NSND Quốc Anh hai lần từ chối “Ơn giời cậu đây rồi” vì thấy phản cảm

VOV.VN - Nghệ sĩ nhân dân Quốc Anh cho biết 2 lần anh được mời tham gia chương trình "Ơn giời cậu đây rồi" nhưng đã từ chối vì thấy phản cảm.

Với những vai diễn "để đời" như Lang rỗ, Lý lác, nghệ sĩ nhân dân Quốc Anh là một trong những gương mặt được yêu thích và chờ đợi trong những vở kịch hài của mỗi mùa Tết đến Xuân về. Ấy vậy mà trong cuộc trò chuyện với phóng viên, nghệ sĩ Quốc Anh- người vốn mang lại nhiều tiếng cười cho công chúng lại có những ngậm ngùi khi bàn về hài kịch. 

Hình ảnh trong một tiểu phẩm hài Tết

“Tôi chưa cảm được cái hay của tiếng cười trong hài gameshow”

Là diễn viên chèo nhưng nghệ sĩ Quốc Anh lại có duyên với hài kịch. Anh đến với khán giả nhiều nhất cũng chính thông qua những vai diễn hài thâm thúy, sâu cay. Quốc Anh diễn hài không chỉ để mang lại tiếng cười mà còn để lại nhiều suy ngẫm. Bởi lối diễn của anh là “hài nhân vật, hài tính cách chứ không buông lơi vài câu, vài từ để gây cười trong thoáng chốc, cười phào là xong”, anh nói. 

Cũng chính vì thế mà Quốc Anh chỉ nhận lời vào vai những tác phẩm thực sự có đầu tư về bối cảnh, kịch bản, diễn viên. “Chỉ có sự đầu tư mới có thể mang đến những tác phẩm nghệ thuật thực sự. Một vở hài kịch hay, chạm đến được cảm xúc của khán giả, tất cả đều do công chúng thẩm định, và đó cũng là thước đo của giá trị nghệ thuật. Với sự phát triển chung của xã hội và cũng để gần hơn với đời sống công chúng, hài kịch cũng cần sự đơn giản, chứ học thuật , cao siêu quá khán giả không hiểu được, mà khán giả không hiểu thì nghệ thuật đó trở thành vô nghĩa. Tôi từng học ở trong trường với kiến thức cao siêu nhưng khi ra làm nghề thì nhiều cái không cần vận dụng đến”, anh thổ lộ.

Theo nghệ sĩ Quốc Anh, hài kịch đang tồn tại nhan nhản trên sóng truyền hình, đặc biệt là ở các gameshow nhưng điều đáng tiếc là càng ngày, càng bị thương mại hóa. Bởi thế mà tìm được một tiếng cười thực sự hài hước, thâm thúy, mang giá trị nghệ thuật không phải dễ. 

Mỗi mùa Tết, lại nhận được rất nhiều những lời mời từ các đạo diễn, nhà sản xuất, nhưng một nghệ sĩ thực sự trân trọng nghề cần biết chắt lọc những lời mời, không nên xuất hiện ôm đồm khiến hình ảnh của mình trở nên mở nhạt trước công chúng. Nhiều về số lượng nhưng ít về chất lượng. 

“Mình thế nào khán giả họ biết hết”, nghệ sĩ Quốc Anh nói vậy. Anh cho rằng không phải cứ xuất hiện nhiều là tốt. “Là bởi có những gameshow hài cực tốt nhưng có những cái rất dở, điều đáng tiếc là những gameshow dở ấy lại có độ lan tỏa lớn, làm mất tính linh thiêng của sân khấu, của nghệ thuật. Đặc biệt trong miền nam, không phải tôi có định kiến nhưng có thể do phong cách, do về sự cảm nhận truyền thống nhưng sự thật là tôi không cảm nhận được cái hay trong những vở hài kịch của họ, nhất là trong những gameshow tấu hài mang đặc trưng miền Nam. 

Nói thật là, chương trình “Ơn giời cậu đây rồi” có mời tôi hai lần nhưng tôi đều từ chối. Thứ nhất là, cái gì thì cái kể cả hài, cái gì cũng phải có thời gian, phải có sự thẩm thấu, chứ tào lao quá thì sẽ mất thời gian, không hay, không làm sao mà cứ tung ra thì tốt nhất là thôi. Không những tôi không cảm được cái hay ở chương trình này mà thậm chí tôi còn thấy phản cảm. Có thể một ngày tôi sẽ xuất hiện ở một gameshow hài kịch nào đó nhưng phải có thời gian, có sự đầu tư nghiêm túc về nghệ thuật. Xét đến cùng ai cũng muốn làm hay, muốn làm sâu sắc nhưng để có được điều đó thì phải dành thời gian”.

Quốc Anh ngậm ngùi nhắc đến một người bạn cũ, người đồng nghiệp cũ, nghệ sĩ ưu tú Phạm Bằng. Sự thiếu hụt của người nghệ sĩ quá cố trong mùa hài Tết năm nay như một dấu lặng tiếc nuối. Sẽ có thêm gương mặt mới, vở kịch vẫn hoàn chỉnh, khán giả vẫn cười, bạn bè đồng nghiệp vẫn mải miết chạy sô, lo cho công việc nhưng họ vẫn không quên nhắc đến những người cũ như một sự tưởng nhớ chân thành. Và vì thế mà vở diễn sẽ thăng hoa hơn.

Vai diễn Lý lác của nghệ sĩ nhân dân Quốc Anh trở thành nhân vật hài điển hình được khán giả yêu thích.
Đừng lo cho Chèo!

Quốc Anh mới được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Anh cũng đang là Phó giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội. Và như một lẽ tự nhiên, Chèo luôn là thứ làm anh day dứt và đam mê nhất.

Có phải Chèo đang bị lãng quên trong lòng công chúng Việt? Trả lời câu hỏi này, nghệ sĩ Quốc Anh khẳng định: “Ai cũng lo cho chèo, nhưng đừng nghĩ là chèo đang chết, không có chuyện đó đâu, mà chèo đang sống rất mạnh mẽ”. 

“Sự lấn át của cái mới khiến các bộ môn nghệ thuật truyền thống bị xao nhãng đôi chút, điều này hoàn toàn nằm trong xu hướng phát triển chung của nghệ thuật. Nhưng giống như con tằm nhả tơ, lặng lẽ mà sâu xa, nghệ thuật truyền thống luôn như sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong hành trình phát triển của nghệ thuật dân tộc. 

Những tháng bình thường, sự xuất hiện của nghệ thuật truyền thống như chèo có thể không nhiều, nhưng “đến hẹn lại lên”, những tháng lễ hội, tết nhất thì nghệ thuật truyền thống lại trở thành số một. “Tết đến xuân sang”, làm sao thiếu được một làn điệu chèo trong lễ hội làng, không chỉ trên sân khấu mà còn trong từng đời sống thường ngày, trong gia đình, trong từng con ngõ nhỏ, hay ở một bản làng xa xôi nào đó”.

Anh nói, không giấu diếm niềm tự hào của một người làm nghề chân chính: “Chèo không bao giờ chết được. Những tháng hội chúng tôi không bao giờ hết hợp đồng, lúc này chỉ có sân khấu truyền thống sống thôi, người ta không mời ca múa nhạc đâu, chỉ có sân khấu dân tộc, văn hóa vùng miền, đặc sắc dân tộc. Cái mới sẽ lấn át cái cũ, đó là quy luật, nhưng cái cũ mà được trau chuốt, thì sẽ mãi lấp lánh, trường tồn. 

Đó là xu hướng phát triển của xã hội, nghệ thuật của các nước lớn cũng thế. Giống như sân khấu Kịch Nô, một bộ môn nghệ thuật kinh điển của Nhật Bản. Có thời gian Kịch Nô không xuất hiện 5 năm trên bất cứ phương tiện truyền thông nào ở Nhật Bản. Các nhà quản lý cho “đắp chiếu” các hoạt động, nhưng thực tế các nghệ sĩ vẫn cứ âm thầm tập luyện, trau chuốt và đến năm thứ 6, họ tung ra trước công chúng. Và đó thực sự là những tuyệt phẩm hay nhất của Kịch Nô. Vé được bán ra với giá 200 USD/vé mà người xem vẫn chật cứng các sân khấu. 

Nhưng đó có phải là giải áp cho Chèo, Tuồng, Cải lương hay các bộ môn nghệ thuật truyền thống ở Việt Nam? Nghệ sĩ Quốc Anh trầm ngâm: “Điều này hơi khó. Bởi sự phân bổ các đơn vị nghệ thuật truyền thống ở mình đang lan man, tỉnh nào, địa phương nào cũng có đoàn chèo, trong khi nghệ sĩ sống lay lắt với thu nhập 3-4 triệu/tháng, bao gồm lương, bồi dưỡng. Chi bằng Nhà nước cho tập trung vào thành 1-2 đoàn chính thống, trau chuốt, mài dũa, chọn lọc những giọng hát tuyệt vời. Kể cả bây giờ không cho nghe chèo mà 5-6 năm sau mới cho nghe, ....lúc đó rạp sẽ chật cứng”. 

Nghệ sĩ Quốc Anh và các bạn diễn quen thuộc của anh.

Chèo là linh hồn của nghệ thuật truyền thống, vì nó xuất phát từ nền văn minh lúa nước, mà Việt Nam mình là từ lúa nước mà đi lên chứ còn đâu. Vì sao Chèo không được bổ sung vào danh sách bảo tồn của UNESCO? Chèo làm gì phải bảo tồn trong khi bản thân nó đã ở trong lòng công chúng. Khi bảo tồn nghĩa là sắp mất, còn với Chèo, bản thân nó đang sống rất mạnh mẽ trong lòng công chúng.

Có những làn điệu, ngâm nga trong chèo đều được các nhạc sĩ vận dụng trong các sáng tác hiện đại của mình, như dân gian, dân gian đương đại, đấy là Chèo, là sức sống của Chèo chứ đâu! Vấn đề là làm sống nó như thế nào để Chèo luôn lấp lánh, sống động, mềm mại trong lòng mỗi người dân Việt, anh nói.

Niềm đam mê của các nghệ sĩ trẻ, chính là điều mà Quốc Anh đang lo lắng. “Đó chính là điều mình sợ mất nhất, làm sao để đảm bảo được cuộc sống của họ, chứ nếu yêu đó mà không đủ tiền để sống thì yêu mà vẫn ... ngoại tình”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đời giông bão của nghệ sĩ hài Quốc Anh
Đời giông bão của nghệ sĩ hài Quốc Anh

Nghệ sĩ hài Quốc Anh mang đến cho khán giả những giây phút thư giãn. Nhưng cuộc đời lại không nhiều tiếng cười như công việc của anh.

Đời giông bão của nghệ sĩ hài Quốc Anh

Đời giông bão của nghệ sĩ hài Quốc Anh

Nghệ sĩ hài Quốc Anh mang đến cho khán giả những giây phút thư giãn. Nhưng cuộc đời lại không nhiều tiếng cười như công việc của anh.

NSND Quốc Anh: “Tự Long xứng đáng được phong tặng danh hiệu NSND”
NSND Quốc Anh: “Tự Long xứng đáng được phong tặng danh hiệu NSND”

Theo nghệ sỹ này thì cả Tự Long và Trung Hiếu đều xứng đáng được phong tặng danh hiệu NSND dịp này. 

NSND Quốc Anh: “Tự Long xứng đáng được phong tặng danh hiệu NSND”

NSND Quốc Anh: “Tự Long xứng đáng được phong tặng danh hiệu NSND”

Theo nghệ sỹ này thì cả Tự Long và Trung Hiếu đều xứng đáng được phong tặng danh hiệu NSND dịp này.