Tiền Giang: Nhiều cán bộ xã phải ” ngồi chơi, xơi nước”

VOV.VN - Do không được giao công việc cụ thể nên họ không có việc làm, chỉ “ngồi chơi, xơi nước”

Hiện nay, tại tỉnh Tiền Giang xảy ra tình trạng nhiều cán bộ ở cấp xã phải “ngồi chơi xơi nước”. Có tình trạng một lĩnh vực công tác nhưng có nhiều cán bộ, công chức, nhân viên phụ trách, vừa gây lãng phí nguồn lực vừa làm tăng nguồn quỹ lương để “nuôi” các cán bộ này.

Quyết định của UBND huyện Chợ Gạo(Tiền Giang)điều động 1 phó chủ tịch UBND xã sang làm công chức văn hóa.

Thực hiện Công văn 1044 ngày 18/3/2016  của UBND tỉnh Tiền Giang về số lượng các Phó Chủ tịch UBND cấp xã khi thực hiện Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015, từ giữa năm nay, các xã loại II ở tỉnh đều phải giảm bớt 1 Phó Chủ tịch UBND xã. Theo đó, nếu trước đây, các xã này có 2 Phó Chủ tịch nay chỉ còn 1 người.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Đảng ủy viên, đại biểu HĐND xã Mỹ Đức Đông, huyện Cái Bè, trước đây là phó Chủ tịch UBND xã. Từ giữa năm nay, ông được điều động sang làm công chức văn phòng phụ trách Nông thôn mới của xã. Tuy nhiên, do không được giao công việc cụ thể nên ông không có việc làm, chỉ “ngồi chơi, xơi nước”; có buổi chiều ông ở nhà hoặc đi lân la xuống ấp, gặp dân để uống trà . Dù rất nhàn rỗi và hưởng lương bình thường nhưng ông tỏ ra chán nản vì không có công việc để triển khai.

Ông Nguyễn Thanh Bình, chia sẻ: “Đến giờ đã một tháng tôi được Chủ tịch UBND xã phân công làm công tác Văn phòng phụ trách mảng xây dựng nông thôn mới. Nói chung sáng xuống đó ngồi một chút rồi không có việc làm. Mình phải đi lòng vòng ngoài hay qua ngành này ngành kia nói chuyện chứ đâu có việc gì . Đúng là lãng phí nhưng người ta không phân công mình biết đâu mà làm. Bản thân tôi làm buổi sáng thì về có lúc buổi chiều không lên vì lên cũng có việc gì đâu”.

Còn tại xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo hiện cũng có 3 công chức văn hóa xã hội. Trong đó có một công chức phụ trách công tác Lao động- thương binh xã hội; một công chức phụ trách xây dựng đời sống văn hóa. Riêng ông Lê Văn Chất, nguyên phó chủ tịch UBND xã mới được điều qua phụ trách quản lý trung tâm giáo dục cộng đồng, quản lý nghĩa trang liệt sĩ và công tác dạy nghề. Đây là những hoạt động không thường xuyên nên vị cán bộ này rất nhàn nhã.

Qua trao đổi với cấp ủy, chính quyền các xã loại 2 thì việc giảm một Phó Chủ tịch do cấp trên chỉ đạo, chỉ định. Còn việc phân công nhiệm vụ do Đảng ủy-UBND xã thực hiện. Sở dĩ phần lớn các vị Phó chủ tịch UBND xã \ đều chuyển qua làm Công chức văn hóa là để tạo điều kiện cho họ có định biên (nằm trong biên chế nhà nước) để được hưởng chế độ bảo hiễm xã hội, bảo hiểm y tế… Vì sau đại hội Đảng bộ cấp xã, các chức danh chủ chốt khác đã ổn định, riêng cấp phó ngành và chủ tịch các Hội, đoàn thể là ngoài định biên hay là cán bộ bán chuyên trách.

Ông Phan Văn Tám, Phó Bí thư Đảng ủy- Chủ tịch UBND xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo bày tỏ: “Một xã mà có 3 công chức Văn hóa- xã hội, đây là cơ chế chung quy định của huyện, của tỉnh Tiền Giang mình phải chấp hành. Trước đây có 2 công chức Văn hóa- xã hội vẫn được. Vì huyện sắp xếp như: cán bộ nào không bố trí được mà các ngành chức năng của huyện khuyết thì huyện điều về, còn đối với những cán bộ đủ điều kiện phù hợp với chức năng đó thì huyện mình có xin ý kiến với tỉnh để bố trí ở đó”.

Tại xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo có đến 4 công chức, nhân viên phụ trách lĩnh vực văn hóa xã hội cùng một lúc; trong đó có 3 công chức văn hóa và 1 nhân viên hợp đồng làm công tác giảm nghèo. Khi hỏi nhiệm vụ cụ thể của từng người, ông Nguyễn Văn Quân, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã nói cũng không nhớ được chính xác họ được phân công làm việc gì. Dư thừa hơn, riêng ông  Đinh Quốc Khanh, nguyên phó Chủ tịch UBND xã Quơn Long chuyển qua làm công chức văn hóa thì có nhiệm vụ chính là “lãnh đạo”  2 công chức còn lại.

Ông Lê Văn Dân, Phó Bí thư Đảng ủy xã Quơn Long cho biết, điều động ông Khanh qua đây chỉ tạm thời, chờ đến năm 2017 sẽ bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã.

“Ở trên nói chung sắp xếp vậy thì mình dưới đây sắp xếp phân công cho anh này chứ mình đâu biết đâu. Hôm rồi, họp Ban chấp hành thống nhất cho anh này phụ trách mảng văn hóa để lãnh đạo 2 người kia. Bây giờ anh phụ trách mảng văn hóa đi phong trào, chứ công việc ở đây cũng hơi rảnh”.

Việc thực hiện Công văn 1044 của UBND tỉnh Tiền Giang, để thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, giảm bớt một phó chủ tịch UBND xã là đúng. Tuy nhiên việc xem xét, bố trí, luân chuyển các cán bộ này như thế nào là hợp lý, đúng trình độ chuyên môn, năng lực sở trường của họ là điều quan trọng. Việc nhiều cán bộ, công chức cấp xã ở Tiền Giang hiện đang thừa dẫn đến tình trạng “ngồi chơi, xơi nước” cần được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm, khắc phục. Để từ đó xây dựng chính quyền cơ sở thực sự tinh gọn, trong sạch, vững mạnh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

849 sinh viên cử tuyển ở Thanh Hóa không có việc làm
849 sinh viên cử tuyển ở Thanh Hóa không có việc làm

VOV.VN -Đến thời điểm hiện tại, số sinh viên cử tuyển tại Thanh Hóa học bằng ngân sách ra trường không được bố trí việc làm là 849 người.

849 sinh viên cử tuyển ở Thanh Hóa không có việc làm

849 sinh viên cử tuyển ở Thanh Hóa không có việc làm

VOV.VN -Đến thời điểm hiện tại, số sinh viên cử tuyển tại Thanh Hóa học bằng ngân sách ra trường không được bố trí việc làm là 849 người.