Kinh doanh online: Mọi thứ đều có thể bán trên internet

VOV.VN - Dựa trên số liệu khách hàng đăng ký sử dụng nền tảng bán hàng online, DKT đánh giá xu hướng kinh doanh online nửa đầu năm 2016.

Thực phẩm online lên ngôi – đã đến lúc mọi thứ đều có thể bán trên internet

Theo số liệu tổng hợp về ngành nghề kinh doanh của các website thương mại điện tử đang sử dụng nền tảng bán hàng online Bizweb, thời trang mỹ phẩm và điện tử điện lạnh vẫn luôn là nhóm sản phẩm được ưa chuộng kinh doanh online đối với cả người bán và người mua khi số lượng website TMĐT thuộc nhóm này chiếm đến 25,5% và 19.1%. Theo sau là nhóm các website liên quan đến trang thiết bị máy móc công nghiệp và văn phòng. Đây là những nhóm sản phẩm dễ dàng bán trên mạng thông qua website hoặc sàn TMĐT, tuy nhiên những số liệu mới đây cho thấy đang dần có sự dịch chuyển về chủng loại mặt hàng được ưa thích khi kinh doanh online.

Điểm nhấn trong 6 tháng đầu năm 2016 nằm ở nhóm thực phẩm, tỷ trọng các website cung cấp mặt hàng này thông qua hình thức TMĐT tăng gấp đôi so với năm trước. Cụ thể, trong năm 2015, chỉ có hơn 3% doanh nghiệp khách hàng của DKT tham gia vào cung cấp thực phẩm qua con đường internet nhưng đến năm 2016, con số ghi nhận đã tăng lên 7%.

Thực phẩm – đặc biệt là các loại mặt hàng rau củ tươi sống vốn là nhóm mặt hàng khó đưa lên online do vấn đề bảo quản và thói quen mua trực tiếp của người tiêu dùng. Xu thế này một phần đến từ câu chuyện thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn nhưng đồng thời cũng được coi là dấu hiệu đáng mừng cho TMĐT Việt Nam. Về mặt sản xuất, chu trình TMĐT đã được tối ưu giải quyết được vấn đề của bảo quản, vận chuyển sản phẩm, làm ngắn gọn lại quy trình từ vườn rau đến tay người tiêu dùng. Đồng thời, về mặt tiêu dùng, TMĐT đã đi đến những ngõ ngách sâu nhất về thói quen mua hàng của người Việt, phát huy tối đa lợi ích của mô hình này mang lại cho khách hàng.

Không chỉ ở nhóm ngành thực phẩm, năm 2016 cũng chứng kiến sự bắt nhịp của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống. Nếu như một năm trước đây, trong số các doanh nghiệp sử dụng nền tảng bán hàng online Bizweb, chỉ có 1% thuộc nhóm sản phẩm đồ thủ công mỹ nghệ. Đến năm 2016, con số đã tăng lên 3%. Số liệu này chứng tỏ các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm truyền thống của Việt Nam đang được đầu tư nhiều hơn về thương hiệu cũng như kênh bán. TMĐT đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của nhóm mặt hàng truyền thống này.

Mặc dù so sánh tỷ trọng của nhóm ngành thực phẩm, đồ thủ công mỹ nghệ vẫn khá thấp so với nhóm thời trang hay đồ điện tử, sự thay đổi theo chiều hướng tích cực của các nhóm sản phẩm này cho thấy TMĐT đang ảnh hưởng trực tiếp đến những lĩnh vực mà trước đây chúng ta nghĩ rằng khó có thể bán online. Điều này mở ra ‘đại dương xanh’ cho rất nhiều doanh nghiệp để phát triển thị trường TMĐT cho mình, không bị giới hạn bởi một hoặc một số mặt hàng nhất định.

Hơn 73% website kinh doanh online tập trung ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh

Mặc dù TMĐT đang chứng minh sự phát triển thần kỳ và ngày càng sâu rộng trong mọi lĩnh vực của cuộc sống nhưng những số liệu của DKT cho thấy sự phát triển này không đồng đều tại các địa phương trên cả nước.

Trong số 20.000 khách hàng đang sử dụng nền tảng bán hàng online Bizweb, có đến hơn 73% là các doanh nghiệp có trụ sở tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Trong 6 tháng đầu năm 2016, có 44,1% doanh nghiệp đăng ký nền tảng Bizweb có trụ sở kinh doanh tại Hà Nội, con số tương ứng tại TP. Hồ Chí Minh là 29,5%. Tức là cứ 100 doanh nghiệp có website kinh doanh online thì 73 trong số đó đến từ 2 trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước. Số liệu này không có nhiều thay đổi khi so sánh với dữ liệu của DKT năm 2015 khi tỷ trọng website TMĐT có địa chỉ đăng ký tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là 75%

So sánh với số lượng khách hàng tìm hiều Bizweb thông qua trải nghiệm dịch vụ trên trang chủ, trong số hơn 110.000 cá nhân/doanh nghiệp ghi nhận trong 6 tháng đầu năm, có đến hơn 70% khách hàng đến từ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Điều này cho thấy, ngay từ bước tìm hiểu TMĐT để phục vụ kinh doanh, đã có sự chênh lệch rất lớn giữa Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành còn lại.

Số liệu trên chỉ ra một vấn đề quan trọng trong bài toán phổ thông hóa TMĐT tại Việt Nam. Nếu tình trạng trên diễn biến kéo dài, TMĐT sẽ gián tiếp gia tăng sự chênh lệch mức độ phát triển kinh tế tại các địa phương. Tuy nhiên, đứng trên góc độ cung cấp nền tảng bán hàng online Bizweb, Công ty CP Công nghệ DKT cho rằng đây là cơ hội cho các doanh nghiệp tại các địa phương nếu họ có thể tận dụng cơ hội khi chưa có nhiều cạnh tranh tại các tỉnh thành trên cả nước.

Đánh giá số liệu xu hướng sử dụng nền tảng bán hàng online Bizweb, ông Trần Trọng Tuyến – CEO Công ty CP Công nghệ DKT cho biết: “Những số liệu nửa đầu năm 2016 cho thấy mục tiêu phổ thông hóa TMĐT đã đi được một chặng đường dài, đi sâu vào cuộc sống của chúng ta. Mục tiêu tới đây là mang những bài học thành công tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để phát triển tiếp tại các địa phương còn lại trên cả nước”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên