Thủ tướng Italy tuyên bố từ chức sau thất bại trong trưng cầu ý dân

VOV.VN - Thêm một lần nữa, một Chính phủ tại châu Âu đã thất bại trong trưng cầu ý dân. 

Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao

Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu rất cao, hơn 68%, một phần cũng do các đối thủ chính trị của Thủ tướng Renzi tăng cường vận động người dân đi tham gia cuộc trưng cầu ý dân. 

Và tỷ lệ phản đối dự luật cải cách của đương kim Thủ tướng chiếm tới khoảng 60%, vượt trội so với tỷ lệ ủng hộ. Chỉ có ba vùng trả lời “ủng hộ” là Toscane, Ombrie, Emilie-Romagna.

Thủ tướng Italy Matteo Renzi thừa nhận thất bại trong trưng cầu ý dân. (Ảnh: Telegraph).

Phát biểu trong đêm, Thủ tướng Italy đã thừa nhận thất bại và tuyên bố từ chức đúng như cam kết ban đầu: “Tôi đã thua. Chính phủ của tôi dừng lại ở đây. Chiều mai, tôi sẽ triệu tập cuộc họp Hội đồng bộ trưởng và trình đơn từ chức lên Tổng thống”.

Dự luật cải cách mà ông Renzi đưa ra nhằm xóa bỏ cơ chế nhị viện “hoàn hảo”, theo đó Thượng viện và Hạ viện có quyền lực ngang nhau, cả hai đều có quyền bãi bỏ các bộ luật, bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ và bãi miễn chính phủ, được xem là một trong những đặc trưng của nền chính trị Italia nhưng cũng bị coi là nguyên nhân gây nên tình trạng bất ổn chính trị triền miên ở quốc gia Nam Âu này. 

Cải cách Hiến pháp này được xem là tham vọng rất lớn của ông Matteo Renzi nhằm hiện đại hoá nền dân chủ bị xem là có rất nhiều điểm bất cập của Italia, phá vỡ truyền thống chính trị bế tắc ở nước này, đồng thời giảm gánh nặng tài chính cho quốc gia bởi với mức lương trung bình 15.000 Euro/tháng, các Thượng nghị sỹ Italia nằm trong số những Thượng nghị sĩ được trả lương cao nhất châu Âu.

Tuy nhiên, giới phân tích nhận định ông Renzi đã đặt cược đầy rủi ro khi tuyên bố sẽ từ chức nếu đa số người dân phản đối dự luật cải cách mà ông đưa ra. Thay vì hướng tới một sự ổn định, với kết quả cuộc trưng cầu ý dân, chính trường Italia lại bước vào một giai đoạn bất ổn định mới.

Trưng cầu ủng hộ hay phản đối Thủ tướng Italy

Kết quả này cho thấy là đúng như phân tích của nhiều người, cuộc trưng cầu ý dân về cải cách Hiến pháp đã biến thành một cuộc trưng cầu ý dân về việc phản đối hay ủng hộ cá nhân Thủ tướng Italy, Matteo Renzi. 

Xin nhắc lại rằng dự luật cải cách Hiến pháp đầy tham vọng này của ông Renzi bị hầu như mọi đảng phái tại Italy, nhất là các đảng đối lập, phản đối vì họ xem đây là cơ hội để lật đổ ông Renzi do trước đó ông Renzi có tuyên bố là nếu trưng cầu ý dân thất bại, ông sẽ từ bỏ chức vụ Thủ tướng Italy. 

Nhiều nhà phân tích cho rằng ông Renzi đã thực hiện một canh bạc quá mạo hiểm, gần giống như cựu Thủ tướng Anh David Cameron trong cuộc trưng cầu ý dân về Brexit hồi tháng 6 năm nay và thực tế là do bị mọi đối thủ dồn sức tấn công, ông Renzi đã mất điểm và dự luật cải cách đầy tham vọng của ông bị huỷ bỏ. 

Nói cách khác là kết quả cuộc trưng cầu ý dân này không hẳn là phản ánh việc cử tri Italy phản đối cải cách mà chủ yếu là phản đối ông Renzi. 

Tất nhiên, nói thế không có nghĩa là những cử tri phản đối cải cách Hiến pháp, đặc biệt là cư dân ở miền Nam Italy, không bị tác động bởi các yếu tố lịch sử, chẳng hạn việc lo ngại xu hướng độc đoán trong chính quyền nếu cơ chế nhị viện ngang quyền bị bãi bỏ… bởi trong quá khứ, nền chính trị Italy từng chứng kiến xu hướng độc tài này trỗi dậy và gây hại, như Mussolini hồi Thế chiến II, rồi kể cả Berlusconi sau này. Vì thế, cuộc trưng cầu ý dân này cho thấy các trở lực trong việc thay đổi truyền thống chính trị ở Italy vẫn còn tương đối mạnh.

Tác động không nhỏ đến châu Âu

Trước hết phải nói rằng cuộc trưng cầu ý dân vừa diễn ra là một chuyện hoàn toàn nội bộ của Italy, chứ không phải là một vấn đề có liên quan trực tiếp đến châu Âu như Brexit ở Anh. 

Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là cuộc trưng cầu ý dân này không tác động lớn đến châu Âu. Đầu tiên, là ở khía cạnh cá nhân, cụ thể là Thủ tướng Italy, Matteo Renzi. 

Kể từ khi lên nắm quyền cách đây 2 năm, ông Renzi đang xây dựng được cho mình hình ảnh của một chính trị gia có cá tính, mạnh mẽ và dám chấp nhận đổi mới. Từ sau khi Brexit xảy ra thì vai trò của Italy, với tư cách là nền kinh tế thứ 3 của Liên minh châu Âu, và của ông Renzi, đã được nâng cao. 

Bộ ba Merkel ở Đức, Hollande ở Pháp và Renzi ở Italia từ nhiều tháng nay được xem là bộ ba hạt nhân lãnh đạo của EU trong khủng hoảng, mà tiêu biểu là cuộc gặp thượng đỉnh mini do ông Renzi tổ chức hồi Hè tại Italia ngay sau khi Brexit diễn ra. 

Vì thế, bất cứ một rủi ro chính trị nào đến với ông Renzi cũng có thể tác động đến châu Âu. Ông Renzi thất bại và có thể sẽ tuyên bố từ chức như đã hứa và khi đó thì đội ngũ lãnh đạo ở châu Âu lại có sự xáo trộn. Về mặt kinh tế thì cũng có thể có những tác động tiêu cực vì ông Renzi là người mạnh dạn cải cách nên nếu ông rút lui thì niềm tin đối với nền kinh tế Italy, vốn đã không nhiều, lại càng bị xói mòn. Lĩnh vực tài chính, ngân hàng của Italy chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi đây là khu vực đang chịu nhiều nợ xấu và có đến 8 ngân hàng Italia bị xếp vào nhóm có nguy cơ phá sản. 

Tuy nhiên, điều nguy hiểm nhất với châu Âu đó là nếu ông Renzi từ chức thì khả năng đảng dân tuý Phong trào 5 sao của chính trị gia Beppe Grillo lại mạnh lên và nắm thêm quyền lực ở Italia là rất cao. Khi đó thì Brussels sẽ thực sự gặp rắc rối bởi Phong trào 5 sao có thể là tác nhân khiến các đảng dân tuý và cực đoan khác ở châu Âu trỗi lên mạnh mẽ, mà đa số các đảng này đều mang các tư tưởng chống lại Liên minh châu Âu. Đó mới là điều đáng sợ với Brussels./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Italia trưng cầu ý dân về việc cải cách Hiến pháp
Italia trưng cầu ý dân về việc cải cách Hiến pháp

VOV.VN - Người dân Italy hôm nay đi bỏ phiếu quyết định có hay không tiến hành đợt cải cách Hiến pháp quan trọng nhất kể từ sau Thế chiến II.

Italia trưng cầu ý dân về việc cải cách Hiến pháp

Italia trưng cầu ý dân về việc cải cách Hiến pháp

VOV.VN - Người dân Italy hôm nay đi bỏ phiếu quyết định có hay không tiến hành đợt cải cách Hiến pháp quan trọng nhất kể từ sau Thế chiến II.