lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều chuyên gia cho rằng, phải cần đến con số hàng trăm trạm cấp cứu vệ tinh mới đáp ứng đủ nhu cầu thực tế của người dân./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

TPHCM: CSGT đưa nam sinh gặp tai nạn đi cấp cứu
TPHCM: CSGT đưa nam sinh gặp tai nạn đi cấp cứu

VOV.VN - Phát hiện nam học sinh gặp tai nạn, chiến sĩ CSGT đã sơ cứu vết thương rồi nhanh chóng dùng xe đặc chủng đưa nạn nhân đến bệnh viện...

TPHCM: CSGT đưa nam sinh gặp tai nạn đi cấp cứu

TPHCM: CSGT đưa nam sinh gặp tai nạn đi cấp cứu

VOV.VN - Phát hiện nam học sinh gặp tai nạn, chiến sĩ CSGT đã sơ cứu vết thương rồi nhanh chóng dùng xe đặc chủng đưa nạn nhân đến bệnh viện...

Nghệ An: Khiển trách một bác sĩ từ chối cấp cứu người bệnh
Nghệ An: Khiển trách một bác sĩ từ chối cấp cứu người bệnh

 Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long vừa báo cáo Bộ Y tế về việc xử lý một bác sĩ ở Trạm Y tế xã Diễn Kỳ (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An).

Nghệ An: Khiển trách một bác sĩ từ chối cấp cứu người bệnh

Nghệ An: Khiển trách một bác sĩ từ chối cấp cứu người bệnh

 Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long vừa báo cáo Bộ Y tế về việc xử lý một bác sĩ ở Trạm Y tế xã Diễn Kỳ (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An).

Nữ sinh nhập viện cấp cứu sau khi tiêm vắc xin tại trường
Nữ sinh nhập viện cấp cứu sau khi tiêm vắc xin tại trường

Sau khi được tiêm vắc xin sởi – Rubella, 2 học sinh trường cấp 3 ở Hà Tĩnh buồn nôn, chóng mặt, khó thở.

Nữ sinh nhập viện cấp cứu sau khi tiêm vắc xin tại trường

Nữ sinh nhập viện cấp cứu sau khi tiêm vắc xin tại trường

Sau khi được tiêm vắc xin sởi – Rubella, 2 học sinh trường cấp 3 ở Hà Tĩnh buồn nôn, chóng mặt, khó thở.

Sưởi ấm bằng than, 3 người trong gia đình phải nhập viện cấp cứu
Sưởi ấm bằng than, 3 người trong gia đình phải nhập viện cấp cứu

VOV.VN - Trong lúc dùng than tổ ong sưởi ấm, 3 người trong một gia đình phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

Sưởi ấm bằng than, 3 người trong gia đình phải nhập viện cấp cứu

Sưởi ấm bằng than, 3 người trong gia đình phải nhập viện cấp cứu

VOV.VN - Trong lúc dùng than tổ ong sưởi ấm, 3 người trong một gia đình phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.